Gương điển hình

Điểm đến đầy tình người giữa lòng phố thị

Cập nhật lúc 15:32 14/06/2017
Tọa lạc trên trục đường Cách Mạng Tháng 8 - Tô Hiến Thành (Q10. TPHCM), giáo xứ Hòa Hưng ban đầu là họ nhánh của xứ Chí Hòa, được linh mục Giuse Phạm Văn Thiên sau là Giám mục tiên khởi GP Phú Cường gầy dựng cuối thập niên 40 của thế kỷ 20 với khoảng 300 giáo dân. Trải qua hơn 70 năm phát triển, đến nay số tín hữu đã vượt hơn 8000 người và xứ đạo ngày một khởi sắc.
Ðiểm đến đầy tình người giữa lòng phố thị
Ðiểm đến đầy tình người giữa lòng phố thị

 

Hòa Hưng là một họ đạo quy tụ giáo dân nhiều vùng miền, bên cạnh các tín hữu địa phương, còn có số giáo dân nhập cư trong thập niên 1940, miền Bắc di cư năm 1954 (chiếm đa số) và di dân trong những thập niên sau này. Từ xa đến lập nghiệp, tất cả họ đã chọn nơi đây làm chốn dừng chân, sống hòa đồng với nhau tạo nên một tập thể gắn kết vững bền qua năm tháng. Lớp giáo hữu ban đầu đến sinh sống và làm việc tại vùng đất này hầu hết làm nghề xây dựng, là thợ hồ, thợ sắt, thợ cốt pha… Họ trú ngụ ở đây để thuận tiện cho việc lao động tại công trình khám Chí Hòa và công trình trường tiểu học Chí Hòa lúc đó đang xây dựng.

Sinh viên lưu xá Hòa Hưng tổ chức hội chợ Giáng sinh cho đồng bào dân tộc K'Ho (Gx Thanh Bình - GP Đà Lạt)

Hòa Hưng hiện nay là một họ đạo lớn với 11 giáo khu và một họ lẻ cùng các hội đoàn hoạt động mạnh mẽ. Bằng việc chăm lo tìm hiểu, thăm hỏi từng hộ gia đình trong họ đạo, cha chánh xứ và mỗi người giáo dân đã nhanh chóng tìm ra, giúp đỡ cho những ai đang gặp khó khăn xung quanh mình. Bắt đầu hoạt động từ hơn 10 năm nay, Ban Caritas giáo xứ liên tục dấn thân trong việc sẻ chia, nâng đỡ những người yếu thế. Định kỳ hai tháng một lần, các thành viên trong ban trao tặng 150 phần quà (trị giá mỗi phần trên 200 ngàn đồng) cho các hộ nghèo, neo đơn trên địa bàn phường 15 và phường 13 quận 10. Dự tính trong năm 2017, Caritas giáo xứ và Caritas hạt Phú Thọ sẽ tiến hành thực hiện chương trình phát thẻ bảo hiểm y tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, thực hiện lời mời gọi của linh mục chánh xứ Giuse Phạm Bá Lãm “Hiến máu nhân đạo là việc làm cứu người thể hiện tinh thần bác ái Kitô giáo”, đông đảo tín hữu đã tham gia hoạt động ý nghĩa này trong tinh thần yêu mến và đồng cảm cùng tha nhân. Hội Các Bà Mẹ Công giáo trong xứ còn kết nghĩa với buôn Long Jol (Kon Tum) để trao tặng xe đạp, xe gắn máy cho người nghèo; hỗ trợ các giáo hữu nơi đây trong công việc tu bổ nhà nguyện. Hội còn vận động tổ chức nhiều hoạt động tương trợ khác nữa với ước mong có thể đem lại niềm ủi an cho những người đang lâm cảnh khốn đốn. Bà Nguyễn Thị Liệu, một thành viên Ban Caritas phấn khởi cho biết: “Hầu như trong năm, chúng tôi đều liên tục có các hoạt động bác ái xã hội, không phải của hội này thì là đoàn nọ, và mọi người tham gia sôi nổi, nhiệt thành như công việc của bản thân vậy”.

Ban Caritas phát gạo cho người nghèo

Là một di dân đến từ Hải Phòng vào năm 1992, bà Liệu và gia đình đã được đón nhận cách cởi mở, yêu thương để rồi nhanh chóng hòa nhập cùng cộng đoàn nơi quê mới. Còn rất nhiều những người con xa xứ đã được gia đình Hòa Hưng giang rộng vòng tay đồng hành suốt chuỗi ngày sinh sống tại đây mà Lưu xá sinh viên là một minh chứng cụ thể nhất. Khởi nguồn năm 1999, từ trăn trở trước những khó khăn, cạm bẫy luôn rình rập trong cuộc sống của các bạn sinh viên (nhất là sinh viên nữ) khi rời quê đi theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở Sài Gòn, cha chánh xứ Giuse đã lập nên một khu lưu xá dành cho các sinh viên nữ có hoàn cảnh khó khăn lên thành phố trọ học và giao cho các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ phụ trách. Lưu xá hiện có khoảng 120 bạn và được trang bị đầy đủ các tiện nghi cần thiết với các khu vực sinh hoạt riêng biệt, trở thành chốn đi về của nhiều thế hệ nữ sinh. Từ nơi đây, các bạn học được tính tự lập, tinh thần đoàn kết, nâng đỡ lẫn nhau. Thêm nữa, với lợi thế khu lưu xá nằm gọn trong khuôn viên nhà thờ nên việc tham gia thánh lễ cùng các sinh hoạt đoàn thể ít bị gián đoạn, nhờ vậy mà đức tin của các bạn được củng cố mỗi ngày dù sống giữa dòng phố thị với bao cám dỗ xa hoa. Bạn Võ Thị Hải Nhật (quê ở tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Ngày đầu mới vào em cũng thấy hơi lo vì mình không quen biết ai hết. Sau một thời gian sống và học hành cùng các bạn ở đây, em lại cảm thấy yên tâm và thoải mái hơn rất nhiều. Ba mẹ em đến thăm cũng rất vui khi được chứng kiến chỗ em ở luôn sạch sẽ, an toàn lại gần nhà Chúa nữa. Em rất biết ơn vì những gì mình đã được nhận”. Hải Nhật và các bạn cùng ở chung còn tham gia việc bán hàng gây quỹ để san sẻ niềm vui cho người nghèo. Hoạt động này diễn ra vào các dịp cuối tuần trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm, các mặt hàng được bày bán thường là thiệp Noel tự làm, sách, lịch Công giáo, chuỗi… “Biết các cháu bán hàng là tôi tranh thủ ủng hộ ít nhiều bởi thấy các cháu đã thật sự trưởng thành khi biết nghĩ và biết cho người khác dù chính bản thân cũng đang cần sự nâng đỡ”, ông Trần Minh Đức - giáo dân trong xứ nói.

Hiến máu nhân đạo tại giáo xứ

Bằng đôi tay và trái tim của mình, người giáo dân và cả những người tạm trú tại Hòa Hưng đã từng ngày đắp bồi thêm cho ngôi nhà chung mỗi ngày một vững mạnh. Nói đến Hòa Hưng, ấn tượng đầu tiên nơi người nghe không chỉ là một địa danh mà còn là một mái ấm, một điểm đến đầy tình người.

MAI LAN

Năm 1949, linh mục Giuse Phạm Văn Thiên xây dựng ngôi nhà thờ tạm cho họ đạo và ngôi trường mẫu giáo bên cạnh.

Năm 1951 - 1952, Hòa Hưng trở thành họ nhánh của họ Chợ Đũi.

Ngày 24.8.1952, Hòa Hưng được nâng lên thành giáo xứ. Cha Phaolô Nguyễn Văn Truyền, là chánh xứ tiên khởi, đã xây ngôi nhà thờ kiên cố (năm 1952-1953), hình thành hệ thống khu xóm, lập nghĩa trang ở đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt).
Tháng 7.1963, cha Bênađô Phạm Văn Quy được cử làm cha sở Hòa Hưng.

Ngày 6.3.1984, cha Giuse Phạm Bá Lãm được trao trách nhiệm coi sóc họ đạo. Ngài đã từng bước ổn định giáo xứ, củng cố và phát triển các đoàn thể, mở rộng khuôn viên, xây dựng thêm các công trình.

Thông tin khác:
Nguyễn Văn Tiến - Người Chủ tịch MTTQ tận tụy với công việc (14/06/2017)
Khúc ru của người đàn ông trên miền sơn cước (13/06/2017)
Vị thánh nữ của người nghèo (13/06/2017)
Dương Văn Phiến: Tận tụy với công tác xã hội (12/06/2017)
Thăm khu vườn chú Năm (12/06/2017)
Tình yêu với công việc dịch văn học (10/06/2017)
Chuyện của những chàng trai cắm hoa nhà thờ (08/06/2017)
Nhạc sĩ Thuận Yến “Cuộc chia tay hoàn hôn mỹ mãn” (05/06/2017)
Người khai sáng Công đồng Vantican II (02/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log