Gương điển hình

Hoạt động của phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7

Cập nhật lúc 14:35 03/07/2020
Về Kiên Giang thăm vùng Cái Sắn (cũ), với các họ đạo nằm dọc theo quốc lộ có các Kinh (kênh) chữ và chữ số, không thể không nhắc đến Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7 tại ấp Kinh 7 B, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang thuộc giáo phận Long Xuyên.
Đội ngũ nhân viên phòng khám hiện có các bác sĩ đông và tây y, y sĩ và các điều dưỡng tốt nghiệp tại các trường đại học và cao đẳng về y tại Việt Nam. Ảnh: CTV
Đội ngũ nhân viên phòng khám hiện có các bác sĩ đông và tây y, y sĩ và các điều dưỡng tốt nghiệp tại các trường đại học và cao đẳng về y tại Việt Nam. Ảnh: CTV
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH

Tên gọi ban đầu là Bệnh xá Tình Thương (BXTT) do linh mục Giacôbê Nguyễn Đức Thịnh, chánh xứ thánh Giuse, ấp Kinh 7B, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang sáng lập và đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 1991. Cơ sở ban đầu chỉ là vài căn nhà lá đơn sơ với mấy chiếc giường, vài máy châm cứu, vài bao thuốc nam, đội ngũ anh chị em phục vụ thưa thớt… nhưng số lượng người bệnh kéo đến ngày càng nhiều.

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo ngày càng đông. Cha cố tiếp tục mở rộng, nâng cấp, sửa chữa nhà cửa thành từng khu như: Khu khám bệnh, khu điều trị, khu xét nghiệm, khu phục hồi chức năng, khu chế biến thuốc đông dược, khu trồng dược liệu, khu nhà nghỉ cho bệnh nhân, khu nhà nghỉ cho nhân viên, khu ẩm thực - hậu cần, khu vệ sinh. 

Đồng thời trang bị các máy chuyên về lãnh vực đông y như: máy từ trường, máy sóng ngắn, máy Laser, máy kích thích điện, máy Ion, máy từ châm, máy điện châm, hồng ngoại và hệ thống dụng cụ phục hồi chức năng, rồi sau đó mua thêm các máy xét nghiệm như: máy điện tim, máy siêu âm, máy X-Quang. 

Tháng 8/2015, Sở Y tế Kiên Giang đã nâng cấp BXTT thành Phòng khám đa khoa Nhân Đạo mở rộng phạm vi hoạt động chữa bệnh theo chủ trương của Nhà nước “kết hợp Đông-Tây y”. Đến nay, Phòng khám đa khoa hoạt động được 28 năm. 

Hiện nay, Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7, về mặt Giáo hội thì trực thuộc Tòa Giám mục Long xuyên, là thành viên Caritas giáo phận, do Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (Camillo) phụ trách; về mặt xã hội thì trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang, dưới chỉ đạo chuyên môn của Sở Y tế Kiên Giang.

II. HOẠT ĐỘNG KHÁM CHỮA BỆNH

Hằng ngày, Phòng khám chữa trị cho hơn 200 bệnh nhân. Phòng khám không phân biệt lương giáo, chủng tộc, giai cấp, nuôi ăn ở bệnh nhân gần 500 người mỗi ngày.

Phòng Khám có 60 người phục vụ hằng ngày, gồm có 3 linh mục, 01 thạc sĩ y khoa, 01 bác sĩ Tây y, 02 bác sĩ Đông y, 02 dược sĩ, 10 y sĩ, 04 điều dưỡng, 7 KTV, 12 lương y, 04 lương dược, 02 nhân viên văn phòng, 02 bảo vệ, và 10 nhân viên hậu cần bếp ăn. Anh chị em phục vụ nơi đây đều theo tinh thần: “Thầy thuốc lấy y đức làm nhân bản - Lấy bệnh nhân làm trung tâm -Lấy xã hội để phục vụ - Lấy khoa học làm nền tảng, và lấy lời Bác trong thư gửi cán bộ y tế ra thực hành “Phải coi bệnh nhân như người nhà ruột thịt của mình”, và tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. 

 Phòng khám không chỉ quan tâm đến nâng cao trình độ chuyên môn mà còn nhấn mạnh đến y đức và tư cách phục vụ của người thầy thuốc và tinh thần bác ái của người Công giáo.

1. Khám chữa bệnh

- Khám bệnh miễn phí hoàn toàn và phí điều trị chỉ thu 15-20% so với giá Nhà nước quy định. Ai nghèo không có khả năng, bệnh nhân thuộc gia đình chính sách, các tu sĩ các tôn giáo, cán bộ trong tỉnh thì được miễn 100%.

2. Hỗ trợ điều trị

- Giúp bệnh nhân có điều kiện điều trị tốt nhất.

- Nhà ở nội trú cho bệnh nhân miễn phí hoàn toàn.

- Bếp cơm từ thiện miễn phí (500 suất cơm/ngày): Cơm cháo, nước sôi.

- Cho mượn xe lăn, đồ dùng cá nhân: Quạt, bình thủy, chăn mền, chiếu miễn phí.

- Nước uống tinh khiết miễn phí cho bệnh nhân (30 thùng/ngày).

- Giúp đỡ trực tiếp cho bệnh nhân nghèo: mua thực phẩm thêm, xe đi về, chuyển viện, mua thêm thuốc.

- Dịch vụ đưa bệnh nhân về và đón bệnh nhân đến thì chỉ lấy tiền xăng.

Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7, không chỉ quan tâm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân mà còn quan tâm những hoạt động bên ngoài cộng đồng nữa như: khám bệnh từ thiện các xã vùng sâu, vùng xa, xây nhà tình thương (8 căn) cho người nghèo, xây dựng nhà máy nước tinh khiết, cung cấp nước sạch cho vùng nhiễm mặn (9 nhà máy), mỗi nhà máy nước có thể cung cấp cho 4.000 người/ngày, cấp phát nhu yếu phẩm hàng tháng cho 15 hộ gia đình khó khăn trên địa bàn...

III. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ ấp, xã tới huyện, tỉnh cùng sự hỗ trợ quý báu từ Tòa Giám mục, giáo xứ Thánh Giuse Kinh 7 và các tôn giáo bạn, các mạnh thường quân xa gần, Ban phụ trách phòng khám trong thời gian tới sẽ xin nâng cấp Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7 thành “Bệnh viện Nhân đạo Công giáo”, phục vụ tất cả mọi người đau ốm bệnh tật.

MINH ĐỖ
Thông tin khác:
Hai vị vua chống tham nhũng nổi bật (02/07/2020)
Mái ấm nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi (01/07/2020)
Chuyện một người con Hưng Yên trên đất xứ Quảng (12/06/2020)
Người giữ lửa lò rèn (29/05/2020)
Hai hoàng thái hậu quyền lực (20/05/2020)
Dòng Thánh Tâm Huế: Trao quà yêu thương cho người khuyết tật (19/05/2020)
Mẫu gương sống đức tin kết hợp với khoa học của hai ông bà Jérôme Lejeune, Birthe Lejeune (18/05/2020)
Giáo xứ Thái Hà cấp phát 23 tấn gạo cho người nghèo (13/05/2020)
Người thầy tận tâm với nghề (12/05/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log