Gương điển hình

Tình người Sài thành mùa dịch Covid-19

Cập nhật lúc 14:18 21/04/2020
Thành phố Hồ Chí Minh, có tới gần 10 triệu người, cộng với số người các tỉnh vào thành phố kiếm sống lên đến trên 3 triệu, đa số thuê nhà trọ kiếm sống. Người thì làm công nhân các khu công nghiệp, số khác làm thuê, làm mướn. Số đông mua bán ve chai, bán vé số kiếm ăn từng ngày, chạy ăn từng bữa. Kể từ khi thành phố thông báo ngưng các sinh hoạt tụ điểm ăn uống, ngưng các cửa hàng dịch vụ thương mại không cần thiết, số người lao động giản đơn như bảo vệ, trông giữ xe, quét dọn, bưng bê, dọn bàn, rửa ly chén, bán hàng rong, bán báo rong, trẻ em đánh giày xem như thất nghiệp chờ thời. Cao điểm là khi Thủ tướng công bố “Cách ly xã hội”, bắt đầu từ 01/4, hạn chế các phương tiện giao thông công cộng. “Mỗi người không ra khỏi nhà, không tụ tập từ 2 người trở lên. Nhà cách ly nhà, phường cách ly phường, quận cách ly quận, tỉnh cách ly tỉnh”, hay nói cách khác là ai ở đâu yên đó. Các Công ty Xổ số không còn phát hành nên những người bán vé số cũng hết bán, tài xế làm thuê không còn lái xe. Muốn về quê cũng không về được. Ở lại thành phố thì lấy gì trả tiền nhà, tiền điện, tiền ăn uống, ít là trong thời gian tạm cách ly xã hội 15 ngày.

Theo ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại TP. Hồ Chí Minh thì những người bán vé số dạo là một bộ phận trong hàng chục triệu lao động phi chính thức ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay. Và “làm gì để giúp đỡ lực lượng này, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội?” là bài toán cần giải lúc này. Những người bán vé số chính là “đại diện tiêu biểu” cho nhóm lao động phi chính thức, đó là người lao động tự tạo công việc, không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hay hưởng lương cố định. Đó là một khó khăn, thua thiệt so với lao động chính thức. Cùng gặp khó khi dịch COVID-19 bùng phát, nhưng so với lao động chính thức thì lực lượng lao động “phi chính thức” dễ “tổn thương” hơn. Điển hình như hiện nay hàng trăm ngàn người bán vé số dạo phải ngừng bán và chắc chắn riêng “miếng ăn” hằng ngày thôi đang là nỗi lo lớn nhất của họ khi họ sống đắp đổi qua ngày, “tay làm hàm nhai”. Nhà nước chắc chắn sẽ có chính sách hỗ trợ những người này.

Trong lúc chờ đợi nhà nước ban hành các chính sách cụ thể cho lực lượng này thì về phía Giáo hội Công giáo, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đã kêu gọi mọi người cùng chung tay làm những việc cụ thể, cung cấp các phần ăn tương đối đủ chất, khoảng 20 ngàn đồng/ phần cho những đối tượng này, Ban Caritas sẽ phân phối đến những anh chị em. Ngài cũng kêu gọi những chủ nhà trọ, nhà cho thuê hãy khoan giãn hay giảm bớt tiền thuê nhà, tiền điện nước trong những tháng cao điểm mùa dịch. Với những người khá giả, chủ doanh nghiệp có tiền dự trữ của mình, có thể giúp cho những người đang khó khăn có lương thực mỗi ngày... Và thực tế ngay sau lời kêu gọi của vị chủ chăn Tổng giáo phận, cha Vinh Sơn Vũ Ngọc Đồng, Giám đốc Caritas đã gửi thư báo đến các cha Hạt trưởng, đề nghị lập danh sách những người nghèo đang mưu sinh hàng ngày như bán vé số dạo, bán móc khóa, lượm ve chai... thuộc địa bàn các giáo hạt, để được hỗ trợ mỗi ngày 2 suất cơm trị giá 50.000 đồng/người bằng tiền mặt, trong vòng 2 tuần (14 ngày), vị chi mỗi người được trợ giúp tiền ăn trọn  khoảng14 ngày cách ly xã hội là 700.000 đồng. Dự trù khoảng 5.000 người được trợ giúp.
 
Những tình nguyện viên các quán cơm Nụ Cười đi phân phát các suất ăn cho người nghèo. Ảnh: Như Lịch
Những tình nguyện viên các quán cơm Nụ Cười đi phân phát các suất ăn cho người nghèo. Ảnh: Như Lịch

Với người Sài thành, ngay trong buổi sáng 01/4, trên mạng xã hội nhiều cá nhân, tổ chức cũng thông báo việc giúp người mưu sinh hằng ngày nay thất nghiệp đến nhận phần quà giúp đỡ. Có nơi như giáo xứ Phú Trung phát gạo giúp người vô gia cư vì không qui tụ giáo dân nấu ăn như trước, giáo xứ Tân Phước từng cung cấp bữa ăn 2000 đồng nay thông báo ngày giờ bà con đến nhận phần cơm vào thứ 2, thứ 4 , thứ 6 trong tuần. Hệ thống quán cơm Nụ Cười 1 (quận 1) và Nụ Cười 2 (Tân Phú) thông báo phát cơm trưa  giá 1000 đ từ thứ 2 đến thứ 7; Nụ cười 3 (quận 7) thứ 2,4,6; Nụ Cười 4 (quận 4) thứ 3,5,7. Một số quán cơm chay giá 2.000 đồng cũng thông báo cho bà con nghèo đến nhận phần ăn mỗi ngày, hầu như quận nào cũng có.
 
"ATM gạo" sẽ là một chỗ dựa đồng hành cùng giúp người nghèo khó khăn vượt qua mùa dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tú
"ATM gạo" sẽ là một chỗ dựa đồng hành cùng giúp người nghèo khó khăn vượt qua mùa dịch COVID-19. Ảnh: Anh Tú

Quả thật tình người Sài thành trong mùa dịch COVID-19 đã làm vơi đi những thống khổ của bà con di dân, những người phải chạy ăn từng bữa tại một thành phố lớn. Ai ai cũng cầu mong cơn dịch qua đi để mọi người đều được trở lại cuộc sống bình thường, nhất là những người tuy còn khó khăn nhưng vẫn biết lao động bằng chính đôi tay và sức lực để nuôi sống bản thân và gia đình mình.
 
Minh Đỗ
Thông tin khác:
Gương cán bộ Mặt trận làm theo lời bác (21/04/2020)
Phát khẩu trang miễn phí cho du khách (20/03/2020)
"Du ca tình yêu" (06/03/2020)
Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Bến Tre (06/03/2020)
Tấm gương sáng của tuổi trẻ Hải Phòng (05/03/2020)
Ông chủ trẻ ở gáio họ Văn Thai (17/02/2020)
Rộng mở yêu thương với những sinh linh bé nhỏ (14/02/2020)
Dù liệt toàn thân, cha Manuel João vẫn lạc quan và yêu quý sự sống (13/01/2020)
Vinh danh nghĩa cử cao đẹp (09/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log