Nhân sự ít ỏi
Tháng 7.1990, một nhóm các chị em cùng chung ý nguyện muốn dấn thân vào đời sống chiêm niệm, phục vụ người nghèo đã tìm hiểu về Huynh đoàn Ðức Mẹ người nghèo. Họ được gặp gỡ linh mục Bảo Tịnh Vương Ðình Bích, Tổng Phụ trách quốc tế toàn dòng và đã ngỏ ý xin được thành lập nhánh nữ tại Việt Nam. Ngày 14.9.1992, Ðức cố Tổng Giám mục TGP Sài Gòn - TPHCM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã cho phép hình thành nhóm nữ Ðức Mẹ Người Nghèo. Lúc này, nhóm có khoảng 10 người.
Trải qua thời gian, một số chị đã rời khỏi cộng đoàn. Ðến nay, dòng có 4 nữ tu khấn trọn, 1 khấn tạm và 1 dự tu. Số nhân sự ít ỏi, cơ sở vật chất lại chưa có đủ nên mỗi chị phải cố gắng kiêm nhiệm nhiều việc để hoạt động chung được trôi chảy. Mỗi ngày, các nữ tu đi làm việc tại các trung tâm bảo trợ xã hội, trường khiếm thị… để có kinh phí sinh hoạt và phục vụ người yếu thế theo tôn chỉ dòng. Các chị đang chăm sóc cho khoảng 10 trẻ (từ 3 - 15 tuổi) gia cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học, hay có cha mẹ đang dính vào tệ nạn xã hội, bị vướng vòng lao lý…. Với những em ấy, các nữ tu là những người mẹ thứ hai nuôi nấng, dạy dỗ các em nên người. Một nữ tu cho biết: “Ðối với chúng tôi các bé là con, là cháu trong nhà nên cố gắng giáo dục thật tốt. Chỉ mong chúng sẽ là động lực giúp cho cha mẹ hoán cải đời sống và có được một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Theo chị, hiện vẫn còn có rất nhiều em được giới thiệu đến với dòng hay được gởi gắm cho các nữ tu săn sóc nhưng vì nguồn lực của dòng còn hạn chế nên không dám nhận. Chính vì vậy, tâm nguyện có được những công trình căn bản để có thể phục vụ người nghèo nhiều hơn là hy vọng luôn nung nấu trong từng tu sĩ. Bề trên đương nhiệm - nữ tu Maria Mai Thị Xuân Hương trăn trở: “Sau nhiều năm tích cóp, chúng tôi đã mua được một mảnh đất ở Ðồng Nai để chuẩn bị xây dựng nhà tập vì hiện tại, ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn thì dòng không có cơ sở nào khác. Song, đây cũng không phải là việc dễ dàng vì còn rất nhiều vướng mắc. Chúng tôi chỉ biết phó thác cho Chúa”.
Bỏ tất cả để sống nghèo
Cuộc sống khó nghèo với đầy nỗi vất vả bủa vây như thế không làm cho các chị nản lòng mà càng khiến đời dâng hiến thêm nồng nàn tin yêu. Mỗi chị khi đến với cộng đoàn đã bỏ lại phía sau cả một trời tương lai xán lạn để dành cả đời cho “các anh em của Chúa Giêsu”. Có nữ tu ngày xưa là một cử nhân kinh tế, có công việc ổn định nhưng khi cảm nhận được tiếng Chúa gọi mời đã mạnh dạn bước vào linh đạo Ðức Mẹ Người Nghèo dù xung quanh có rất nhiều cánh cửa. “Thực ra tôi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn nơi đây là điểm đến. Lúc mới bắt đầu gia đình và bạn bè đều bảo tôi nên đi dòng khác. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì và càng lúc càng yêu mến dòng nhiều hơn”, chị chia sẻ. Và sau 23 năm gắn bó, điều ước nguyện duy nhất trong chị là sự phát triển của dòng trong tương lai.
Tương tự, có chị trước khi đi tu đã từng là một nữ hộ sinh “mát tay” trong một bệnh viện lớn, khi bước vào đời tu đã hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tiếp tục phục vụ tha nhân. Hay một nữ tu chuyên phục vụ trong trường mù Nguyễn Ðình Chiểu, khi bước vào đời sống dâng hiến lại được tiếp tục trao sứ mạng là “đôi tay, đôi mắt” giúp đỡ các em khiếm thị. Họ là những người phụ nữ mạnh mẽ đã dùng đôi tay, sức lao động của chính bản thân để xây dựng hội dòng và nâng đỡ tha nhân. Các nữ tu nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Cộng đoàn chỉ có mấy chị em thì ráng bảo bọc nhau sống. Chúng tôi âu lo trước sự thiếu thốn vật chất một thì lo cho tương lai phát triển của dòng mười, vì số ơn gọi đến đây mỗi năm chỉ được 1, 2 người mà kết quả có lúc lại là số 0”.
Trong tiếng kinh nguyện râm ran buổi chiều tà, các chị em Ðức Mẹ người nghèo âm thầm dâng lên Thiên Chúa những ưu tư, vất vả của nhịp sống hàng ngày và cùng gởi trọn niềm tin vào sự tăng trưởng mai sau của hội dòng non trẻ.
Dòng Ðức Mẹ Người Nghèo do cha Ermin De Cleck, một đan sĩ thuộc Ðan viện Biển Ðức Mont - César (Bỉ) sáng lập tại Pháp năm 1956. Hai linh mục Việt Nam Bảo Tịnh Vương Ðình Bích và Phaolô Vũ Hữu Vị đã tu học tại Pháp và gia nhập dòng rồi đem linh đạo ơn gọi Ðức Mẹ Người Nghèo về thành lập tại Việt Nam, gồm hai nhánh nam và nữ. Tôn chỉ của dòng: Sống ơn gọi đan tu, thực hành Phúc Âm giữa lòng xã hội, thích nghi với hoàn cảnh mới của thế giới người nghèo, nên thường được thiết lập tại môi trường xã hội bình dân, gần gũi với những con người nghèo khổ, bất hạnh. Phương châm hoạt động: “Vì Chúa Giêsu và đạo Phúc Âm của Người”. Linh đạo của dòng: Sống Mối Phúc Nghèo của Chúa Giêsu để yêu thương, chia sẻ với những con người nghèo, bất hạnh trong xã hội. |
MAI LAN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc