Gương điển hình

"Đơn thương" cùng chiếc vespa hành hương qua 26 giáo phận

Cập nhật lúc 16:04 29/08/2018
Chiếc Vespa của vị Giám mục khiêm hạ

Đức Giám mục phó giáo phận Qui Nhơn Giuse Phan Văn Hoa sinh ngày 18/7/1922 tại Lục Lễ, Gò Thị, Bình Định (thuộc xã Phước Hiệp, Tuy Phước ngày nay); là cháu đời thứ năm của thánh Anrê Nguyễn Kim Thông (một trong bốn thánh tử đạo của giáo phận Qui Nhơn), kể từ đời bà Nguyễn Thị Khâm con gái của thánh nhân.

Tháng 9/1935, cậu Hoa vào Tiểu Chủng viện Làng Sông, giáo phận Qui Nhơn. Năm 1943, thầy Hoa nhập học Đại chủng viện Qui Nhơn, sau 2 năm học triết, thầy đi giúp xứ Đồng Quả rồi xứ Đồng Dài (xã Dương Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Sau 4 năm mãn khóa thần học, thầy được cử ra xứ Phú Hòa- Quảng Ngãi với nhiệm vụ quản lý ruộng đất của nhà chung tại đây. Cho đến đầu năm 1954, từ Quảng Ngãi thầy Giuse Phan Văn Hoa ra Đà Nẵng. Đức Giám mục Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi đón nhận vào Nha Trang và thầy tiếp tục học thần học tại Nha Trang.

Ngày 27/4/1955 lãnh chức phó tế; ngày 17/5/1955, ngài được Đức Giám mục Paul Raymond Marie Marcel Piquet Lợi đặt tay truyền chức linh mục tại nhà thờ Nha Trang. 

Sau khi truyền chức linh mục, cha Giuse Phan Văn Hoa được bề trên giáo phận cử làm phó xứ Nha Trang. 6 tháng sau, ngài đảm nhiệm phó xứ Hoành Phước (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Sau nửa năm làm mục vụ tại giáo xứ Hoành Phước, cha Giuse Phạm Văn Hoa trở lại làm phó xứ Nha Trang đến năm 1957. Sau khi làm phó xứ Nha Trang, cha được bài sai về làm chính xứ Đồng Tre (Phú Yên). Từ năm 1967 - 1974, cha làm quản lý Tòa Giám mục Qui Nhơn kiêm đặc trách Hội bác ái Vinhsơn và Tuyên úy nhà tập dòng Mến Thánh giá ở Ghềnh Ráng. Sau năm 1974, ngài được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đặt làm Tổng đại diện giáo phận Qui Nhơn.
Ngày 30/3/1976, Đức Giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm Giám mục phó giáo phận Qui Nhơn, với khẩu hiệu Giám mục: “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Trong những năm làm quản lý Tòa Giám mục Qui Nhơn kiêm đặc trách Hội bác ái Vinhsơn, ngài đã chọn cho mình một phương tiện khá tiên tiến, lịch lãm đó chính là chiếc Vespa Super để đi lại, phụng vụ giáo phận. Năm 1987 ngài qua đời. Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục giáo phận Qui Nhơn giao chiếc xe trên cho linh mục Gioakim Huỳnh Công Tân - Hạt trưởng giáo hạt Kim Châu (là nghĩa tử của Đức cha Giuse Phan Văn Hoa). Linh mục Gioakim sử dụng một thời gian, chiếc xe hư hỏng, đã đem “lưu kho”... 

Chép sử 26 giáo phận trên thân xe

Nhìn chiếc xe lưu kho, linh mục Giuse Võ Tuấn, sinh năm 1960- hiện là Hạt trưởng Bồng Sơn, Chính xứ Phù Mỹ (Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Định). Vốn yêu nghệ thuật, hoài cổ, không khỏi luyến tiếc, ngài tự nhủ: Nó cũng từng là chiếc xe “vang bóng”, và là “người bạn” sớm hôm đón đưa bề trên của mình là Đức Giám mục Giuse Phan Văn Hoa đi mục vụ, kinh lý khắp giáo phận, nay lẽ nào lại vô dụng, vô tri đến vậy.  Nghĩ vậy, ngài đã trao đổi với cha Gioakim Huỳnh Công Tân để ngài phục chế lại chiếc Vespa Super nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Cha Gioakim đồng ý, thế là ngài có thêm một “người bạn” tâm tình. Việc sửa chữa, phục chế xe cổ chỉ có người trong cuộc mới tận hiểu được sự lam lũ, công phu nhường nào “nghề chơi cũng lắm công phu”!

Chiếc Vespa Super được “phục sinh”. Nhìn vào chiếc xe “con ong” với bộ cánh kiều diễm, cha nghĩ ngay đến việc phải viết gì, vẽ gì, trang trí sao cho chiếc xe của bề trên được thật đẹp. Một ý tưởng vụt sáng trong đầu, đó là dùng chiếc xe hành hương cùng mình tới mọi miền đất nước, tới các giáo phận, viếng thăm các thánh tử đạo và xin chữ ký của các Đức giám mục chính tòa… để in lên thân hình chiếc xe.

Khởi từ đầu năm 2018, cha bắt đầu rong ruổi cùng “người bạn” tâm tình từ các giáo phận miền Nam, rồi miền Trung; cuối tháng 6 vừa qua, dịp mà giáo phận Thanh Hóa tổ chức lễ tấn phong Đức tân Giám mục Giuse Nguyễn Đức Cường, tiết trời miền Bắc khắc nghiệt đến lạ thường từ trước đến nay, cũng là dịp chiếc xe Vespa Super, người bạn song hành cùng cha đi nốt, viếng thăm những giáo phận còn lại của miền Bắc. “Nắng, gió ở miền Trung chưa ăn thua gì trong những ngày này, ở đây...”- cha thở dài với tôi, khi ghé thăm, nghỉ lại tại trụ sở Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (34 Ngô Quyền- Hà Nội)… Hôm đó là ngày 1/7, theo lịch hẹn, sáng cha đi thăm giáo phận Hưng Hóa, chiều về ghé thăm tòa soạn báo NCGVN. Sáng hôm ấy, vừa tới Sơn Tây, có người đi xe máy trong ngõ ra, đã xô ngã. Xe hỏng, người đau, nhưng xe cha vẫn cố… viếng thăm giáo phận thứ 26 - chặng đường cuối cùng trong hành trình cùng với ý tưởng đặc biệt.

Đặc biệt ở chỗ sau khi đi về, cha có bộ ảnh ghi nhận chiếc xe của mình trước nhà thờ Chính tòa các giáo phận trên cả ba miền, có chữ ký của các Đức Giám mục..., ý tưởng thêm phong phú, cha đã diễn lại lịch sử truyền giáo, sự trưởng thành của các giáo phận trên thân xe như sau:

Nhìn từ phía trước - ở giữa hai cánh xe- từ trên xuống là: Chúa Kitô Vua, thánh Anrê Nguyễn Kim Thông - một trong bốn thánh tử đạo giáo phận Qui Nhơn như trên đã nói, và ảnh nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn.

Hai cánh, được chia cho hai giáo phận cổ xưa, Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Bên trái là giáo phận Đàng Ngoài, khởi từ năm 1659, lấy Hà Nội làm giáo phận Mẹ và 9 giáo phận còn lại, lần lượt như: Hải Phòng: 1679; Vinh: 1846; Bùi Chu: 1848- “À, vậy là giáo phận quê hương tôi được thiết lập vào năm 1848”; Bắc Ninh: 1883; Hưng Hoá: 1895; Phát Diệm: 1901; Thanh Hoá: 1932; Thái Bình: 1936 và “người em út”… Lạng Sơn: 1939. 

Bên phải, cũng khởi từ 1659, bắt đầu từ giáo phận Mẹ Qui Nhơn và 15 giáo phận còn lại như Huế: 1850; Kon Tum: 1932; Nha Trang: 1957; Đà Nẵng: 1963; Ban Mê Thuột: 1967; Sài Gòn: 1844; Vĩnh Long: 1938; Cần Thơ: 1955; Đà Lạt: 1960; Mỹ Tho: 1960; Long Xuyên: 1960; Phú Cường: 1965; Xuân Lộc: 1965; Phan Thiết: 1975 và  Bà Rịa: 2005. Bên cạnh việc ghi danh các giáo phận cùng năm thành lập thì đều được cha cho bắn chữ ký của các vị Giám mục chính tòa kèm theo…

Ngoài chữ ký của các Giám mục còn có chữ ký của các nhạc sỹ trứ danh như: Kim Long, Nguyễn Duy, Phanxicô (Nguyễn Đình Diễn), Ánh Đăng, Sơn Ca Linh, Liên Bình Định, Mi Trầm… lên thân xe.

Phía dưới nơi “diễn tả” lịch sử 26 giáo phận còn có các câu: “Cảm tạ”, “Tri ân” hay “400 năm Qui Nhơn loan báo Tin mừng- Hành trình cội nguồn…” nhân kỷ niệm và  bế mạc Năm Thánh vào ngày 26/7 vừa qua.
Vũ Quý Vượng
Thông tin khác:
Doanh nhân Trần Đức Minh: Mang điều tốt đẹp nhất đến cho mọi người từ những điều nhỏ nhoi, đơn giản nhất (22/08/2018)
Thần đèn nâng nhà thờ nặng 5500 tấn (20/08/2018)
Tâm huyết cả đời lặn lội đi tìm mộ liệt sĩ (14/08/2018)
Đồng Tháp: Mô hình Câu lạc bộ “ Giáo xứ fatima tuyến đường, cổng, rào, sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn” (13/08/2018)
Anh hùng chống thực dân (06/08/2018)
Vác thánh giá vượt hơn 4500km để bảo vệ sự sống (02/08/2018)
"Đôi chân, cánh tay"của những người khuyết tật (02/08/2018)
“Bác sĩ” kèn – Nghề độc (24/07/2018)
Người tiên phong mang đàn Electon - Nhạc cụ thánh đường ra miền Bắc (10/07/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log