Văn hóa nghệ thuật

Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với đồng bào theo đạo Thiên Chúa

Cập nhật lúc 09:39 25/06/2009

Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh với đồng bào theo đạo Thiên Chúa

 

 

    Với mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng con người, giải phóng nhân loại, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những tư tưởng nhân văn cao cả của dân tộc và nhân loại. Vì thế, có một nhà nghiên cứu người Nga sau khi gặp Người đã kết luận: ở Hồ Chí Minh tỏa ra một ánh sáng văn hóa, không phải của hôm nay mà là ánh sáng văn hóa của tương lai. Đã có lần trong tác phẩm của mình Bác Hồ đã coi Khổng Tử, GiêSu, Đức Phật, Mác, Lênin, Tôn Dật Tiên là những người thầy của mình. Mỗi người thầy ấy sống ở mỗi thời đại khác nhau, nhưng ở họ, Bác tìm thấy điểm chung giống nhau, đó là mong hạnh phúc cho nhân loại. Với Bác, đồng bào theo đạo Thiên Chúa hoặc theo bất kỳ tôn giáo nào trước hết họ đều là người Việt Nam, đều có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đều có chung một ý nguyện là đất nước được hòa bình, ổn định, phát triển giàu mạnh, nhân dân được hạnh phúc. Từ  điểm chung ấy mà Bác kêu gọi mọi người đoàn kết: Việc giải phóng dân tộc, việc cứu nước là việc chung của mọi người, không phải là việc riêng của ai nên phải đồng lòng, đồng tâm, đồng sức.

Ngày 3-9-1945, một ngày sau “Tuyên ngôn độc lập”, Bác chủ trì phiên họp Chính phủ. Người đề ra “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” trong đó có 6 vấn đề cấp bách nhất và biện pháp giải quyết. Trong 6 vấn đề, Người đề cập đến vấn đề tôn giáo: “Vấn đề thứ sáu - Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: “TÍN NGƯỠNG TỰ DO VÀ LƯƠNG GIÁO ĐOÀN KẾT”(1).

    Nhân ngày Đức Chúa giáng sinh 25-12-1945, trong bộn bề công việc của người đứng đầu chính phủ của nước Việt Nam mới, Bác Hồ đã dành những tình cảm, sự tin yêu với các vị linh mục và đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Người gửi tới đồng bào bức thư chúc mừng nhân dịp Đại lễ Giáng sinh. Trong thư Bác viết: “Các vị linh mục và đồng bào công giáo Việt Nam. Cách đây một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay, một vị Thánh nhân là Đức Chúa Giê Su ra đời.

    Suốt đời Ngài chỉ hy sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ.

    Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2000 năm, nhưng tinh thần thân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tủa ra đã khắp, thấm vào lại sâu.

    Hiện nay toàn quốc đồng bào ta, công giáo và ngoại công giáo, đều đoàn kết chặt chẽ, nhất trí đồng tâm như con một nhà, ra sức tranh đấu để giữ gìn nền độc lập cho Tổ quốc! Ngoài sa trường thì xương máu của chiến sĩ công giáo và ngoại công giáo đã xây nên một bức thành kiên cố vĩ đại để cản lại kẻ thù chung là bọn thực dân Tây. Ở khắp nước, thì đồng bào công giáo và ngoại công giáo đương đem cả lực lượng giúp vào cuộc kháng chiến và kiến quốc! Tinh thần hy sinh phấn đấu tức là noi theo tinh thần cao thượng của Đức Chúa Giê Su.

    Trong lịch sử Việt Nam ta, lần này là lần đầu mà đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ, sung sướng trong nước Việt Nam độc lập, tự do. Tôi chắc rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của các vị Giám mục Việt Nam, đồng bào công giáo quyết một lòng với nhân dân toàn quốc để giữ vững nền độc lập, tự do đó.

    Tôi xin thay mặt đồng bào toàn quốc chúc các vị giám mục Việt Nam và toàn thể đồng bào công giáo, ngày lễ Nôen vui vẻ, sung sướng.”(2) 
 

    Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hằng năm thông thường Bác đều có thư thăm hỏi và chúc mừng đồng bào theo đạo Thiên Chúa nhân ngày Chúa giáng sinh. Bác tâm sự với đồng bào là kính Chúa, yêu nước, Đức Chúa lòng lành răn dạy mọi con người những điều lành, điều thiện, không được làm điều ác. Đức Chúa dạy mỗi con người phải thương yêu nhau, thương yêu cả kẻ thù của mình. Tình thương yêu của Đức Chúa là bao la, không bờ bến. Mong muốn của Đức Chúa là đem lại sự bình an cho mọi người, đem lại hòa bình cho xã hội và hạnh phúc cho loài người.

    Mười điều răn của Chúa là mười điều kính Chúa, răn dạy người theo đạo không làm việc ác, đó là: 1 - Phải thờ kính Thiên chúa trên hết mọi sự; 2 - Không được lấy danh Thiên chúa để làm những việc phàm tục tầm thường; 3 - Dành ngày chủ nhật để thờ phụng Thiên chúa; 4 - Thờ kính cha mẹ; 5 - Không được giết người; 6 - Không được dâm dục; 7 - Không được gian tham lấy của người khác; 8 - Không được làm chứng dối, che giấu sự gian dối; 9 - Không được ham muốn vợ (hoặc chồng) người khác; 10 - Không được ham muốn của cải trái lẽ.

    Giáo Hội Thiên chúa còn quy định các mối quan hệ của người theo đạo đối với đồng đạo, với đồng loại và với bản thân, gồm: Lấy điều thiện mà khuyên người; Hướng dẫn cho kẻ mê muội; Tha thứ cho kẻ khinh rẻ mình; Nhịn kẻ xúc phạm đến mình; Răn bảo kẻ tội lỗi; An ủi người lo âu; Cầu nguyện cho người sống và người chết; Cho kẻ thiếu đói; Cho kẻ khát uống; Cho kẻ rách mặc; Cho khách ở nhờ; Cho người làm thuê; Thăm viếng người hoạn nạn; Chôn táng người chết; Khiêm nhường; Không hà tiện; Không tị hiềm; Đoan chính; Siêng năng; Ăn uống điều độ…
 

    Những điều răn dạy của Đức Chúa, những lời răn dạy của Giáo Hội chân chính rất gần gũi với những điều mà những người Cộng sản tu dưỡng và phấn đấu đạt tới. Xét trên phương diện đạo đức và nhân văn thì đạo Phật, đạo Thiên chúa, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh rất gần nhau, tất cả đều hướng tới con người; chăm lo cho con người, mong muốn cho con người có cuộc sống bình đẳng; bác ái. Cái khác lớn nhất của các tôn giáo với chủ nghĩa Mác-Lênin đó là, tôn giáo cho rằng, từ sự bác ái, tu tâm, tu thân, cam chịu ở thế giới trần tục, sau này phần hồn về với một thế giới khác sung sướng, an nhàn. Cuộc sống đó mới là cuộc sống vĩnh hằng của con người. Chủ nghĩa Mác-Lênin kêu gọi và tổ chức cho công nhân, lao động và những người bị áp bức, bóc lột đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới trần tục bình đẳng, ấm no, tự do, hạnh phúc.

    Khi học hỏi tiếp cận với những tư tưởng lớn của các vĩ nhân trong lịch sử, Hồ Chí Minh đã tìm thấy điểm chung của tất cả các vĩ nhân ấy: Tất cả đều hướng tới con người và chăm lo cho con người.

    Trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, trong cuộc đấu tranh để xây dựng CNXH Hồ Chí Minh đã định hướng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc hướng tới mục tiêu chung. Trước hết, bất kỳ ai, dù theo bất cứ một tôn giáo nào cũng là một con người, một thực thể xã hội. Đã là một thực thể thì ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tự do, bình đẳng và phải lao động, phấn đấu để có được điều đó. Khi đất nước bị xâm lược, khi dân tộc mất quyền tự do, thì tôn giáo cũng không có tự do. Muốn tôn giáo được tự do thì dân tộc phải được giải phóng. Nhân dịp Chúa Giáng sinh 1951, Bác gửi thư cho đồng bào công giáo, Người viết: Đức Chúa đã giáng thế và đã hy sinh cho tự do và bác ái giữa loài người… Song, giặc Pháp và bọn can thiệp Mỹ đã làm trái ngược với lời Chúa dạy. Chúng gây chiến tranh, chúng cướp bóc, tàn sát nhân dân ta, chúng hòng cướp nước ta, bắt ta làm nô lệ. Đức Chúa không bao giờ tha thứ lũ quỷ sa tăng ấy. Chúng ta quyết chiến thắng lũ quỷ cướp nước ấy.

    Trong ngày lễ Nôen, tôi mong đồng bào nhớ cầu nguyện cho những chiến sĩ giáo và lương đã kháng chiến anh dũng và đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Nhớ cầu nguyện cho những vị giáo sĩ và bà Phước từ Bắc đến Nam, đã vì chính nghĩa mà bị giặc Pháp giết hại.

    Tôi mong đồng bào đoàn kết thêm chặt chẽ trong công cuộc kháng chiến để phụng sự Đức Chúa, phụng sự Tổ quốc và thực hiện lời Chúa dạy: “Hòa bình cho người lành dưới thế” và đồng bào đạt nguyện vọng “Phần xác no ấm, phần hồn thong dong”.

    Trước sau như một, chính sách của Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Đồng bào theo đạo được tôn trọng, nơi thờ tự được bảo đảm và bảo vệ, được đào tạo chức sắc, tu sửa chỉnh trang nơi thờ tự. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước, đóng góp xây dựng quê hương, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa và nhân văn, thực hiện xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ lẫn nhau, thương yêu đồng loại theo lời dạy của Chúa: Sống phúc âm giữa lòng dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo theo đường hướng của Ủy ban đoàn kết công giáo yêu nước Việt Nam, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

    Đồng bào theo đạo Tin Lành trong Hội thánh Tin Lành Việt Nam với đường hướng đúng đắn là sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

    Đương thời Bác Hồ mong đồng bào Lương - Giáo đoàn kết. Đoàn kết trở thành sức mạnh vô địch của dân tộc, để xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta. Nhân ngày Chúa giáng sinh, nếu Đức Chúa thấy được điều Lương - Giáo đoàn kết, tự do tín ngưỡng, cùng nhau xây dựng một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chắc Người rất vui lòng...

NGUYỄN THẾ CƯỜNG
 

Ban biên tập
Thông tin khác:
VĂN HÓA & NIỀM TIN: TRANG NHẬT KÝ RẤT RIÊNG TƯ TRONG NGÀY THƯƠNG BỐ (23/06/2009)
'ÊM, CHẬM, SÂU, ĐỀU' (23/06/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log