Gương điển hình

Linh mục liệt sĩ Gioakim Nguyễn Bá Luật

Cập nhật lúc 15:44 13/08/2020
Khu vực nhà thờ Họ đạo Chợ Đũi, Sài Gòn là nơi tu họp của người Công giáo Nam Bộ, đêm đêm có mặt để bàn bạc việc chống Pháp và tập luyện võ với vũ khí thô sơ: đao, gậy, tầm vông, mã tấu,…nhằm mục đích cướp chính quyền khi có lệnh, nơi mà linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật làm cha sở Họ đạo.
Di ảnh linh mục liệt sĩ Gioankim Nguyễn Bá Luật.
Di ảnh linh mục liệt sĩ Gioankim Nguyễn Bá Luật.
Khu vực nhà thờ Họ đạo Chợ Đũi, Sài Gòn là nơi tu họp của người Công giáo Nam Bộ, đêm đêm có mặt để bàn bạc việc chống Pháp và tập luyện võ với vũ khí thô sơ: đao, gậy, tầm vông, mã tấu,…nhằm mục đích cướp chính quyền khi có lệnh, nơi mà linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật làm cha sở Họ đạo. Ngay từ trước năm 1940 linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật đã bị thực dân Pháp theo dõi vì linh mục bí mật liên lạc với các nhà cách mạng hồi đó, vì ngài không thể cầm lòng được trước những trận thảm sát thường dân Việt Nam do bọn chúng gây ra nhất là sau ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa năm 1940.
Cách mgạng tháng Tám bùng nổ. Mặt trận Việt Minh giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ủy ban nhân dân Nam Bộ được thành lập, linh mục Nguyễn Bá Luật được mời làm cố vấn. Ngày 25/8/1945 cùng với đồng bào Sài Gòn, đồng bào Công giáo tham gia biểu tình trong đó có linh mục Nguyễn Bá Luật. Ngày 2/9/1945 đồng bào thành phố tham gia hưởng ứng nghe Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh mục Nguyễn Bá Luật cũng có mặt; tiếng súng nổ, linh mục Nguyễn Bá Luật bị thương. Tháng 6/1946 để có tổ chức tập họp và hun đúc lòng yêu nước của đồng bào Công giáo, linh mục Nguyễn Bá Luật đã cùng với một số giáo dân thành lập: “Liên đoàn Công giáo Nam Bộ”, linh mục Nguyễn Bá Luật là Phó Chủ tịch tổ chức này.
Với những hoạt động yêu nước, linh mục Nguyễn Bá Luật đã bị bắt giam và bị tra tấn hành hạ, sau 3 tháng giam cầm, linh mục Nguyễn Bá Luật bị đưa ra tòa và bị kết án một tháng tù treo. Khi được thả ra ngài vào bưng biền tham gia kháng chiến để giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Linh mục Nguyễn Bá Luật được bầu vào Ban Chấp hành Công giáo kháng chiến Nam Bộ với chức vụ Phó Chủ tịch. Cuộc kháng chiến đầy gian khổ nhưng khi tiếp xúc thấy ngài lạc quan tin tưởng. Có người than vãn nhưng linh mục động viên: “Giặc Pháp giày xéo thì ai cũng phải cực nhọc cả, muốn cởi bỏ được mình thì phải hy sinh, có cơm ăn có áo mặc thế này là quý rồi, đừng rên phải để tâm sức mà giải phóng đất nước”. Sự có mặt của ngài là nguồn cổ vũ động viên lớn lao của người Công giáo tham gia kháng chiến.
Linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật, tướng người tuy hom hem gầy gò, chỉ còn da bọc xương mà trên đường kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày đi bộ liên miên đầy gian nan nguy hiểm, mưa gió bão bùng, đối với ngài là chuyện thường tình, có người hỏi tại sao chịu đựng được như vậy, ngài đáp: “Chính tôi cũng không ngờ bản thân lại đủ sức để chịu đựng được thế này”. Đó là câu trả lời đối với người ngoại đạo, còn đối với giáo dân ngài thường lấy bản thân làm thí dụ để động viên tinh thần kháng chiến và chịu đựng gian khổ của họ: “Cha đây còn đi kháng chiến được, còn chịu gian khổ được, huống hồ các con, các con cố gắng lên, chúng ta kháng chiến chẳng những chúng ta làm tròn bổn phận một công dân của đất nước mà còn để làm tròn trách nhiệm một đứa con trung thành với Chúa”.
Linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật sinh năm 1903 tại xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An tu học tại Chủng viện Sài Gòn và thụ phong linh mục ngày 26/9/1922. Năm 1940 được sự hướng dẫn và giúp đỡ của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thông qua một số giáo dân, linh mục đã dấn thân đi theo kháng chiến.
Ngài có mặt có mặt ở khắp nơi khi thì ở Bộ Tư lệnh khu 8, lúc khu 9; lúc ngoài trận địa, lúc trên sông Vàm Cỏ Đông. Khi ở Mỹ Tho, lúc ở Bến Tre, khi Long Ngãi, lúc Hội Đồng Sầm, khi U Minh Thượng, lúc U Minh Hạ. Ngài còn là tuyên úy của Vệ Quốc Đoàn và còn là cha đỡ đầu của Tiểu đoàn chủ lực 307, một tiểu đoàn lưu động đã nổi tiếng với chiến thắng ở Tháp Mười, Mộc Hóa, La Bang, Cầu Kè, Trà Vinh và chiến dịch mùa xuân Nam Bộ 1950,…Đỡ đầu ở đây có nghĩa là khuyến khích là động viên, là ủy lạo, có khi còn là giúp đỡ vật chất cho họ. Mỗi khi linh mục làm lễ ở nhà thờ hay địa điểm nào, số người dự lễ đa số là Vệ Quốc Quân, đặc biệt là Tiểu đoàn 307. Nhìn những chiến sĩ của Tiểu đoàn thiện chiến này, người xa lạ có cảm tưởng là một Tiểu đoàn những tín hữu vì từ cán bộ đến đội viên đều có đeo Thánh giá ở ngực nhưng đó là vật kỷ niệm của ngài tặng. Số người Công giáo trong Tiểu đoàn chỉ khoảng 30%. Có người tò mò hỏi: “Cha đi theo bộ đội nhỡ chết sao? Ngài trả lời: “Đã sợ thì không theo, đã theo thì không sợ.”
Bởi thế nói đến linh mục Nguyễn Bá Luật, tất cả giới quân dân chính trong hàng ngũ kháng chiến, không ai không đem lòng kính nể. Kính nể hơn là linh mục yêu cầu được ăn giống như bộ đội ăn và ngồi chung với họ cùng ăn.
Linh mục Nguyễn Bá Luật giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh nên được phụ trách tìm hiểu các tù binh Âu, Phi. Có lần cán bộ dẫn đến linh mục mấy tù binh người Ấn, chúng đi lính cho Pháp mà chẳng biết nói tiếng Pháp gì cả. Linh mục đã nói với họ bằng tiếng Ấn vì ngài đã học tiếng ấy ở Ban Găng khi còn là thầy Năm, thầy Sáu. Ngài còn nói được cả tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại Trung Quốc nữa.
Hoạt động kháng chiến của linh mục Nguyễn Bá Luật đã trở thành như cái gai nhọn đâm vào mắt bọn giặc Pháp. Nên chúng ra công rình rập, bủa vây tứ bề. Thâm hiểm hơn cả là chúng dựa vào Giáo hội để thúc ép, ngăn chặn linh mục từ bỏ con đường yêu nước, gắn bó với dân tộc mình vì lúc đó đa số các giám mục là người nước ngoài. Nên bắt ngài phải trở về nếu không sẽ bị phạt vạ tuyệt thông. Linh mục Nguyễn Bá Luật bình thản nói với anh em trong chiến khu: “Khi nào không còn một tên giặc Pháp trên lãnh thổ Việt Nam thì đất nước mới độc lập, cuộc sống đạo của người giáo hữu mới thực sự lành thánh”.
Giặc Pháp luôn bố ráp, bao vây, cô lập để tiêu diệt ngài. Thế nên ngày 27/11/1951, trên đường đi làm lễ cưới cho đôi tân hôn, chúng đón đường giết chết ngài. Chúng chặt đầu và mổ bụng, sau 2 tuần mới tìm được xác của ngài.
Cái chết bi thảm để lại trong lòng những người kháng chiến nói chung, những người Công giáo kháng chiến nói riêng nỗi đau thương tiếc, mối uất hận căm thù sâu sắc với quân cướp nước.
Hiện nay phần mộ linh mục liệt sĩ Gioakim Nguyễn Bá Luật được đặt tại nghĩa trang các linh mục Chí Hòa, phường 7, quận Tân Bình,TP. Hồ Chí Minh. 
 
Đoàn Ủy ban ÐKCG Việt Nam TPHCM viếng mộ linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật. Ảnh: Kim Long
Đoàn Ủy ban ÐKCG Việt Nam TPHCM viếng mộ linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật. Ảnh: Kim Long

Với những cống hiến của linh mục Nguyễn Bá Luật cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 32/SL ngày 25/4/1949 tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Nhì cho linh mục Nguyễn Bá Luật và Nhà nước truy phong linh mục Nguyễn Bá Luật danh hiệu liệt sĩ. Tên của linh mục Nguyễn Bá Luật cũng được đặt cho một con đường tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nhìn nhận sự đóng góp của người Công giáo trong đó có linh mục Gioakim Nguyễn Bá Luật: “Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình”.
LẠI VĂN MIỄN
Thông tin khác:
"Chúng tôi ổn, xin nhường gói hỗ trợ cho lao động khác" (11/08/2020)
Nhớ mãi người nữ anh hùng (04/08/2020)
Bác sĩ giàu tinh thần vì cộng đồng (09/07/2020)
Tấm lòng của Mẹ (08/07/2020)
Hoạt động của phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7 (03/07/2020)
Hai vị vua chống tham nhũng nổi bật (02/07/2020)
Mái ấm nuôi dưỡng hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi (01/07/2020)
Chuyện một người con Hưng Yên trên đất xứ Quảng (12/06/2020)
Người giữ lửa lò rèn (29/05/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log