Anh hùng liệt sỹ Bùi Thị Cúc. Ảnh: TL |
Gia đình Bùi Thị Cúc có 7 anh, chị em. Nhà quá nghèo, túng bấn, nợ nần, nên chị phải đi ở gán nợ cho một gia đình trong làng. Bùi Thị Cúc không chỉ làm tròn phận của một con ở, còn được người anh là Trần Bình Tích, nguyên Bí thư Huyện ủy Ân Thi dẫn dắt, chị đã tham gia tích cực trong đoàn thanh niên, hội phụ nữ và làm tốt công tác dân vận, điệp báo viên, phản gián. Sau năm 1945, các anh, chị của Bùi Thị Cúc, người đi bộ đội, người hoạt động ở địa phương. Bùi Thị Cúc làm cán bộ phụ nữ thôn, rồi công tác ở Hội phụ nữ huyện Ân Thi.
Những năm 1947 đến 1950, thực dân Pháp đánh chiếm các huyện vùng nam Hưng Yên, chúng cấu kết với bọn tay sai, phản động, tiến hành xây dựng nhiều đồn bốt, lập căn cứ vùng tề, thường xuyên càn quét, cướp bóc, bắt bớ, bắn giết, gây nhiều tội ác với nhân dân quanh vùng. Bốt Cảnh Lâm, bên làng Vân Mạc, do tên Nguyễn Doãn Nhi, nguyên là cán bộ địa phương phản bội, chạy theo giặc, làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp, liên tục gây nhiều tội ác, nên Nguyễn Doãn Nhi được làm bốt trưởng. Tên Nhi cấu kết với anh trai và anh rể hắn, cùng có nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nhiều hành động gian ác, khủng bố dã man cán bộ, nhân dân. Chúng đã cướp phá, bắt bớ, tra tấn, giết chết nhiều cán bộ, người dân, khiến nhân dân rất căm phẫn. Cán bộ và nhân dân đã đồng lòng tiến lên trong phong trào đấu tranh chống giặc, phá tề, diệt bọn giặc Pháp, phản động, tay sai đầu sỏ có nhiều nợ máu với nhân dân.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Huyện ủy Ân Thi đã cử chị Bùi Thị Cúc đóng giả vai gián điệp, chỉ điểm cho địch, bề ngoài thể hiện là người cầu an, theo giặc, ra buôn bán ở chợ Cảnh Lâm, gần bốt Cảnh Lâm. Nhưng thực chất chị là người được cài sâu vào trong lòng địch, để luôn nghe ngóng, theo dõi, quan sát, phát hiện, nên chị đã nắm rõ âm mưu, lực lượng, thu thập tình hình, và hoạt động từng thời gian của quan, quân ở bốt Cảnh Lâm, rồi báo cáo kịp thời lên cấp trên, để đối phó, tiêu diệt chúng.
Chị Bùi Thị Cúc, thời đó rất xinh đẹp, khỏe mạnh, thông minh, hiền lành... khiến tên hám sắc Nguyễn Doãn Nhi mê mệt, theo đuổi, gạ gẫm, tấn công, hứa hẹn...Với nhiều cách, để hắn cốt lấy được chị Cúc làm vợ. Biết rõ tên Nhi như thế, chị Cúc bàn và thống nhất với anh Đệ là người yêu và là chiến sĩ cùng hoạt động với chị, để chị giả vờ, làm thân, giả vờ yêu hắn và bảo sẽ cho hắn cưới làm vợ, để lừa hắn, giết hắn.
Một hôm, chị Cúc mời tên Nhi đến nhà chơi để bàn việc tổ chức ăn hỏi, làm đám cưới của hắn với chị. Nguyễn Doãn Nhi rất sung sướng, đã nghe chị và làm theo lời chị ngay. Thế là, lực lượng của ta được bố trí sẵn ở ngay trong nhà chị Cúc để đợi tên Nhi đến là xông ra giết. Lúc này, một số cán bộ, chiến sĩ ở một số cở sở tin cậy, lúc đó cũng tham gia kế hoạch, trong đó có anh Đệ (người yêu của chị Cúc), anh Mỡ (cán bộ Công an), ông Ba (chú ruột chị Cúc) cùng nấp dưới hầm phía sau nhà. Khi tên Nhi đến, ông Ba giả vờ sang nhà chị Cúc xin chè và nói chuyện, để tên Nhi chăm chú nghe chuyện. Thế là anh Đệ bất ngờ nhảy lên, xông vào, nhanh tay ôm ghì tên Nhi. Anh Mỡ từ phía sau lao đến vừa đoạt súng và đánh tên Nhi. Tên Nhi bị thương và bị ghì chặt, sắp bị đánh chết. Nhưng, vốn tên này người to khỏe, Nhi đã cố vùng vẫy, bật ra khỏi tay 2 anh, rồi lao chạy ra cổng. Tên Nhi vừa lao ra, ông Ba liền chặn lại, gạt tên Nhi ngã. Thế là anh Đệ, anh Mỡ túm chặt Nhi, quật hắn xuống, mạnh tay đánh hắn đến khi nó tắt thở- kết liễu đời tên gian ác.
Bị mất tên Nhi, bọn giặc điên cuồng, ra sức tàn sát cán bộ, nhân dân làng Vân Mạc và quanh vùng. Chúng đốt phá, lùa hết mọi người Vân Mạc ra khỏi nhà, bắt giam hầu hết, rồi không cho ăn, uống, để mọi người đói lả. Một tên phản bội, chỉ điểm đã khai nơi ẩn trốn của chị Cúc và nhiều cán bộ. Bọn địch đã lùng sục, bắt được chị Cúc và 7 cán bộ, 40 người dân. Bắt được chị Cúc, bọn giặc liền tra tấn chị rất dã man. Dù chúng tra tấn dã man, tàn ác, chị Cúc không hề khuất phục.
Chị Cúc đã tự nhận mình giết tên Nhi và chỉ một mình chị giết hắn. Thế là chúng càng ra sức tra tấn để có lời khai của chị Cúc. Bất lực trước sự bất khuất của chị, bọn chúng đã mang chị ra hành hình trước hàng nghìn người ở chợ, để khủng bố, hòng làm nhụt tinh thần đấu tranh, và làm cho phong trào cách mạng sẽ yếu đi.
Năm 1995, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.