Điện Kremlin ở Moscow đã được lịch sử xác nhận là pháo đài trung cổ lớn nhất thế giới. Ảnh: CTVĐiện |
Đất nước Nga xinh đẹp từ xa xưa đã nổi tiếng với những hàng bạch dương, vươn mình thẳng tắp bên những con sông- dòng suối; những vùng tuyết trắng bao la quanh năm là mùa đông của Siberia; và những đêm trắng lênh đênh trên thuyền không ngủ được, để cảm nhận nhịp sống hối hả của mỗi thành phố vào hè. Thế nhưng, còn có một sự nổi tiếng nữa, ấy là những thánh đường bằng đá trắng, tỏa sáng chói lọi dưới nắng mặt trời.
Dù rằng nhiều vùng miền ở Nga đều có những thánh đường đá trắng, song nổi tiếng nhất về số lượng công trình uy nghi, tráng lệ vẫn là hai thành phố Vladimir và Suzdal. Tại đây, từ thế kỷ XII, nhờ kỹ thuật xếp đá chính xác cùng sự khéo tay trạm trổ đá trau chuốt, những nghệ nhân đá đã cho ra đời rất nhiều nhà thờ lộng lẫy, mà phần lớn cho tới nay đều đã được UNESCO công nhận Di sản thế giới, và giới thiệu là danh lam, thắng cảnh trên mọi các ta lô du lịch. Để tạo nên mỗi nhà thờ dù mộc mạc nhất, thợ xây đều đã phải sử dụng hàng trăm khối đá, chủ yếu là đá vôi trắng carborniferous, được ra đời từ kỷ Paleozoic cách đây khoảng 251 triệu tới 542 triệu năm và ngoài ra là đá sa thạch, đá dolomite, đá vôi Volga, đá travertine, đá alabaster… Dù là đá trắng nào, chúng cũng là một phần quan trọng của kiến trúc khu vực, cũng như là biểu tượng của quyền lực và vẻ đẹp Nga.
Nằm cách thủ đô Moscow 200km và cách nhau 30km, nhìn từ xa, Vladimir và Suzdal đã hiện lên cực kỳ diễm lệ, với hàng loạt những mái nhà thờ, tu viện và cả dinh thự lô xô. Chúng đều có chung một phong cách độc đáo, đó là kiến trúc làm từ đá trắng hay đơn giản là kiến trúc trắng Vladimir - Suzdal, gồm nhà thờ chính tòa Đức Trinh nữ Mary, Tu viện Chúa Cứu Thế và Thánh Euthymius, Thánh đường Đức Mẹ quy thiên, Thánh đường Sự bảo vệ của Đức Mẹ đồng trinh trên sông Nerl, Thánh đường St. Boris và St. Gleb, Thánh đường St. Demetrius xứ Thessaloika, Pháo đài Kremlin, Cổng vòm vàng,… Song hành cùng những tòa tháp cao vòi vọi, những bậc cầu thang uốn lượn uyển chuyển, những hành lang dài bát ngát bằng đá trắng, trên mỗi công trình còn thấy vô số những phù điêu, hình trạm đặc sắc, trong đó có các con vật, những loài hoa lá, chim muông và chữ cái chi chít như thể một bài thơ trên đá. Mà nhiều nhất là hình sư tử, báo đốm, rồng rắn, đại bàng mình sư, nhân mã có cánh… là những sinh vật rất dũng mãnh thể hiện cho vương quyền thời xưa. Bên cạnh đó là các họa tiết hình thảm phương Đông, mô típ Gothic German, Phục hưng Italia… là những thứ cho thấy sự trù phú, sinh động của dân gian. Tất cả làm thành một thể hài hòa, đẹp mắt trong kiến trúc nhà thờ đá.