Tranh Hàng Trống: Vợ chồng Ngâu. Ảnh: CTV |
Tranh thờ được dùng phổ biến trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo. Trong đó phần nhiều là tranh thờ Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy, Nam Đình), như các tranh Bà chúa Thượng ngàn, Tố nữ, Mẫu Thoải, Ngũ Hổ, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưỡi rắn, các bộ Tứ bình (4 bức) hoặc Nhị bình (2 bức) như Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục), Tứ quý (Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông), cùng các tích truyện Nhị Độ Mai, Thạch Sanh, Kim Vân Kiều, Lý ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng, Chim công múa có tính cách cầu phúc, thái bình. Thêm vào là những bức về đề tài dân dã như cảnh “Chợ quê" hay “Canh nông chi đồ... cuốn hút. Tranh Tết thì có Chúc phúc, Tứ quý. Các nghệ nhân tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ. Ván khắc tranh thường được làm bằng gỗ thị. Mực in truyền thống là mực Tầu nguyên chất. Đầu tiên, tranh chỉ có một bản mực đen, sau đó được tô màu bằng tay trên giấy. Tùy thuộc ý tưởng người vẽ, có tranh chỉ bồi một lớp giấy dó hay giấy báo, có tranh phải bồi 2 hay 3 lớp. Những bộ tranh khổ to và dài, người ta thường bồi dày, hai đầu trên dưới có lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao, cửa rộng. Hiện nay, tranh Hàng Trống bị mai một, chỉ còn được lưu giữ trong viện bảo tàng.
Tranh Đông Hồ cũng là một dòng tranh dân gian đặc sắc xuất xứ từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, lâu đời như tranh Hàng Trống. Tai đây, hàng năm bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, dân làng rộn ràng làm tranh để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Tranh Đông Hồ vui tươi, dí dỏm, gần gũi với đời sống đại đa số dân chúng, lại độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình... Nhắc tới các ấn phẩm Đám cưới chuột, Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Thầy đồ cóc, Cá chậu chim lồng, Hiếu học, Đàn gà... ai cũng biết. Tranh Đông Hồ còn đi vào thơ văn và chương trình giáo dục phổ thông. Người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, vách, hết năm lột bỏ, thay vào đó tranh mới. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp (nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ được nấu từ bột gạo, rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó). Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên của cây cỏ và đồ dù, (màu đen của than xoan hay than lá tre, màu xanh của gỉ đồng, màu vàng của hoa hòe, màu đỏ của sỏi). Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Do công nghệ phát triển, tranh dân gian làng Hồ bây giờ không được tiêu thụ nhiều như trước. Nhà nước đang lập hồ sơ khoa học tranh Đông Hồ để đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể.