Theo lời mời của Đức cha Augustin Tardieu Phú, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, năm 1932, nhóm 6 nữ tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến Việt Nam và dấn thân trong công việc chăm sóc anh chị em bệnh nhân phong tại trại phong Quy Hòa. Đây chính là bước đầu đánh dấu sự hiện diện của dòng trên dải đất hình chữ S.
Gần gũi người bị xa lánh
Làng phong nằm lọt thỏm trong thung lũng Quy Hòa, một vùng đất được thiên nhiên ưu ái tặng cho cả núi non hùng vĩ lẫn biển xanh cát trắng. Song, dấu ấn mà nơi đây để lại trong ký ức của nhiều người là những mảnh đời phải sống tách biệt với xã hội, với cộng đồng bởi cái gánh bệnh tật mà họ mang theo. Tại chốn này, ngoài xây nên tu viện, nhà thờ, các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã dựng lại bệnh viện cho người phong sau khi bị bão tàn phá vào năm 1933. Cơ sở ngày ấy nay được đổi tên thành Bệnh viện Phong và Da liễu trung ương Quy Hòa do Bộ Y tế quản lý.
Các sơ còn xây dựng nhiều căn nhà nhỏ dành cho bệnh nhân trú ngụ sau khi bệnh đã được điều trị hiệu quả. Từ thời điểm ấy, người bệnh được quan tâm sức khỏe và luôn có sự đồng hành của các tu sĩ trong suốt cuộc đời. Bệnh nhân nổi tiếng ở đây - nhà thơ Hàn Mạc Tử - đã viết nên tác phẩm Linh hồn thanh khiết dành tặng các nữ tu Phan Sinh: “…Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy hoan hô các Mẹ và Chị dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi cho chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật, hủi phong. Tôi muốn cao ngâm những lời ca ngợi đầy khát khao trong suối ngọt ngào khi Chị, Mẹ cất tiếng hát: Chúa cứu tôi! Chúa cứu tôi!…”.
Nối vòng tay lớn
Từ Quy Hòa, dòng đã đến Vinh năm 1936 và mở tập viện để có thêm nhân sự cho công cuộc truyền giáo qua việc phục vụ anh chị em. Năm 1975, dòng tiếp tục thành lập cộng đoàn Sao Mai tại Nha Trang và cộng tác với dòng Phanxicô trong việc chăm sóc người bệnh phong ở khu Núi Sạn. Đối với những con người đang phải chịu căn bệnh quái ác ấy, tình yêu trong từng hành động của nữ tu Phan Sinh chính là liều thuốc đưa họ bước qua nỗi đớn đau thể xác và sự thương tổn nơi tâm hồn. Đến năm 1995, tập viện được thành lập tại cộng đoàn này. Ngoài giờ cầu nguyện, học tập, lao động, các chị em cũng thường đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội Khánh Hòa để thăm hỏi và nâng đỡ những người già yếu.
Tại Sài Gòn, Phòng chẩn trị y học cổ truyền Hy Vọng (huyện Củ Chi) do các nữ tu FMM thành lập từ năm 1985 là điểm đến quen thuộc của nhiều bệnh nhân nghèo. Còn với khoảng 40 em khiếm thị sống trong mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa thì sự đồng hành của các sơ đã giúp các em hòa nhập và chuẩn bị tương lai. Đầu thập niên 1990, mái ấm này tọa lạc tại quận Tân Bình và chỉ quy tụ 10 em, nhưng sau đó số thành viên xin gia nhập mỗi ngày một tăng nên các sơ mua một khu đất tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) và dời về hoạt động cho đến nay.
Đi đến vùng nào các chị cũng đem sở học về giáo dục, y tế, công tác xã hội… để hành động vì tha nhân. Nữ tu Elisabeth Trịnh Thị Thu Trang, hiện phụ trách lớp dự tu chia sẻ: “Chúng tôi hội nhập vào lòng Giáo hội và xã hội Việt Nam bằng sự dấn thân hành động của mỗi người theo linh đạo Thánh Mẫu và Phan Sinh. Mỗi người một công việc, tất cả chị em đang phục vụ Chúa trong anh em và đem Chúa đến với muôn người”. Cũng theo sơ Trang thì những năm gần đây, nhờ những hoạt động cụ thể của hội dòng được đăng trên internet mà có nhiều thiếu nữ đã bước vào ơn gọi dâng hiến theo con đường FMM.
Chuẩn bị ngày mai
Trợ giúp người yếu thế không chỉ là hoạt động nhất thời mà là một quá trình dài lâu và phải làm sao để họ có thể tự mưu sinh trong tương lai. Với tâm niệm ấy, các nữ tu Phan Sinh đã quan sát, lập ra những chương trình riêng cho từng khu vực. Ở Quy Hòa, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân phong, các sơ cũng lưu tâm đến sinh kế của họ. Nhận thấy đa số những cư dân làng phong đều sống bằng nghề chài lưới - cái nghề vốn lắm bấp bênh, các chị đã lập ra một quỹ tín dụng để hỗ trợ vốn sống cho bà con. Sau này quỹ cũng giúp cho cả những người không mắc bệnh xung quanh, nhờ đó mà nhiều gia đình trong làng phong đã vượt qua được những tháng ngày vất vả. Đến nay, quỹ vẫn còn hoạt động nhưng số hộ vay vốn không còn nhiều như trước.
Không chỉ thế, các sơ còn xin nguồn hỗ trợ từ những mạnh thường quân khắp nơi để cấp học bổng cho con em người phong. Cách đây 5 năm, dòng đã thành lập lưu xá Emmanuel để các em cần đến Sài Gòn học đại học có nơi ăn chốn ở giữa lòng phố thị phồn hoa, xa lạ. Khi số lượng con em bệnh nhân phong không còn nhiều thì lưu xá đón nhận mọi nữ sinh, cả trong lẫn ngoài Công giáo và luôn ưu tiên cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở hiện có 50 sinh viên nữ đang trọ học. Ngoài giờ đến trường, các bạn cùng nấu ăn, dọn dẹp, cầu nguyện và tham gia chuyến đi dã ngoại hằng năm do các nữ tu tổ chức.
Bạn Trần Thị Hồng (quê Nghệ An) cho biết: “Tính mình vốn hơi trầm nhưng từ lúc ở trong lưu xá, được sống chung với các bạn, được các sơ cho đi dã ngoại và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa nên mạnh dạn hơn. Thời gian gần đây, mình rủ thêm vài bạn học chung cùng tổ chức bán hàng gây quỹ để giúp đỡ người khác”. Còn bạn Nguyễn Ngân Tuyền (quê Kiên Giang) bảo rằng, nhờ sống chung với mọi người mà đã dần học được cách nấu ăn, khi về nhà thì ba mẹ rất vui vì con gái đã rành nữ công gia chánh. Theo lời nữ tu phụ trách lưu xá Maria Nguyễn Thị Ngọc Lan thì niềm vui trong công việc này là được sống cùng người trẻ, giúp họ tránh những cạm bẫy luôn rình rập chốn thị thành và được thuận lợi trong việc đeo đuổi tri thức cho sự nghiệp tương lai. “Có những em khi sống trong nếp sống nơi đây đã dần nhận ra được ơn gọi của mình và dấn bước vào đời tu trì ở nhiều nhà dòng khác nhau”, sơ Lan nói thêm.
Trong đường hướng chung của dòng luôn quan tâm đến việc giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em người dân tộc thiểu số, các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã đến tại Cà Mau, Phan Rang, Lâm Đồng, Xuyên Mộc… mở nhà trẻ, nhà nội trú để dạy chữ, dạy nghề cho nhiều em nhỏ, nhiều thiếu nữ nghèo người Kinh cũng như người đồng bào dân tộc thiểu số. Với những gì học được từ các sơ, họ có hành trang để vững vàng lo cho cuộc sống tương lai. 85 năm phát triển ở Việt Nam, dù mới chỉ có mặt tại 9 giáo phận nhưng những công việc mà chị em đã làm là lời truyền rao chân thực về Chúa Kitô và là sự khẳng định sứ vụ thừa sai theo chân Mẹ Maria trong từng ngày sống.
MAI LAN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc