Gương điển hình

Giới Công giáo với hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Cập nhật lúc 14:10 24/11/2020
 CGvDT Phòng khám của những nữ tỳ Chúa Giêsu
CGvDT Phòng khám của những nữ tỳ Chúa Giêsu
Chăm lo cho con người toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần là một trong những sứ mạng quan trọng của các tôn giáo nói chung và của Công giáo nói riêng. Như Kinh Thánh tường thuật lại, Chúa Giêsu trong cuộc đời tại thế của Ngài đã rất nhiều lần làm “phép lạ” nuôi hàng nghìn người ăn no, chữa lành các bệnh nhân nan y: Người phong cùi, người mù, người què, người câm điếc, và đặc biệt cho người chết được sống lại…, mang lại hạnh phúc cho bản thân họ và gia đình, qua đó loan báo một Tin Mừng trọng đại cho những người đương thời và cho muôn thế hệ. Đó là Tin Mừng về Một Thiên Chúa luôn yêu thương, quan phòng muôn loài thụ tạo, nhất là yêu thương, chăm sóc con người là hình ảnh của Chúa, cho họ được sống và sống dồi dào.
Noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, các môn đệ của Ngài - các tín hữu từ xưa tới nay, cũng luôn dấn thân trong việc phục vụ anh chị em đồng loại với tất cả tấm lòng yêu thương, sự tôn trọng và tinh thần vô vị lợi. Như thế, Công giáo không chỉ quan tâm chăm lo “phần hồn”, mà chăm sóc cả “phần xác” cho mọi người.
Trong khuôn khổ giới hạn của bài tham luận này, xin được giới thiệu một số hoạt động nổi bật của giới Công giáo tại Việt Nam trong việc tham gia khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, không phân biệt lương giáo. Những mô hình được nêu lên ở đây không nhằm mục đích để được “tuyên dương, khen thưởng”, nhưng với mong muốn rằng, những hoạt động ấy sẽ được tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhiều hơn nữa khi triển khai để ngày càng được nhân rộng, mang lại lợi ích cho người dân.
1. Các chương trình, hoạt động y tế vì cộng đồng thường xuyên
1.1- Các hoạt động y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng được thực hiện thường xuyên qua các Phòng khám ngoại trú (cả Đông y và Tây y). Xin nêu một số ví dụ:
+ Phòng khám từ thiện Mỹ Sơn của dòng Phaolô (tại Lạng Sơn);
+ Phòng khám Định Hải của Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Bùi Chu, Phòng khám Nghĩa Dục của Dòng Đaminh nữ Bùi Chu (tại Nam Định);
+ Các Phòng chẩn trị y học cổ truyền của các nữ tu Mến Thánh giá tại Thái Bình;
+ Phòng khám từ thiện Kim Long của dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (tại Huế);
+ Phòng khám đa khoa An Bình của dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa (tại Quảng Nam);
+ Phòng khám từ thiện Mẫu Tâm của Caritas Nha Trang (tại Khánh Hòa);
+ Phòng thuốc từ thiện Phú Sơn của dòng Phaolô (tại Lâm Đồng);
+ Phòng khám Thiên Thảo Đường của tu đoàn BAXH Phan Thiết;
+ Phòng khám đa khoa Xuân Hòa của Caritas Xuân Lộc (tại Đồng Nai);
+ Các Phòng chẩn trị y học cổ truyền của dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa tại Đồng Nai;
+ Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7 của Caritas Long Xuyên (tại Kiên Giang); 
+ Phòng khám y học cổ truyền của Caritas Mỹ Tho (tại Tiền Giang);
+ Phòng khám nội khoa Nhân Đạo của Caritas Vĩnh Long;
+ Các cơ sở lưu trú cho các bệnh nhân nghèo từ các tỉnh về thành phố để chữa bệnh: Mái ấm Chí Hòa, Mái ấm Hà Ðông của Caritas Sài Gòn; 
Có thể thấy, các hoạt động này được triển khai rất đa dạng, đa dạng về quy mô, đa dạng về nhân sự, đa dạng về cơ quan chủ quản… nhưng có một điểm chung là ưu tiên phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn không phân biệt tôn giáo. Trong đó, xin trình bày chi tiết hơn về 2 cơ sở tiêu biểu:
- Trước hết là Phòng khám từ thiện Kim Long (thành lập năm 1992) do các nữ tu dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Huế điều hành. Phòng khám có 28 người thường trực, gồm các bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên. Hiện nay, phòng khám được trang bị tương đối đầy đủ các máy móc thiết bị chụp X-quang, đo tâm điện đồ, máy siêu âm màu, thiết bị nha khoa, thiết bị xét nghiệm máu; ngoài ra còn kết hợp chữa trị bằng vật lý trị liệu - Đông y (như: bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu…). Phòng khám nay đã trở thành địa chỉ thân quen của nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trung bình mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khoảng 120 lượt khám và điều trị miễn phí, không phân biệt tôn giáo. 
- Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7 (cả Đông và Tây y) thuộc Caritas giáo phận Long Xuyên, do dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân (Camillo) phụ trách. Phòng khám do 1 linh mục là thạc sĩ y khoa đứng đầu, có 60 người phục vụ hằng ngày, gồm các bác sĩ Tây y, Đông y, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên hậu cần. 
Phòng khám được đầu tư xây dựng rất khang trang, có các khu khám bệnh, khu điều trị, khu xét nghiệm, khu phục hồi chức năng, khu chế biến thuốc đông dược, khu trồng dược liệu, khu nhà nghỉ cho bệnh nhân, khu nhà nghỉ cho nhân viên, khu ẩm thực - hậu cần, khu vệ sinh. 
Phòng khám được trang bị các thiết bị y tế cả Tây y và Đông y như: máy điện tim, máy siêu âm, máy X-quang, máy từ trường, máy sóng ngắn, máy laser, máy xung điện, máy i-on, máy từ châm, máy điện châm, hồng ngoại và hệ thống dụng cụ phục hồi chức năng 
Hằng ngày, Phòng Khám khám bệnh miễn phí và chữa trị (chỉ thu 15-20%, ai nghèo thì được miễn hoàn toàn) cho hơn 200 bệnh nhân không phân biệt lương giáo, nuôi ăn ở bệnh nhân và người nhà gần 500 người. 
Hiện tại, Phòng khám đa khoa Nhân Đạo Kinh 7, đang có kế hoạch xin các cơ quan chức năng cho nâng cấp lên thành bệnh viện.
1.2- Các chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe định kỳ và phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo. Nổi bật trong các hoạt động này có Caritas Hải Phòng, Caritas Hưng Hóa, Caritas Xuân Lộc, Caritas Sài Gòn… 
Các chương trình này thường được tiến hành mỗi tháng 1 lần (vừa qua, do có dịch COVID-19 nên đang tạm ngưng), với sự cộng tác của các y bác sĩ thiện nguyện đang công tác tại các bệnh viện lớn. Chương trình thường được triển khai tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào dân tộc ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, mỗi lần thăm khám cho hàng trăm lượt bệnh nhân, gồm đo huyết áp, thử đường huyết, điện tim, siêu âm, khám tổng quát… sau đó tư vấn, dặn dò cách phòng bệnh, cách giữ các thói quen sinh hoạt tốt, để nâng cao sức khỏe. 
Ngoài ra cũng có các Chương trình mổ mắt, thay thủy tinh thể đục, cắt mộng thịt… cho các bệnh nhân nghèo, người già neo đơn: do các Caritas Hải Phòng, Bùi Chu, Nha Trang, Sài Gòn… phối hợp với các bệnh viện chuyên về nhãn khoa thực hiện mỗi năm. 
2. Các chương trình, hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chuyên biệt
- Các cơ sở chăm sóc trẻ khuyết tật, bại não của các dòng tu và các Caritas giáo phận: dòng Phaolô, dòng Đaminh, dòng Mến Thánh giá, dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, dòng Nữ Trợ Thế Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Thừa Sai Bác Ái, Caritas Hà Nội, Caritas Thanh Hóa, Caritas Vinh, Caritas Sài Gòn, Caritas Cần Thơ, Caritas Mỹ Tho.
- Các phòng tư vấn dành cho bệnh nhân HIV và người nhà: của Caritas Hải Phòng, Caritas Hà Nội, Caritas Huế; các Phòng khám từ thiện cho bệnh nhân HIV nghèo, các Trung tâm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối (thường là bệnh nhân bị gia đình, người thân bỏ rơi): Phòng khám Mai Khôi, Trung tâm Mai Hoà (TGP Sài Gòn). 
- Chăm sóc các bệnh nhân phong: tại hầu hết các làng phong trong toàn quốc (Quả Cảm - Bắc Ninh, Văn Môn - Thái Bình, Chí Linh - Hải Dương, Quỳnh Lập - Nghệ An, Quy Hòa - Bình Định, Di Linh - Lâm Đồng, Bến Sắn - Bình Dương…) có các tu sĩ Công giáo thường trực, cùng sinh sống để chăm sóc, giúp đỡ các bệnh nhân phong trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Điều đáng lưu ý là những đối tượng chuyên biệt này còn ít nhiều bị kỳ thị, bị hắt hủi, bị xa lánh… nhiều khi bởi chính những người thân trong gia đình. Nhưng các tu sĩ và thiện nguyện viên Công giáo nhận thấy nơi các bệnh nhân ấy khuôn mặt của chính Chúa Kitô. Lòng bác ái Kitô giáo đã thúc đẩy họ đón nhận và phục vụ những người bất hạnh này, như đang phục vụ chính Chúa. Các bệnh nhân được yêu thương, chăm sóc, an ủi, chữa lành và đặc biệt là được kính trọng về phẩm giá. 
3. Các hoạt động phối hợp với các cơ quan chính quyền, Mặt trận trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân
- Giới Công giáo tích cực hưởng ứng lời mời gọi của MTTQ Việt Nam, tham gia trong dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả như: Truyền thông kiến thức phòng chống HIV/AIDS và giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV/AIDS, hỗ trợ thành lập các nhóm tự lực, tạo điều kiện cho người có HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng, góp phần giảm thiểu sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS.
- Nhiều vị Giám mục giáo phận hoặc Giám đốc các Caritas giáo phận cũng hưởng ứng tốt lời kêu gọi của Bộ Y tế (qua các bệnh viện đầu ngành), của Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam vận động bà con giáo dân tham gia hiến tặng mô, tạng, giác mạc, hiến máu cứu người…
- Đặc biệt, trong dịp đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm và tái bùng phát mới đây (cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020 vừa qua), 27/27 Tổng giáo phận, giáo phận Công giáo ban hành văn bản, thông báo, hướng dẫn các giáo xứ, dòng tu, các linh mục và tín hữu liên quan đến việc tổ chức các thánh lễ, các sinh hoạt tôn giáo trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Đồng bào Công giáo trong cả nước đã có những cách thức chống dịch như chống giặc khác nhau, hiệu quả và lan tỏa trong khắp cộng đồng dân cư. Ủy ban Bác ái - Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giáo phận đã tham gia ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức nhiều hoạt động phát quà, cơm, cháo miễn phí cho người nghèo; người có hoản cảnh khó khăn; người bán vé số, lượm ve chai; người lang thang, cơ nhỡ... bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; tích cực vận động giáo dân tham gia quyên góp ủng hộ nhân dân khẩu trang y tế, nước diệt khuẩn, vitamin C... Tiêu biểu như tại Sơn Lôi, nơi bùng phát tâm dịch cần phải cách ly cả một xã, Tòa Giám mục Bắc Ninh đã đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý để linh mục Giuse Hoàng Trọng Hữu, từng học ngành y, tình nguyện đến làm mục vụ tại hai giáo họ Bảo Ngọc và Bá Cầu, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với nhân dân trong vùng cách ly từ ngày 16/02/2020. Ngài đã ở lại trong vùng tâm dịch Sơn Lôi để chăm sóc đời sống tinh thần, hỗ trợ người dân Sơn Lôi phòng chống dịch cho đến khi hết phong tỏa. Caritas Hải Phòng đã kịp thời tập huấn cho các tình nguyện viên về ứng phó với dịch bệnh và cứu trợ khi cần và rất nhiều giáo phận đã triển khai các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho những người gặp khó khăn do đại dịch… 
Qua những nội dung trình bày trên cho thấy, giới Công giáo có nhiều tiềm lực, khả năng về nhân sự, về cơ sở vật chất… và nhất là có nền tảng giáo lý về lòng bác ái để thực hiện tốt các chương trình y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong xu hướng “xã hội hóa” của Nhà nước, những tiềm lực này cần được các cơ quan hữu quan tạo điều kiện hơn nữa (về cơ chế, chính sách, pháp luật và về cách thức phối hợp…) để các tiềm lực ấy được phát huy hơn nữa, để giới Công giáo có thể chung tay, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích của mỗi người dân và lợi ích chung của toàn xã hội.
Lm GB Vũ Văn kiện
Thông tin khác:
"Tiếp sức đến trường" - Trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó (12/11/2020)
Hải Minh: Điểm sáng về phát triển kinh tế vùng Công giáo (03/11/2020)
Trưởng Dũng của Thiếu nhi Thánh Thể (23/10/2020)
Hai vị tướng lĩnh anh em (08/10/2020)
Hiệu quả từ nuôi cá lồng trên sông Hồng (01/10/2020)
Giáo sư về hưu xây 175 ngôi nhà cho người vô gia cư (21/09/2020)
Làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi, khuyết tật (21/09/2020)
Doanh nhân say mê làm từ thiện (21/09/2020)
Dấn thân phục vụ tha nhân (18/09/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log