Riêng huyện Mai Sơn đã có 1 người chết, 331 nhà bị thiệt hại, 126 nhà phải di dời khẩn cấp, 70 ha hoa màu, 7,8 ha ao cá bị lũ cuốn trôi, 3 trường học bị phá hủy. Vì thế Ban Caritas của giáo phận Hưng Hóa đã ra lời kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, sẻ chia. Nhận được thông tin trên, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội đã trao đổi tổ chức quyên góp trong nội bộ Ủy ban cũng như một số nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Hội Chữ thập đỏ Hà Nội ủng hộ 1,5 tấn gạo. Chị Maria Nguyễn Thị Minh Nguyệt ở giáo xứ Cổ Nhuế 3 triệu đồng và 40 thùng mỳ tôm. Nhóm Từ Tâm ủng hộ 10 bao tải quần áo mới và 650 quyển vở học sinh. Linh mục Antôn Dương Phú Oanh, lương y Phạm Cao Sơn, nhà báo Vũ Thành Nam… mỗi người ủng hộ 1 triệu đồng.
Chúng tôi liên hệ với Tòa Giám mục Hưng Hóa và được giới thiệu qua Văn phòng Caritas gặp nữ tu Maria Lê Thị Thúy và nữ tu Maria Nguyễn Thị Vân. Các nữ tu nhiệt tình kết nói với linh mục Giuse Nguyễn Tiến Liên ở giáo điểm Mai Sơn. Cha Liên cho rằng, làm bác ái thì không phân biệt lương giáo nên cứ để địa phương bình chọn trong 4 xã thiệt hại nhất là Nà Bó, Phiêng Pằn, Tà Hộc và Nà Ớt lấy 150 hộ để nhận hàng cứu trợ. Cha Liên cho biết, vào bản phải đi xe hai cầu, gầm cao vì đường hiện còn rất khó đi. Chúng tôi thuê một xe tải chở hàng chạy từ tối hôm trước, còn hai xe chở người thì sáng hôm 29/9/2018 mới xuất phát. Qua Đền thánh Lòng Chúa Thương xót ở Hòa Bình để đón 2 nữ tu Thúy và Vân, xe chạy không nghỉ nhưng cũng phải 12 giờ trưa thứ bảy mới đến chỗ cha Liên. Cha đã chuẩn bị bữa cơm trưa chu đáo để đón đoàn. Ăn trưa xong, chúng tôi vội đi ngay vì đường vào bản khá xa và khó đi. Ông Giuse Nguyễn Xuân Chính ở Mai Sơn cùng đi để dẫn đường. Ông cho biết, ngay sau khi trận lũ xảy ra, cha Liên và bà con Công giáo đã đi cứu trợ ngay những nhà thiệt hại. Mỗi nhà chỉ có 2 ổ bánh mỳ thôi nhưng bà con rất cảm động. Hôm sau được thêm 2 ổ bánh mỳ nữa và ít quần áo. Nhà trường thì có được một số sách vở. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là xã Nà Bó. Xe phải vất vả mới đi qua được những đoạn đường sạt lở và lũ cuốn mới chi dọn vừa hai bánh xe đi. Dân cư ở đây thì phần lớn là người dân tộc H’Mông, Thái, Sing Mun, Khơ Mú. Người Kinh cũng có nhưng rất ít. Hơn 30 hộ khó khăn đã tập trung ở hội trường xã. Sau lời giới thiệu của ông Lê Gia Hưng, Phó Chủ tịch UB MTTQ huyện Mai Sơn, tôi thay mặt đoàn từ thiện của Ủy ban Đoàn kết Công giáo của thành phố Hà Nội xin chia sẻ những khó khăn, mất mát do trận lũ lịch sử gây ra. Hy vọng một chút quà của chúng tôi sẽ an ủi bà con phần nào để bà con vươn lên ổn định cuộc sống. Trò chuyện với bà con, chúng tôi thấy cuộc sống vất vả hằn lên từng khuôn mặt người dân. Có phụ nữ rất trẻ mới ngoài 20 mà đã có 4 con vì chị lấy chồng từ lúc 13 tuổi.
Đoàn Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đến với bà con vùng lũ. Ảnh: HT |
Tại xã Tà Hộc, chúng tôi ngạc nhiên vì trụ sở của xã xuống cấp nghiêm trọng. Trần nhà bằng cót ép đã mục nát và tường nhà không thể đóng đinh vì nó cứ bục ra. Tôi đề nghị sơ Vân lấy cho mỗi cháu ở lớp học cha Liên một cái áo len và ít vở ghi để mừng năm học mới. Lớp này có 11 em học cấp 2 và 3. Các em rất thích sinh hoạt ở đây vì được ăn, học và quan tâm. Tối thứ bảy, sau lễ có giờ cầu nguyện Taize, cắt bánh sinh nhật cho một thành viên tên Ly rất vui. Vì vậy, các em rất giữ kỷ luật lớp vì sợ vi phạm sẽ bị trả về gia đình.
Buổi tối trong bữa cơm có mặt lãnh đạo huyện Mai Sơn, chúng tôi mời cha Liên cùng dự và giới thiệu với mọi người để làm quen. Cán bộ huyện cũng lúng túng không biết xưng hô thế nào với linh mục Liên. Cha Liên đề nghị gọi ông Chủ tịch là bạn vì cùng sinh năm 1979.
Hôm sau còn đi 2 xã rất xa là Phiêng Pằn và Nà Ớt. Dọc đường sơ Thúy kể nhiều chuyện rất vui vì sơ đã vài chục năm lăn lộn với người dân tộc vùng Tây Bắc. Sơ nói, muốn thoát nghèo người dân ở đây phải cho con đi học. Xin được tài trợ ủng hộ các em bán trú nhưng cha mẹ vẫn bắt ở nhà cõng em vì nhà nào cũng 5-6 con nhỏ. Vậy là lại phải tính mở lớp mẫu giáo để các em lớn có thể đi học. Nhiều nhà nghèo, mình muốn giúp họ thoát nghèo nhưng đưa tiền giúp đỡ là đi uống rượu ngay. Thậm chí đưa tiền cho con đi chữa bệnh, cũng bỏ con ngoài quán vào uống rượu say sưa đến tối. Ông Chính cũng góp thêm một ví dụ, có nhà đàn ông bị thương phải mổ, cha vận động được 3 triệu, tiền viện phí 2,5 triệu. Số thừa còn lại nói nên đi về bằng xe buýt cho rẻ, còn mua thêm cái gì bồi dưỡng sau mổ. Nhưng họ lại gọi taxi cho oai và tiêu hết tiền.
Chúng tôi xin dâng một lễ cho ông Phanxicô Quy, người rất nhiệt tình với công việc chung vừa mất hồi đầu năm. Chính nhà kho của ông đã thành nơi dâng lễ suốt 7 năm thời cha Giuse Nguyễn Trung Thoại và bây giờ đất làm nhà nguyện, nhà ở của các nữ tu cũng là nhờ trên đất của gia đình ông. Chúng tôi chia buồn với chị Thúy- vợ ông và sáng hôm sau, chị cũng đi phát quà cùng với chúng tôi.