Hát Xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Ảnh: Thu Huyền |
Vào mùa xuân, các phường xoan các làng nô nức khai xuân và tham gia Lễ hội Đền Hùng. Đứng đầu một phường xoan là ông trùm - người dạy hát và tổ chức biểu diễn. Theo lệ, dân tại chỗ là vai anh, dân làng khác là vai em. Khi kết nghĩa anh em, phường cấm trai gái hai bên kết hôn với nhau. Nghệ thuật Hát Xoan đa yếu tố, gồm nhạc, hát, múa…đi cùng nhau, múa minh họa nội dung lời ca. Có 3 hình thức Hát Xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và thần thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe, hát đối giao duyên nam nữ… Năm 2011, Hát Xoan được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp” bởi tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác, cần được kịp thời bảo vệ và phát triển, không thể để mai một. Tỉnh Phú Thọ kết hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện yêu cầu của UNESCO đạt kết quả cao. Hát xoan đang lan rộng trong các thôn xóm và trường học ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc…
Nhã nhạc cung đình Huế cũng là loại hình văn hóa lễ hội, được biểu diễn vào các dịp lễ và hội (trong đó có các dịp vua đăng quang, băng hà), kế thừa những dàn nhạc dân tộc có nhiều nhạc khí cung đình - xuất hiện dưới dạng tác phẩm chạm nổi trên các bệ đá kê cột chùa thời Lý từ thế kỉ XI-XII, thường được chia thành hai nhóm chính: nhóm văn và nhóm võ. Tại Huế còn tồn tại, còn vết tích nhiều nhà hát, rạp hát lớn nhỏ của vua, đại thần và dân thường xây dựng làm nơi biểu diễn nhạc cung đình, nhạc cổ điển, hát bội hay nhạc dân gian, như: Duyệt thị đường trong hoàng thành, Minh Khiêm đường trong lăng Tự Đức, Cửu tư đài trong cung Ninh Thọ, rạp hát ông Hoàng Mười, nhà hát Mai Viên tại tư dinh thượng thư Đào Tấn, đã không loại trừ sự tấp nập của những rạp hát ông Sáu Ớt (Nguyễn Nhơn Từ), rạp hát gia đình họ Đoàn (ở An Cựu), rạp hát Bà Tuần v.v...UNESCO đánh giá: "Trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tầm vóc quốc gia từ thế kỷ XIII. Đến thời nhà Nguyễn thì nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất". Năm 2003, UNESCO công nhận nhã nhạc cung đình Huế là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”.