Xứ đạo Kẻ Sặt cũng như những xứ đạo khác, công tác tổ chức bao giờ cũng chặt chẽ và cụ thể. Đứng đầu giáo xứ là Cha cả, dưới Cha cả có Trùm cả, dưới Trùm cả có ông Trương bà Trương phụ trách từng việc. Để giúp cha xứ hành đạo còn có Ban hành giáo. Giáo dân các khu được tổ chức như sau:
Hội tràng hạt, tập hợp giáo dân từ 35 tuổi trở lên.
Hội chân kiệu, mỗi khu một hội.
Hội nghĩa binh, làm nhiệm vụ an ninh.
Hội phường trống: Nam từ 11-15 tuổi
Hội ca đoàn: Làm nhiệm vụ ca hát, tuổi từ 18-30
Hội kim nhạc: Phụ trách về lễ nhạc, nhạc cụ chủ yếu là kèn đồng.
Mỗi hội có một tổ trưởng , hàng năm bầu lại một lần.
Mỗi năm, giáo xứ có 4 mùa lễ hội:
Lễ giáng sinh tức lễ Nô-el vào ngày 25-12
Lễ phục sinh vào tháng 2 hoặc 3 tuỳ theo năm nhuận hay không.
Lễ dâng hoa vào tháng 5 tháng 6
Lễ cầu hồn vào ngày 1 tháng 11. Trong 4 lễ của một năm chỉ có lễ giáng sinh là lễ trọng.
Để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh, con chiên đi làm ăn ở các nơi đều về quê mừng sinh nhật Chúa và đoàn tụ gia đình, tạo nên không khí nhộn nhịp náo nức. Nhà nhà tổng vệ sinh, đường phố ngõ xóm trang trí đèn hoa, các cửa hàng bày bán quà Nô-el, nhà thờ được tu chỉnh.
Ngày 23, toàn thể giáo dân tập trung làm lễ đài ở nhà thờ lớn, tu tạo hang đá Bê-lem, nơi chúa ra đời, dựng cây thông Nô-el, làm ngôi sao chiếu mệnh của chúa treo giữa hai tháp nhà thờ.
Ngày 24, rước tượng chúa từ Nhà thờ Lớn về Nhà thờ thánh An-tôn để chuẩn bị cho lễ rước đêm Noel. Các hội ca đoàn, hội kèn, đội thánh ca được tập hợp luyện tập chuẩn bị cho lễ trọng. Ngày lễ trọng, giáo dân nghỉ ngơi, vì ngày đó theo kinh thánh, phần xác chỉ cầu nguyện cho phần hồn. Mọi nhà tổ chức ăn mừng, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, trong sinh hoạt chỉ làm những điều thiện.
Tối 24, các ngả đường về Kẻ Sặt nườm nượp khách hành hương. Trong đó không chỉ có giáo dân mà không ít người bên lương. Họ đến đây để thưởng thức không khí hội hè. Từ 18-23 giờ, giáo dân và khách hành hương xem biểu diễn văn nghệ trước nhà thờ lớn. Trong nhà thờ hội tràng hạt, hội giáo dân cầu kinh. 23 giờ đêm, lễ Nô-el bắt đầu. Giáo dân tập trung ở nhà thờ thánh An-tôn, chuẩn bị rước tượng Chúa hài đồng. Sau khi hát thánh ca mừng chúa, lễ rước kiệu bắt đầu. Kiệu rước được chăng đèn kết hoa rực rỡ. Đoàn rước vừa đi vừa cầu kinh. Trước kiệu, có hai thiếu nữ mặc quần áo trắng , vừa đi vừa rắc hoa trước kiệu. Đi sau kiệu là cha xứ, mặc lễ phục trắng, khoác áo choàng đen, đội mũ linh mục mầu đỏ, hai bên có 4 chú giúp việc. Đi đầu đoàn rước có một tiểu đồng xách lư xích trầm thơm ngát, tạo nên không khí thiêng liêng trịnh trọng. Đi sau cha xứ là hàng ngàn giáo dân trang phục chỉnh tề, bước đi thong dong, trật tự và kính cẩn. Khi đoàn rước về đến Nhà thờ lớn, 3 quả chuông cùng dóng lên vang rền chào đón hoà với nhạc điệu hùng tráng của dàn kèn trống đẩy không khí lễ hội lên đỉnh của cao trào. Đúng 24 giờ, tượng Chúa được đặt vào bàn độc. Chuông trống ngừng lại, giáo dân ngồi xuống ghế, trật tự, yên lặng. Cha xứ bắt đầu giảng kinh trong không khí thiêng liêng trầm lắng. Giảng kinh xong, thánh ca vút lên trữ tình, tỏ lòng biết ơn Chúa đã cứu vớt chúng sinh. 1 giờ ngày 25, lễ giáng sinh kết thúc trong tiếng chuông, tiếng nhạc hùng tráng mừng một mùa giáng sinh yên vui, hạnh phúc. Nghiên cứu lễ hội thiên chúa giáo, chúng ta sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức và ý thức trách nhiệm của từng thành viên trong lễ hội.