Gương điển hình

Đời thường của phi công anh hùng "BẢY RUỘNG"

Cập nhật lúc 09:02 01/10/2019
Đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy với những chiến công đã đi vào huyền thoại. Ảnh: CTV
Đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy với những chiến công đã đi vào huyền thoại. Ảnh: CTV
Mới năm rồi, ông Bảy còn khỏe. Tôi xuống ở nhà ông 5 ngày trời. Ngôi nhà nhỏ bên đường đất của người phi công anh hùng lúc nào cũng rộn tiếng cười hào sảng...

nh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy từng bắn rơi 7 máy bay Mỹ hôm tôi ghé là ông lão nông dân miền Tây gầy đen với gương mặt gân guốc luôn nở nụ cười hào sảng.

Mần đường, mần điện cho bà con

Ông chìa bàn tay với những ngón to bè, cười nói: “Tay cầm cần lái máy bay mà thô vầy nè. Chắc không có phi công nào mà tay xấu như tay tao”. 

Mỗi ngày mới gần 4h sáng, ông đã dậy, lục tục mở cửa. Quấn khăn rằn, xỏ đôi dép mủ, ông xách đèn pin đi qua nhà ông Bảy Bút uống cà phê. Đi qua cây cầu ngang, chú chó mực nhà ông bạn Bảy Bút đã ngồi chờ sẵn, vẫy đuôi mừng ríu rít. Từ hồi nghỉ hưu tới giờ, sáng nào ông Bảy cũng qua đây uống cà phê. Chỗ ngồi quen thuộc là cái bàn gỗ nhìn thẳng ra hồ sen.

Trong lúc chờ bạn pha cà phê sữa, ông Bảy ngồi chụm hai chân lên ghế, nhìn ra hồ sen. Rồi đôi bạn già chất phác trò chuyện ruộng vườn giữa tiếng gà gáy, tiếng vịt kêu chộn rộn cả vùng quê thanh bình.

Chỉ hồ sen, ông Bảy Bút bảo: “Sen này ổng xin ở đâu đưa qua đây trồng đó. Từ ngày ổng về đây, dân vui quá xá. Sáng tui đưa thằng cháu đi học, ổng nhảy đi theo ra chợ để ngồi nói chuyện với bạn. Ổng giản dị lắm. Lên Sài Gòn, ổng mặc đồ bà ba, xách hai cái giỏ”. Ông Bảy Bút kể bận ông Bảy mới về đây một tháng đã bắt đầu cho trường khuyết tật của Sa Đéc 50 - 100kg gạo.
“Không có ổng, đường này đâu có đi được. Trước đường sình lầy, mùa nước nổi, bà con phải chống xuồng đi. Ổng về bỏ tiền đổ đá 3 lần đường mới cao được. Rồi ổng với tui hùn tiền làm đường điện hơn 800m để chia lại cho mấy nhà bà con ở quanh. Không có ổng, dân quanh đây không có điện. 

Nhưng năm 1980, từ chỗ đầu đường Phan Văn Bảy ở ngoải vô tới gần nhà ổng dài 5km không có điện. Hồi đó, ổng còn ở Sài Gòn nhưng cho bà con ấp này mượn 10 cây vàng không lấy lãi đồng nào để kéo đường điện vô cho bà con xài” - ông Bảy Bút cười kể những việc làm bình dị của người phi công anh hùng.

Chỉ cậu nhóc nhỏ xíu, ông Bảy Bút cho biết đó là cháu ngoại Võ Văn Quý, mới 5 tuổi. Ông cười cho hay: “Nó gọi ổng là ông nội. Hồi đó, nó được vô học Trường mầm non thị trấn Lai Vung là nhờ ổng. Không có ổng, nó phải đi học xa hơn chục cây số”.

Ngồi đến hơn 5h, trời còn mờ mờ sáng, ông Bảy về thăm vườn. Ông đi loanh quanh bờ ao, ngắm buồng chuối chín, xem cây mai vàng nở trái mùa, rồi ngó mấy trái ca cao... Thăm cây cối một hồi, ông mới về ăn sáng. Đang ăn tô mì, ông lại chạy ra chuôm, múc nước dấp dấp vô lòng bàn tay rồi thoa lên đầu.

Bà Bảy thấy vậy cười ghẹo: “Ổng điệu lắm. Tóc có mấy cọng mà cứ khoái lấy nước vuốt lên đầu hoài”. Ông Bảy nghe, chỉ cười hà hà, ăn tiếp tô mì đang dở. Ăn sáng xong, ông Bảy bất ngờ đề nghị hai bác cháu cùng đi chợ. Rồi ông xăng xái giành phần lái với tôi: “Để bác chở, đừng có lo”.

Đi chợ thị trấn, người phi công anh hùng năm nào vẫn mặc cái áo thun cũ kỹ đã lủng vài chỗ. “Tao toàn bận đồ người ta tặng. Tao nông dân mà, chỉ thích bận mấy cái màu nâu, màu xám” - ông Bảy cười rổn rảng. Chiếc xe Cub của ông cũng cổ lỗ sĩ, ì à ì ạch. Lên cầu, ông gài trả số mà đồng hồ xe mờ quá, không nhìn thấy gì. Hai bác cháu phải đẩy mới qua được dốc cầu. Ra đường bằng phẳng, ông chạy vù vù ngon lành.

Nắm đất và chai nước Mỹ ông Bảy mang về

Vừa chạy xe, ông Bảy vừa vui vẻ kể chuyện gia đình: “Tháng 4/1966, tao cưới vợ. Tháng 7/1967, tao được tuyên dương anh hùng, đặt tên con trai đầu là Phi Hùng. Tháng 12/1971, tao là đại biểu Quốc hội nên đặt tên thằng thứ hai là Quốc Hội. Năm 1973, tao đi Nga học, đặt tên con út là Phi Nga. Bả đẻ ba đứa mà không lần nào tao đưa đi bệnh viện được. Thằng đầu tiên bả sanh một tuần tao mới về thăm được. Thằng thứ hai một tháng. Con thứ ba thì... một năm. Chiến tranh mà”.

Hồi đất nước thống nhất, ông Bảy được phân mảnh đất ở đường Đồng Nai hiện giờ (quận Tân Bình, TP.HCM). Thấy người ta khổ, ông cắt cho miếng đất mà không lấy một đồng. “Xưa mới về tiếp quản, ở đó hoang tàn lắm. Tao mần mô hình VAC, vườn - ao - chuồng. Mần 3 năm không có lời, tao đổi công thức BAD, bán - ăn - dần” - ông cười hóm hỉnh.

Năm 55 tuổi, đang là Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, ông Bảy ba lần làm đơn xin nghỉ hưu. “Tao thấy trình độ mình hạn chế, cứ ngồi đó hoài thì anh em lớp sau sao lên được. Tao về quê, thích làm nông dân hơn” - ông tâm tình.

Về ruộng, ông Bảy không rình rang, sống cuộc đời giản dị, gần gũi bà con. “Hồi mới về, tao làm 5 công ruộng nên người ta gọi tao là “phi công Bảy Ruộng”. Hồi nhỏ, tao tên “Bảy Sún” vì không có răng gì hết trơn. Rồi “Bảy Đầu Dồ” vì trán dồ. 

“Khi đi bay, thằng Mẫn bạn thân đặt tên tao là “Bảy Cồ” vì đá banh mà thấy trái banh cứ chạy vòng vòng như con gà cồ thấy con mái. Còn hồi nhỏ, tên tao đẹp dữ à nghen, tên Hoa đó. 14 - 15 tuổi, mấy ông cậu kêu mày tên con gái. Tao xấu hổ, tự đặt lại tên Bảy luôn” - ông cười kể chuyện.

Ông Bảy hào hứng kể lại chuyến đi Mỹ tháng 9/2017, giao lưu với một số cựu phi công Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Cầm chai nhựa đầy nước, ông cười tếu táo: “Tao qua Mỹ để lấy đất, lấy nước Mỹ về nè. Tao có ý đó nha. Muốn nói về tinh thần đoàn kết Mỹ - Việt thì pha trộn đất, nước Mỹ vô. Còn ý khác nữa hả? Mỹ ngày xưa đem bom đạn quánh nước tao hả, giờ tao qua lấy cả đất, cả nước Mỹ mang về nhà tao luôn”. Nói xong, ông Bảy lại cười vui, đôi mắt cũng cười theo...

Có lần trong lúc nói chuyện, ông bảo: “Tao ráng sống khỏe tới 99 tuổi. Nếu đi là phải đi nhanh, năm ngày một tuần cho con cháu đỡ cực”. Nhưng, ông đã không ở đến được cái tuổi 99. Người phi công năm xưa đã ra đi bất ngờ ở tuổi 83, cũng gần như mong muốn của ông khi còn sống là ra đi nhanh để không phiền người ở lại...

Chào ông năm ngoái, giờ tôi lại xin thầm được chào anh linh ông. Người phi công, người nông dân chân đất chắc đang thực hiện chuyến bay hào hùng cuối cùng của đời mình.

Thật kỳ diệu

Ông Charlie Tutt - cựu phi công Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, gặp ông Bảy hồi tháng 10/2018 - đã ngạc nhiên: “Nói chuyện với ông Bảy, tôi thấy ông ấy không am hiểu nhiều về kiến thức vật lý nhưng lại không chiến rất giỏi. Điều đó thật kỳ diệu”.

Đáp lời, ông Bảy nói: “Hồi mới học lái máy bay, thầy cho thực hành nổ máy. Tui ấn nút một cái thấy cái máy bay bành ki nổ rào rào, tui sướng quá buông hai tay, vỗ tay rần rần. Về, thầy rút kinh nghiệm và phê bình ngay, tui bảo: nào giờ tui đi xuồng không hà, lần đầu tiên mới được điều khiển máy bay, khoái quá, quên luôn”.

MI LĂNG
Thông tin khác:
Phiên chợ 0 đồng ấm áp tình thương ở Sài Thành (30/09/2019)
Giáo xứ Fatima với mô hình tuyến đường, cổng rào sáng – xanh – sạch đẹp và an toàn (26/09/2019)
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng thánh thiện của Nicola Perin (24/09/2019)
Cuộc đời của chân phước Maria Guadalupe (18/09/2019)
Thầy giáo làng vẫn say mê với công tác "đền ơn đáp nghĩa" (17/09/2019)
Điểm tựa của người nghèo (16/09/2019)
Vị linh mục với văn hóa dân tộc (10/09/2019)
Những điểm tránh nóng miễn phí cho người dân (03/09/2019)
Sáu cá nhân “người tốt, việc tốt” trong đồng bào Công giáo quận Ba Đình được khen thưởng (30/08/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log