Gương điển hình

Người đại biểu của nhân dân

Cập nhật lúc 14:14 19/04/2019
Ông Vicent Auriol - Chủ tịch Quốc hội Pháp - nói lời chào mừng phái đoàn Quốc hội Việt Nam vào ngày 26-4-1946. Ảnh: TL
Ông Vicent Auriol - Chủ tịch Quốc hội Pháp - nói lời chào mừng phái đoàn Quốc hội Việt Nam vào ngày 26-4-1946. Ảnh: TL
Tại đường sách thành phố mang tên NGUYỄN VĂN BÌNH (Đức TGM), cạnh bên nhà thờ Đức Bà, sáng 18/3, đã diễn ra buổi khai mạc “Triển lãm Phái đoàn Quốc hội Việt Nam khóa I thăm hữu nghị Cộng hòa Pháp năm 1946- Biểu tượng của khát vọng hòa bình”, do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) và Vụ Thông tin Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức. Hòa trong dòng người đông đảo, đa số là các bạn trẻ, không ít khách du lịch nước ngoài, tôi như được sống lại không khí những ngày đầu tiên đất nước độc lập, qua những trang tư liệu rất quí hiếm chụp lại (Bản đánh máy) Mệnh lệnh khởi nghĩa, của Ủy ban chỉ huy lâm thời khu G.7 ngày 12/8/1945 được ký tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản chụp báo CỨU QUỐC số ra ngày 2/9/1945, báo CỜ GIẢI PHÓNG, số ra ngày 12/9/1945 và hơn 150 ảnh về những ngày đầu độc lập, trong đó đa số là hình ảnh ghi lại chuyến đi của đoàn đại biểu Quốc hội nước ta, lần đầu tiên thăm Cộng hòa Pháp. Những tấm ảnh vô giá này hiện đang được bảo quản tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II và lần đầu tiên ra mắt công chúng. Nhân dịp này, tôi có dịp tìm hiểu về Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Trong số các vị đại biểu quốc hội lúc bấy giờ, có linh mục Phêrô Phạm Bá Trực, cha từng là Phó Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội).

Năm 2019 này, Hà Nội và cả nước tưng bừng kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954-2019). Đó cũng là dịp kỷ niệm 65 năm ngày mất của linh mục Phêrô Phạm Bá Trực (5/10/1954), một tấm gương tiêu biểu của phong trào yêu nước nơi người Công giáo giai đoạn kháng chiến chống Pháp. 

Linh mục Phạm Bá Trực sinh ngày 21/11/1898 tại làng Bạch Liên (tên cổ là làng Bồ Bát) thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Là một trong những xứ đạo cổ xưa, được đón nhận Tin Mừng sớm ở miền Bắc thời giáo sĩ Alexandre de Rhodes, năm 1627. Linh mục Phêrô Phạm Bá Trực là cháu nội của cụ Phạm Công (Bát Cống) và là con của cụ cố Phạm Bình. Cố Phạm Bình sinh được 4 người con trai trong đó có 2 người thứ hai và ba là linh mục Phạm Bá Trực và ông Phạm Toàn đi tu, nhưng sau này ông Phạm Toàn phải bỏ dở đường tận hiến, vào đời.

Cậu Trực được gia đình gửi vào chủng viện của giáo phận Tây Đàng Ngoài. Sau khi mãn khóa với thành tích xuất sắc, đúng vào dịp Tòa Thánh gợi ý cho các giáo phận ở Việt Nam được gửi một số chủng sinh giỏi đi học Rôma, vậy là cậu Trực được Giám mục Gendreau Đông gửi đi du học, cùng với các chủng sinh Phạm Quang Huấn (Hà Nội), Ngô Đình Thục (Huế), Nguyễn Đình San (Phát Diệm)…từ năm 1916. Sau 9 năm chuyên cần học tập, thầy Trực đã lấy được 3 bằng Tiến sĩ về Giáo luật, Thần học và Văn chương. Do thành tích này, nên vua Khải Định ngỏ ý muốn tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho thầy, nhưng thầy đã từ chối.

Về nước, thầy được thụ phong linh mục năm 1926 và bề trên cử về coi sóc giáo xứ Kẻ Sét (Thịnh Liệt, Hà Nội). Tại đây, linh mục Phêrô Phạm Bá Trực mở trường học dạy văn hóa cho thanh thiếu niên trong miền. Năm 1927, cha mang người cháu ở quê Phát Diệm lên học và nhận đỡ đầu. Đó chính là cậu Phạm Đình Tụng (1919-2002), sau này là Hồng y Tổng Giám mục giáo phận Hà    Nội. Năm 1928, linh mục Phêrô Phạm Bá Trực được bổ nhiệm là Giáo sư Đại chủng viện Kẻ Sở. Thời gian này, ngài dịch nhiều sách đạo đức để phổ biến cho cộng đoàn như cuốn "Linh hồn của mọi công tác Tông đồ" (L'âme de tout Apostolat). Năm 1929 được giao thêm quản xứ Khoan Vĩ (Lý Nhân, Hà Nam) và ở đây cho đến khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.

Dịp bầu cử Quốc hội khóa I năm 1946, linh mục Phạm Bá Trực xin phép Bề trên là Giám mục Chaize Thịnh ra ứng cử. Giám mục Chaize đồng ý và linh mục Phạm Bá Trực đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Thường trực Quốc hội tháng 3/1946 và đến tháng 5-1947 được bầu là Phó Ban Thường trực Quốc hội tương đương Phó Chủ tịch Quốc hội bây giờ. Trưởng ban lúc đó là cụ Bùi Bằng Đoàn. Năm 1951, trong Đại hội thống nhất Việt Minh- Liên Việt, linh mục Phạm Bá Trực được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, rồi Ủy viên Hội Hữu nghị Việt - Hoa.

Với trọng trách được giao, linh mục Phạm Bá Trực đã hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao phó. Linh mục Phạm Bá Trực soạn nhiều tài liệu, công văn, lời kêu gọi của Ban Thường trực Quốc hội. Đáng chú ý như các bài: "Ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt" đăng trên báo Sự thật đúng ngày Giáng sinh năm 1948. Bài báo đầy nhiệt huyết của một mục tử, từng du học nước ngoài:

"Nên ta hãy vì Chúa, vì chính nghĩa mà kháng chiến oanh liệt cho đến khi tống cổ quân xâm lăng ra khỏi nước ta, đó là ý ngay đẹp lòng Chúa, dưới thế ta sẽ hưởng hòa bình. Chúa Cơ Đốc "Pax hominibus bone voluntatis". Nhân dịp lễ Giáng sinh Chúa, ta hãy nhớ đến các anh em ta đã bỏ mình vì Tổ quốc, các chiến sĩ đa hy sinh đang lăn lộn cản quân xâm lăng ở tiền tuyến "Plete cum plentibus". Hãy cầu nguyện cho Tổ quốc ta mau toàn thắng và cùng Hội Thánh ca ngợi Chúa và chúc nhau: "Gloria in excelcis Deo, et in terra pax homimibus bonoe voluntatis".

Sau khi cùng phái đoàn Liên Việt đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên về nước, đầu năm 1952, Linh mục Phạm Bá Trực lại gửi thư kêu gọi đồng bào Công giáo tích cực tham gia kháng chiến với niềm tin quyết thắng:

"Trong những năm qua giữa cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, chúng ta đã được bồi dưỡng tinh thần và thêm nhiều kinh nghiệm, chúng ta càng thêm tin tưởng chắc chắn vào sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Chính phủ kháng chiến. Thắng lợi cuối cùng sẽ về ta".

Những năm kháng chiến, linh mục Phạm Bá Trực di chuyển nhiều xứ, lúc ở Kẻ Chuôn, lúc ở Thái Nguyên, khi về Hà Đông. Ở đâu, linh mục cũng chu toàn mục vụ và chăm lo truyền nghề đan lát, làm nón cho dân cư trong vùng. 
 
Hội đồng giáo xứ Đại Từ, tổ chức lễ giỗ 63 năm của linh mục Phêrô Phạm Bá Trực. Ảnh: Mạnh Thắng
Hội đồng giáo xứ Đại Từ, tổ chức lễ giỗ 63 năm của linh mục Phêrô Phạm Bá Trực. Ảnh: Mạnh Thắng

Vì bệnh tim trầm trọng, linh mục Phạm Bá Trực đã qua đời ngày 5/10/1954 tại Đại Từ, Thái Nguyên, chỉ 5 ngày trước khi quân ta tiến vào Hà Nội. Trong lễ truy điệu ngày 7/10/1954 có 3 điếu văn của Chủ tịch Liên Việt Tôn Đức Thắng, của linh mục Vũ Xuân Kỷ- Chủ tịch Ủy ban Liên lạc kháng chiến Liên khu III, đặc biệt điếu văn của Hồ Chủ tịch do Bộ trưởng Phan Anh đọc gây xúc động lớn. Điếu văn viết:

"Từ ngày nhân dân tin cậy cử Cụ làm đại biểu Quốc hội và Quốc hội cử Cụ vào Ban Thường trực, Cụ đã đưa hết tinh thần và lực lượng giúp Chính phủ trong mọi vấn đề quan trọng. Trong mọi việc, Cụ đã kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy, với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính, của nhân dân Việt Nam. Nay Cụ mất đi, Chính phủ và nhân dân vô cùng thương xót.

Trong lúc ốm nặng, Cụ thường nói với tôi: Mong trông thấy kháng chiến thắng lợi thì dù chết Cụ cũng thỏa lòng.Nay hòa bình đã trở lại, Cụ đã thỏa lòng. Nhưng tiếc rằng Cụ không còn để giúp nước, giúp dân".

Theo Tiến sĩ Phạm Huy Thông, có đọc những dòng này, mới thấy Hồ Chủ tịch đánh giá cao công trạng của linh mục Phạm Bá Trực và chúng ta mới hiểu một linh mục học bài bản ở Rôma lại dấn thân cho cách mạng.

Ngày 20/11/1954, lễ cầu hồn cho linh mục PHÊRÔ Phạm Bá Trực đã được tổ chức trang trọng ở nhà thờ Lớn Hà Nội với sự có mặt của nhiều quan chức cao cấp đạo - đời và 4000 giáo dân. Tưởng nhớ cha Phêrô, chúng ta nguyện mãi đi theo con đường ngài đã chọn: 
 
Sống thờ Chúa yêu mến quê hương
Thác an hưởng cõi Trời vinh phúc.

FX Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Nhớ người anh hùng 11 lần được truy điệu sống (10/04/2019)
“Gia sản” của Ðôi vợ chồng già (25/03/2019)
Những giáo hữu SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI (20/03/2019)
Người cha của những đứa trẻ chưa từng cất tiếng khóc chào đời (20/03/2019)
Nơi đâu cũng đọng yêu thương (19/03/2019)
Thầy giáo Đặng Tấn Đua (13/03/2019)
Khiêm nhường là sứ điệp quan trọng từ Đức Mẹ Lộ Đức (05/03/2019)
Bác ái mùa Xuân (04/03/2019)
Vua heo rừng Đồng Tháp (20/02/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log