Văn hóa nghệ thuật

Thắng cảnh Chùa Láng, Chùa Thầy

Cập nhật lúc 15:53 01/08/2018
Chùa Láng còn được gọi là Chiêu Thiền tự, ở làng Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 đến 1175).
Chùa Láng đã từng được coi là ngôi chùa đẹp nhất ở phía tây thành Thăng Long xưa Ảnh: Bảo Nhi
Chùa Láng đã từng được coi là ngôi chùa đẹp nhất ở phía tây thành Thăng Long xưa Ảnh: Bảo Nhi

Cổng chùa gồm bốn cột vuông với ba mái cong gắn vào sườn cột (kiểu cổng ở cung vua, phủ chúa ngày xưa), mang tấm hoành phi lớn “Thiền Thiên Khải Thánh”. Qua cổng là một sân gạch, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan, hai bên là hàng muỗm gần ngàn tuổi dẫn đến cổng thứ ba. Qua cổng này, ở giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng Từ Đạo Hạnh. Qua nhà bát giác đến các công trình chính trong chùa: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng... Động thập điện Diêm Vương ở hai đầu đốc tòa tiền đường miêu tả những hình phạt ở địa ngục. Hội chùa Láng được tổ chức vào ngày 7/3 âm lịch (ngày sinh Từ Đạo Hạnh). Kiệu của Từ Đạo Hạnh được rước đến chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ bố mẹ ngài.

Chùa Thầy ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, thuộc hệ thống chùa thờ Từ Đạo Hạnh, dân gian có câu ca: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba / Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy”. Thời Nhà Lý, chùa được xây dựng rất bề thế, có chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (Thiên Phúc Tự) ở chân núi. Về sau, khi đạo Phật thịnh hành ở nước ta, nhiều đời vua xây dựng ở đây thêm điện Phật, điện Thánh, nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế “hạ công thượng nhất”. Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Chùa Trung thờ Phật, hai bên có tượng Hộ Pháp, Thiên vương. Chùa Thượng đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà tam tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp của Từ Đạo Hạnh, bàn thờ Lý Thần Tông. Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống. Chùa được xây dựng theo thuyết phong thủy. Trước chùa có hồ nước rộng mang tên Long Trì (ao Rồng). Đến vãn cảnh chùa Thầy, Chúa Trịnh Căn có bài ký (được ghi ở vách núi) ví chùa là “viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa”
 
HẢI VÂN
 
Thông tin khác:
Thanh thoát giống như thầy (30/07/2018)
Người Cha thương mến (24/07/2018)
Chén thánh ở San Isdoro (18/07/2018)
34 bức vẽ kinh điển của danh họa Raffaello (18/07/2018)
Ca nhạc lễ hội nổi tiếng (17/07/2018)
Do lòng tin khiêm tốn (12/07/2018)
Họ vẫn cứ coi thường (11/07/2018)
"Văn hoc - nghệ thuật trong kháng chiến (1945 - 1954) (10/07/2018)
Gió biển tuân theo lệnh (09/07/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log