Gương điển hình

Vị linh mục cả đời “mua lại” những em bé bị nhiễm HIV

Cập nhật lúc 14:59 21/09/2018
Linh mục Phương Đình Toại - người cha của hàng trăm đứa trẻ mang căn bệnh thế kỉ.
Linh mục Phương Đình Toại - người cha của hàng trăm đứa trẻ mang căn bệnh thế kỉ.
Không giành thì chúng làm sao?

Theo báo Thanh Niên, năm 2000, linh mục Phương Đình Toại, dòng Camillo (dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân), sang Thái Lan làm y sĩ cho một trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Và chính tại nơi đó, một câu chuyện đã ám ảnh cha cho đến mãi sau này.

Cha kể, có một phụ nữ Việt Nam bị bán qua Campuchia để bán dâm. Khi cô phát hiện mình mắc bệnh HIV cũng là lúc cô biết mình đang có một sinh linh.

Bị đuổi ra đường, cô tìm cách sang Thái Lan. Đứa trẻ chào đời, cô suy kiệt. Cô được đưa vào trung tâm nơi linh mục cha chăm sóc vì chỉ có cha nói được tiếng Việt. Trước khi nhắm mắt, cô nhìn cha khẩn cầu, rằng điều duy nhất cô muốn chỉ là tìm lại đứa con, đưa nó về quê nhà.

Và rồi cha giúp cô hoàn thành ý nguyện. Nhưng cũng từ đó, nhiều điều khiến cha thao thức: Tại sao có một đồng hương bị xã hội vùi dập? Tại sao có một phận đàn bà bị ruồng bỏ? Tại sao có một linh hồn vừa mở mắt, một linh hồn kia đã phải nhắm mắt nơi đất khách quê người?

Bốn năm sau, linh mục Phương Đình Toại trở về Việt Nam, được Tòa Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn - Tp. HCM giao nhiệm vụ quản lý Ban Mục vụ chăm sóc người có HIV/AIDS.

Cha đi khắp các bệnh viện, tìm hiểu, động viên từng bà mẹ mắc bệnh mà không ai chăm sóc, lo thuốc thang, giúp nơi ăn chốn ở cho từng người. Rồi số người cần giúp đỡ ngày càng nhiều nên năm 2005, cha phải thuê một căn nhà ở quận Phú Nhuận cho việc này. Cha đặt tên nhà là Mai Tâm.

“Đó là trái tim của ngày mai, là trái tim sáng tươi, là trái tim của niềm hy vọng. Hy vọng ấy, không chỉ của một mình tôi,” cha nói.

Mai Tâm ra đời với năm trẻ được cha bao bọc và chỉ trong vòng hơn một năm, số lượng các em đã gấp năm lần.

Năm 2009, cha chuyển “nhà” về một nơi khang trang hơn ở quận Thủ Đức. Người ta nghĩ cha vui nhưng mà vui sao được khi điều đó đồng nghĩa với việc cha phải chứng kiến ngày càng nhiều bi kịch. Một đứa trẻ bơ vơ, một đời người thăm thẳm…

Ban đầu, cha chủ động tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để thuyết phục họ. Đó là những bà mẹ cực cùng tuyệt vọng, không còn người đàn ông cạnh mình, không còn được gia đình chào đón. Họ nghĩ đã mang căn bệnh này, chỉ có chết, đẻ con chỉ có bệnh. Thôi thì lấy được đồng nào qua ngày thì hay đồng đó.

Họ nằm trên giường, một vài “cò” lân la. Những cuộc ngã giá đôi khi chóng vánh. Mười, mười lăm triệu cho một đứa trẻ lần đầu mở mắt nhìn đời. Liệu trên đời này còn những cuộc mua bán nào tàn nhẫn và nghiệt ngã hơn nữa không?

Vậy là cha phải “mua”, phải “giành” cái cha muốn là đưa một người mẹ vừa rứt ruột bán con, một đứa trẻ vừa “hóa” thành món hàng, trở về với cuộc sống bình thường. Cha không oán trách ai cả, nhưng cha sẽ trách mình nếu để lỡ “món hàng” kia.

Cha nhiều lần vét sạch túi, chỉ để làm “xiêu lòng” những người mẹ đang hoảng loạn. Cha nhiều lần vướng vào những hợp đồng mua bán đã xong, nhưng vẫn cố ẵm bằng được đứa trẻ đỏ hỏn ra khỏi bệnh viện, an toàn vượt qua những tay “cò” nguy hiểm vừa bị cướp miếng ăn. Nguy hiểm đến độ, có lần công an phải hộ tống cha về.

Biết đứa trẻ nào cũng cần có mẹ, cha luôn cố gắng thuyết phục cả người mẹ về cùng: “Thôi chị về mái ấm, xem như nghỉ sinh vài ngày. Với nuôi đứa trẻ giúp chúng tôi vài ngày thôi, nó còn nhỏ quá.”

Chỉ cần họ chịu về là cha thở phào. Bởi vì, chỉ một vài lần nhìn đứa trẻ khóc, một vài lần cho nó bú mớm, một vài lần thấy bàn tay nhỏ xíu nắm chặt ngón tay mình, người mẹ sẽ tự khắc chẳng muốn buông.

Cứ vậy, mái ấm chở che hàng trăm phận người, chật ních. Thế mà chỉ cần nghe ở đâu có trẻ “si đa,” ở đâu có cuộc bán mua số phận, cha lại tức tốc lên đường.

Mai Tâm là mái ấm của 87 đứa, khó đủ bề với 87 miệng ăn, 87 cái đầu cần nạp kiến thức, 87 trái tim cần được yêu thương… người ta nói vậy mà cha còn đi “giành giật.” Còn cha trả lời: “Không giành, thì chúng làm sao?”

Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha

Nếu tính luôn cả những trường hợp các bà mẹ nhiễm bệnh thì Mai Tâm là nơi nương náu của hơn 300 phận người. Vậy mà linh mục Phương Đình Toại nhớ từng câu chuyện đời, nhớ tính tình từng đứa trẻ.

Rất nhiều trong số đó, vì được uống thuốc kịp thời khi vừa sinh ra và phơi nhiễm, chỉ khoảng 40 ngày thì triệt tiêu hoàn toàn căn bệnh. Rất nhiều trong số đó, được chăm sóc và thuốc thang đều đặn, sống khỏe mạnh như một người bình thường. Thậm chí, nhiều em còn học đại học, trong đó có em tốt nghiệp ngành điều dưỡng, rồi tự quay về mái ấm làm việc. Nhưng cũng có người vì phát hiện muộn mà không đủ sức chống chọi được số phận của mình.

Mỗi ngày, cha luôn thủ thỉ với những đứa con của mình rằng: “Cuộc đời tụi con rất quan trọng với cha”. Ngoài bệnh tật, mất cha mất mẹ, chúng phải đối mặt với nỗi đau lớn nhất là không có ai xem chúng quan trọng. Tụi trẻ luôn mặc cảm, khép mình vì cảm thấy bị bỏ rơi. Khi đứa trẻ lớn dần, nó biết có một người xem nó là quan trọng, nó có niềm tin sống tiếp.

Ngôi nhà của những đứa trẻ HIV chẳng giống với những mái ấm khác. Bởi lẽ, mái ấm trẻ mồ côi hay cơ nhỡ, tụi trẻ còn mong đến ngày có người đến nhận về. Nhưng những đứa trẻ ấy lại có một gia đình mới, là chính chúng với nhau. Chúng tự hiểu tính nhau, tự lo cho nhau. Như cha Toại nói, có những bất hạnh mà chính những người bất hạnh sẽ tự hóa giải khi ở cùng nhau.

Giờ đây, mái ấm Mai Tâm ở số 23, đường 15, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp. HCM, là nơi sinh sống và học tập của 87 trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS cùng nhiều bà mẹ cũng nhiễm bệnh.
 
Lưu Trân
Thông tin khác:
Bông hoa vô thường giữa lòng thủ đô (21/09/2018)
Những mô hình hay bảo vệ môi trường nơi xứ đạo ở Đồng Tháp (30/08/2018)
Thánh nữ đau tiên ở Châu Úc (30/08/2018)
Thương người như thể thương thân (30/08/2018)
"Đơn thương" cùng chiếc vespa hành hương qua 26 giáo phận (29/08/2018)
Doanh nhân Trần Đức Minh: Mang điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người từ những điều nhỏ nhoi, đơn giản nhất (22/08/2018)
Thần đèn nâng nhà thờ nặng 5500 tấn (20/08/2018)
Tâm huyết cả đời lặn lội đi tìm mộ liệt sĩ (14/08/2018)
Đồng Tháp: Mô hình Câu lạc bộ “ Giáo xứ fatima tuyến đường, cổng, rào, sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn” (13/08/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log