Gương điển hình

Nơi đâu cũng đọng yêu thương

Cập nhật lúc 11:24 19/03/2019
Giữa buổi sớm mai mát lành cơn gió ở khuôn viên rợp bóng cây cao tại cơ sở Don Bosco Ba Thôn, cha giáo Giuse Ðoàn Hải Ðăng (SDB) say sưa trong bài giảng của mình với các tập sinh. Trước khi đảm nhận việc giảng dạy như hiện nay, cha đã từng “xắn tay áo” vào đủ những chương trình phục vụ người nghèo và luôn sát cánh cùng bà con xóm đạo Tam Hải...

 

Con đường đến với ơn gọi linh mục và chọn lựa vào hội dòng có lời khuyên nổi tiếng của đấng sáng lập “các con hãy vui chơi miễn là đừng phạm tội”, theo cha Đăng kể lại là “rất tự nhiên và tình cờ trong sắp xếp của Chúa”. Từng là giáo lý viên ở xứ nhà Hoàng Mai (Xóm Mới), rồi từ nhiều lần ham mê đá banh mà “lân la” vào sân nhà dòng, đến khi nhận được lời mời cởi mở của một linh mục tại đây: “Lần sau cứ mặc đồ đá bóng vô đây chơi”. Từ dạo đó, cha bắt đầu tìm hiểu ơn gọi.

Không lâu sau khi thụ phong linh mục năm 2005, cha Đăng được gởi đến Tam Hải (Thủ Đức) làm cha phó, và hai năm sau thì trở thành chánh xứ. Bật khóc vì xúc động trong ngày lễ nhậm chức cùng bao cảm xúc khó diễn thành lời là điều đến nay cha vẫn nhớ như in. Giọt nước mắt ngày đó là câu nhắc nhớ cho con đường mục vụ và phục vụ của vị mục tử suốt những năm tháng về sau.

Phục vụ một xứ đạo nằm giữa vùng có nhiều cơ sở hội dòng, đông giáo dân và cũng là nơi có số lượng người nhập cư lớn, những suy tư về khoảng cách giàu nghèo đã thành “nốt lặng” khiến vị linh mục trẻ luôn bận tâm. Từ suy nghĩ đến hành động, cha bắt đầu nảy ra nhiều ý tưởng. Trăn trở và mong ước xóa bỏ được khoảng cách giữa người giàu, kẻ nghèo, Câu lạc bộ 20.000đ ra đời. Với 20.000đ của nhiều người góp vào định kỳ mỗi tháng, cha có “vốn” nên mạnh dạn xây dựng nhiều chương trình giúp người khó khăn.

Một buổi sinh hoạt cùng các em thiếu nhi trong xứ

 

Tình trạng trẻ em các gia đình nhập cư học dở dang, học trễ so với tuổi vì thường xuyên thay đổi chỗ ở hoặc không có hộ khẩu để nhập học trường chính quy… trở nên rất phổ biến quanh khu vực. Chưa kể đến những gia đình lao động vốn làm thuê vác mướn tại khu chợ đầu mối, thường thuộc diện nghèo nên không thể đủ điều kiện lo cho con em học hành. Vì vậy, ngay từ năm 2006, khi còn làm phụ tá, cha đã dốc sức phát triển lớp xóa mù chữ sẵn có ở Tam Hải thành một cơ sở phổ cập giáo dục. Với suy nghĩ xem đây như là “nơi cuối cùng mà các em có thể tìm tới và phụ huynh nghèo có thể nương tựa”, nên bất cứ học sinh hoàn cảnh khó khăn nào “gõ cửa” cũng đều được trường vui lòng đón nhận. Sự thân thiện, rộng cửa của ngôi trường nhỏ này, khởi đi từ tấm lòng vị mục tử, đã phần nào giảm nhẹ gánh lo cho nhiều hoàn cảnh cơ cực. Cũng không ít những gia đình có hai, ba con cùng theo học tại cơ sở của Tam Hải. Quan niệm trường dành cho tất cả những trẻ em nào cần đến nên cha cũng đón nhận các em khuyết tật, trẻ chậm phát triển trí tuệ… Ở các lớp học đặc biệt ngay trong khuôn viên nhà thờ này, những đứa trẻ không may mang khiếm khuyết được hòa nhập với các bạn đồng lứa. Và cũng tại đây, các học sinh bình thường học được cách yêu thương, đùm bọc những bạn bè kém may mắn một cách thực tế nhất.

 

Ngoài trường phổ cập, cha Đăng cũng là người khơi gợi, phát triển thêm các hội đoàn ở giáo xứ như Caritas, nhóm di dân... Những bếp ăn tình thương hay nhiều buổi sinh hoạt cho bạn trẻ di dân đã phát triển mạnh thêm nhờ sự góp tay, đồng hành của ngài. Cha “chọn mặt gởi vàng”, tìm người thiện chí nên các chương trình phục vụ giáo xứ hay kẻ khó được duy trì lâu bền. “Giáo xứ có sẵn truyền thống được xây dựng qua nhiều thế hệ nên chỉ cần biết cách khích lệ tinh thần, truyền thống đó...”, cha chia sẻ.

Dấu ấn của người mục tử vùng ven còn ở những yêu thương gởi đi từ công việc mỗi ngày. Một ấn tượng đã trở thành truyền thống đẹp ở xứ đạo Tam Hải mà bà con giáo dân nơi đây vẫn nhắc nhớ đó là tiết mục văn nghệ đầu Xuân có vị mục tử làm “diễn viên chính”. Xuất phát từ ý nghĩ muốn phục vụ bà con và tạo không khí vui tươi đầu năm mới nên cha Đăng quy tụ một nhóm nhỏ yêu văn nghệ, lên kịch bản và tập diễn. Sau thánh lễ mùng 1 Tết, bà con khắp xứ đạo có dịp thưởng thức màn hóa thân của cha sở, cha phó thành Táo Quân, Ngọc Hoàng, hay Alibaba... Đến nay, chương trình văn nghệ mừng Xuân nơi đây vẫn được tiếp nối từ ý tưởng của cha Đăng.

Cha Đăng tham gia hoạt cảnh mừng Xuân phục vụ và con

 

Sau gần 10 năm gắn bó với công việc mục vụ ở Tam Hải, tháng 8.2015, cha Giuse nhận sứ vụ mới, lần lượt phụ trách giảng dạy ở các học viện Don Bosco tại Đà Lạt, Mai Thôn. Dù ở môi trường nhộn nhịp nhiều sinh hoạt nơi xứ đạo hay có phần sâu lắng với đời sống cộng đoàn thì nhìn lại quãng đường đã đi qua, ngài vẫn cảm nghiệm được trọn vẹn tình yêu với ơn gọi, với tha nhân. Thế nên, giữa những chiều yên ả ven đô, người mục tử vẫn bình dị tới lui quanh sân banh của dòng, bắt chuyện cùng mấy đứa trẻ đầm đìa mồ hôi sau trận bóng…

 

Minh Hải
cgvdt

Thông tin khác:
Thầy giáo Đặng Tấn Đua (13/03/2019)
Khiêm nhường là sứ điệp quan trọng từ Đức Mẹ Lộ Đức (05/03/2019)
Bác ái mùa Xuân (04/03/2019)
Vua heo rừng Đồng Tháp (20/02/2019)
Công giáo với y học dân tộc (18/02/2019)
Người cựu chiến binh có tấm lòng nhân ái (15/02/2019)
Về Sơn La sau trận lũ lịch sử (15/02/2019)
Câu chuyện ngày cuối năm (14/02/2019)
“Giọt hồng” sẻ chia của vị mục tử (24/01/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log