Một góc khuôn viên Trường đại học Truyền giáo Rôma. Ảnh: CTV |
Chúng tôi không thể bỏ lỡ một cơ hội đặc biệt như vậy. Tất cả chúng tôi đều có mặt từ 17h 30 để chuẩn bị cho buổi nói chuyện của Đức Hồng y vào 19h. Cha Gioan Trần Mạnh Duyệt đưa chúng tôi đi thăm trường và cơ sở đào đạo sinh viên các nước. Trường truyền giáo đầu tiên được xây dựng ở trung tâm Rôma cũ năm 1626. Do nhu cầu tăng, trường được mở rộng tại đây, ban đầu mới khoảng 100 phòng nội trú, ngày nay là khoảng 300, nếu kể cả sinh viên ngoại trú thì vào khoảng 2000 sinh viên. Cơ sở đầu tiên được dành làm văn phòng điều hành mọi hoạt động của trường. Đức cha Ngô Đình Thục, cha Đinh Ngọc San, cha Trần Mạnh Duyệt Phát Diệm...đều tốt nghiệp từ trường truyền giáo này. Gần đây nhất là cha Phêrô Trần Văn Hoà Phát Diệm vừa tốt nghiệp trường này.
Chúng tôi được đưa tới phòng học. Nơi đây các liên tu sĩ gồm các nữ tu dòng, các chủng sinh, các cha Việt Nam du học và làm việc tại Rôma do cha Giuse Hoàng Minh Thắng quê Phát Diệm làm chủ tịch, có khoảng 200 thành viên trong khắp Rôma, buổi tối nay có khoảng 100 thành viên và đang cùng ôn bài hát “Hang Belem” (Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời) của Hải Linh để hát chào mừng Đức Hồng y. Ngài đến khi bài hát còn đang ôn dở, mắt Đức Hồng y bị đau nên phải băng kín một bên, dù thế, ngài rất vui khi gặp liên tu sĩ Việt Nam. Sau phút gặp gỡ chào và tặng hoa, ngài mời mọi người sang hội trường nghe kể chuyện và xem băng hình về Việt Nam trong chuyến viếng thăm vừa qua của ngài. Đây cũng là dịp lần đầu tiên ngài xem chung băng hình với Viêt Nam và về Việt Nam, Đức Hồng y nói: dù đau mắt, tôi cũng sẽ bỏ băng để nhìn rõ hơn!
Vinh dự được chụp ảnh với Đức Hồng y Sepe. |
Tại hội trường, ngài rất vui chào bằng tiếng Việt Nam xin chào quý cha, xin chào quý chị. Ngài nói chuyện bằng tiếng Ý và vui vẻ kể lại chuyện khi Hồng y đoàn vào chúc mừng Giáng sinh, Đức Thánh Cha đã vui mừng nói: “Vậy thì tôi cũng muốn thăm Việt Nam”. Đức Hồng y cảm động kể lại rằng, ngài được đón tiếp tại Việt Nam như là Đức Thánh Cha, rằng giáo dân Việt Nam có lòng đạo, chỉ cần nâng cao dân trí về kiến thức. Ngài cũng đánh gía cao khả năng truyền giáo của tu sĩ Việt Nam tại Mông Cổ, Myanma, Lào, Campuchia... Trong tương lai, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa tinh thần truyền giáo là lệnh truyền của Chúa.