Bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót rất quen thuộc đối với người Công giáo. Nhiều tín hữu biết về câu chuyện liên quan đến thánh Faustina, vị “Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót”, và Vương Cung Thánh Ðường Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow, Ba Lan. Tuy nhiên, ít người nào biết được cách Krakow hơn 720km về hướng bắc, trong một thị trấn nhỏ tên Vilnius thuộc Lithuania, có một thánh đường cũng mang tên này. Ðây là nơi đang treo bức tranh gốc của Lòng Chúa Thương Xót, cũng là thị kiến của thánh Faustina.
Tranh gốc |
“Giêsu, con tin vào Ngài”
Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938) là một nữ tu trẻ người Ba Lan. Trong vài năm liên tiếp, chị cho biết mình thấy nhiều thị kiến về Chúa Giêsu và được sai bảo phác họa một hình ảnh giúp lan tỏa lòng từ ái của Thầy ra thế giới. Theo trang tin Catholic News Agency, thánh Faustina lần đầu tiên được thị kiến tại Plock, Ba Lan, vào tháng 2.1931. Vào thời điểm đó, ngài chỉ mới vừa khấn dòng để trở thành nữ tu của Dòng Ðức Mẹ Nhân Lành. Ðến năm 1933, sau khi khấn trọn đời, vị nữ tu được bề trên yêu cầu chuyển đến tu viện ở Vilnius. Sơ ở đó suốt 3 năm, và tiếp tục được nhiều thị kiến. Vilnius cũng là địa điểm mà thánh nhân tìm được linh mục linh hướng Michael Sopocko (sau này đã được tuyên chân phước).
Nơi ở của thánh nữ |
Với sự giúp đỡ của cha Sopocko, thánh Faustina tìm một họa sĩ để hoàn thành lời sai bảo của Chúa Giêsu trong một lần thị hiện: “Hãy khắc họa một hình ảnh dựa trên điều mà con thấy được, với điểm nhấn chính là: Giêsu, con tin vào Ngài”. Vào năm 1934, họa sĩ Eugene Kazimierowski đã tạo nên bức họa gốc Lòng Chúa Thương Xót theo chỉ dẫn của thánh nữ. Ðức Tổng Giám mục Grusas nhấn mạnh chính thánh Faustina đã thực hiện mọi sự điều chỉnh cần thiết với sự hỗ trợ của họa sĩ. Bức tranh vẽ Chúa Giêsu với cánh tay phải nâng lên để ban phép lành, và tay trái chạm vào Thánh Tâm. Hai luồng ánh sáng, màu xanh xám và đỏ, mà theo thị kiến là hình ảnh biểu tượng của nước và máu, chảy xuống từ hướng tim ngài. Faustina ghi lại mọi thị kiến trong nhật ký, gọi là Lòng Thương Xót Chúa trong linh hồn tôi. Trong đó, thánh nhân đã viết những dòng chữ mô tả về ơn lành của Chúa sẽ tuôn chảy xuống bất kỳ ai cầu nguyện trước bức tranh: “Những linh hồn tỏ lòng tôn kính trước hình ảnh này sẽ không bao giờ tàn lụi. Ta cũng đảm bảo mang đến chiến thắng trước kẻ thù của linh hồn đó, đặc biệt vào thời điểm của cái chết”.
Phòng ngủ của thánh nữ |
Khi bức tranh được hoàn tất, ban đầu được treo tại hành lang của tu viện Bernardine, kế bên nhà thờ thánh Micae, nơi linh mục Sopocko là cha sở. Ðến tháng 3.1936, Faustina lâm bệnh nặng và được chuyển về Ba Lan. Thánh nhân qua đời gần Krakow vào tháng 10.1938, hưởng dương 33 tuổi. “Bởi vì bệnh tật nên thánh Faustina được chuyển về Krakow theo lệnh bề trên. Tuy nhiên, ngài để bức tranh lại Vilnius vì đó là di sản của vị linh mục dẫn dắt tinh thần, cũng là người có nhiều đóng góp giúp bức họa hoàn thành”, Ðức Tổng Giám mục Gintaras Grusas của Vilnius giải thích.
Tồn tại thần kỳ qua chiến tranh
Ðức Tổng Giám mục Grusas cho biết, nhiều người gần đây mới biết về sự tồn tại của bức họa, một phần do tranh được cất giấu sau nhiều thập niên và chỉ mới được phát hiện cũng như phục hồi trong vòng 15 năm qua. Trải qua nhiều biến cố trong thế chiến thứ hai, đến năm 1948, nhà thờ thánh Micae rơi vào tình trạng bị đóng cửa, còn tu viện bị bỏ hoang. Rất nhiều đồ vật linh thiêng và những tác phẩm quý giá được chuyển sang một nhà thờ khác, nhưng bức Lòng Chúa Thương Xót vẫn được giữ nguyên chỗ cũ mà không bị tổn hao gì trong vài năm. Vào năm 1951, có hai phụ nữ đã trả tiền cho người gác cửa nhà thờ và cứu bức tranh. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ không thể nào di chuyển bức họa qua biên giới Ba Lan, nên cuối cùng đã trao tác phẩm quý cho vị linh mục chịu trách nhiệm coi sóc nhà thờ Chúa Thánh Thần bảo quản hộ.
Năm năm sau, bức tranh được dời sang một nhà thờ khác ở Belarus, nơi tác phẩm này yên vị được một thập niên. Ðến năm 1970, nhà thờ cũng bị đóng cửa và bị cướp phá những đồ đạc quý giá. Thế mà một lần nữa bức Lòng Chúa Thương Xót lại tồn tại nguyên vẹn, không bị chạm đến. Theo thời gian, tranh được bí mật chuyển ngược về Lithuania và quay lại nhà thờ Chúa Thánh Thần. Vào đầu thế kỷ 21, tầm quan trọng của bức tranh một lần nữa được khám phá. Bức Lòng Chúa Thương Xót được dày công phục hồi và chuyển sang địa điểm mới là nhà thờ Chúa Ba Ngôi vào năm 2005 và hiện được đổi tên thành Ðền thánh Lòng Chúa Thương Xót.
Theo Ðức Tổng Giám mục Grusas, dù chỉ mới xuất hiện sau này trước công chúng, bức họa có nguồn gốc từ Vilnius là tác phẩm có lẽ là sâu sắc nhất về Lòng Chúa Thương Xót, mang theo tư tưởng thần học vô cùng sâu xa và sát với các thị kiến của thánh Faustina. Hiện nơi vị thánh từng lưu ngụ trong thời gian tại thế ngắn ngủi đã trở thành điểm hành hương cho các tín hữu.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc