Đó là ông Giuse Trần Văn Dũng, trưởng Ban điều hành của Liên đoàn Thiếu nhi Thánh Thể (TNTT) giáo phận Ðà Lạt, và là phó nghiên huấn TNTT của giáo tỉnh Sài Gòn. Với ưu tư góp phần giáo dục đức tin cho giới thiếu nhi, ông đã tham gia công tác huấn luyện, xây dựng đội ngũ huynh trưởng một cách nhiệt thành, không ngơi nghỉ.
Nhớ lại những ngày còn ở Chủng viện Simon Hòa Ðà Lạt, cứ vào mùa hè, chủng sinh Dũng đã cùng với anh em đến các giáo xứ để coi sóc thiếu nhi. Rời Ðại Chủng viện sau năm 1975, chàng trai 20 tuổi “trở về” đời sống của người giáo dân, nhưng vẫn canh cánh nỗi niềm về đời sống đức tin của cộng đoàn. Từ thời điểm ấy cho đến đầu thập niên 1990 cũng là giai đoạn ông càng thêm trăn trở khi nhận thấy giới trẻ sống đạo theo tập quán, thói quen của gia đình, chứ không được học hỏi kiến thức về giáo lý. Vì vậy, không hiếm trường hợp đã 14,15 tuổi nhưng chưa được lãnh nhận Bí tích Giải tội, hoặc Thêm sức. Thậm chí có nhiều người đến khi lập gia đình mới nhận lãnh các Bí tích cùng một lúc. Những người trẻ sinh trưởng trong khoảng thời gian này, khi đã lập gia đình, sinh con cũng khó có thể đồng hành và giáo dục con mình trong đời sống đức tin. Vì vậy, sẽ không quá ngạc nhiên khi một em thiếu nhi bỏ lễ Chúa nhật chỉ đơn giản “vì bố con bảo không sao, chỉ cần xưng tội là hết”.
Trưởng Dũng nhận cờ liên đoàn trong ngày thành lập Liên đoàn TNTT giáo phận |
Ðặt trường hợp, nếu không được giáo dục về đức tin, thì con em của những giáo dân thời kỳ này, vài chục năm sau cũng sẽ rơi vào tình cảnh như cha mẹ chúng. Trong bối cảnh các giáo xứ, linh mục không thể lo tất thảy mọi việc, vì có khi dâng lễ xong, đi xức dầu về đến nhà thì cũng đã đến giờ ngọ. Chẳng hạn như ở vùng Di Linh, Ðức Trọng, một số linh mục vẫn phải lo toan nhiều việc, thời gian eo hẹp thì mục vụ giáo dục đức tin cho thiếu nhi phù hợp nhất vẫn là những tông đồ giáo dân như Công đồng Vatican II đã đề cập. Do vậy, ngay từ giai đoạn 1995 - 2000, sau khi giáo phận Ðà Lạt hoàn thành chương trình Giáo lý phổ thông (12 năm), mối ưu tư về một “hội đoàn đạo đức” cho thiếu nhi dẫn đến việc tái lập TNTT tự phát ở một số giáo xứ (Bảo Lộc, Thánh Tâm, Tân Hóa, Thánh Mẫu, Phúc Lộc…), trưởng Dũng đã lập tức tiếp tục công việc của một huynh trưởng giáo lý viên trong phạm vi xứ đạo mình. Ðến năm 2006, Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Giám mục Ðà Lạt khi ấy, đưa ra định hướng mục vụ thiếu nhi và mời gọi giáo hạt Bảo Lộc nghiên cứu, thử nghiệm theo tinh thần đạo đức và tông đồ của TNTT. Lúc này, được sự hướng dẫn của cha quản hạt Bảo Lộc Giuse Nguyễn Hữu Duyên, trưởng Dũng đã chủ động tập hợp huynh trưởng của các giáo xứ trong giáo hạt để cùng nhau thực hiện mô hình thí điểm. 10 năm sau (năm 2016), Ðức cha Giuse Vũ Văn Thiên chính thức phụ trách TNTT, dẫn đến sự thống nhất trong toàn quốc về đường hướng giáo dục thiếu nhi theo tinh thần nội quy của TNTT, tạo nên luồng gió mới thúc đẩy tinh thần dấn thân hơn nữa của trưởng Dũng và những người đồng tâm thiện chí.
Vào ngày 17.6.2018, nhân dịp kỷ niệm 30 năm tuyên phong các Thánh Tử đạo Việt Nam, Ðức cha Antôn Vũ Huy Chương đã cử hành thánh lễ thành lập và ra mắt liên đoàn TNTT giáo phận Ðà Lạt (nhận thánh tử đạo Simon Phan Ðắc Hòa là bổn mạng). Trong ban điều hành mới, trưởng Dũng đã được tín nhiệm bầu chọn làm liên đoàn trưởng. Ðược trao sứ vụ “đầu tàu” để phát triển phong trào TNTT của giáo phận, “trưởng Dũng” tiếp tục là danh xưng thân thương mỗi khi ông chủ trì các buổi tập huấn huynh trưởng ở các giáo hạt trên toàn địa phận. Cứ thế, từ ngày này qua tháng nọ, bất kể mưa nắng hay đêm ngày, trưởng Dũng luôn miệt mài công tác huấn luyện ở các giáo xứ, thị thành cũng như vùng sâu, buôn làng với chiếc xe gắn máy là phương tiện đi lại duy nhất. Có lần đi huấn luyện ở giáo xứ K’Nai (huyện Ðức Trọng), 8 cây số đường đất sình lầy nhầy nhụa sau mưa cũng không thể ngăn được bước chân của người tông đồ nhiệt thành dù bao lần trượt ngã, lấm lem.
Buổi huấn luyện cho các nữ tu Dòng MTG Đà Lạt tại trụ sở chính Lộc Thanh (Bảo Lộc) |
Ðã ở tuổi 65, nhưng mức độ làm việc của trưởng Dũng hiện nay đã khiến cho bao người trẻ ngưỡng mộ, thán phục. Những ngày Chúa nhật có khi như thế này: tất bật không ngơi nghỉ khi dự lễ tuyên hứa cho huynh trưởng cấp 2 ở giáo xứ Tân Bùi từ lúc 7g sáng. Từ 8g30 - 10g, ông tiếp tục đến lớp huấn luyện của giáo xứ Tân Bình (cách giáo xứ Tân Bùi 10km). Sau đó, ông cùng 3 anh em khác di chuyển lên Ðà Lạt bằng xe ô tô do con trai cầm lái, để kịp đứng lớp từ 13g30 đến 17g và trở về nhà vào buổi tối cùng ngày. Trước đây, việc đi lại của trưởng Dũng đều tự túc bằng xe gắn máy. Kể từ cuối năm 2019 đến nay, khi bác sĩ cấm lưu thông đường xa bằng phương tiện hai bánh, vì ảnh hưởng bệnh huyết áp nặng, trưởng Dũng luôn được con trai làm tài xế riêng cho mình. Công tác huấn luyện bận rộn, đường xa nên nhiều khi ông về đến nhà đã quá nửa đêm, để vợ chờ cửa là chuyện thường… như cơm bữa. Người bạn đời của trưởng Dũng, cũng là huynh trưởng cấp 3, thấu hiểu và ủng hộ công việc của chồng, nên chuyện nhà bà cáng đáng hết, để chồng an tâm lo việc Nhà Chúa. Những đêm thức chờ chồng trở về sau ngày huấn luyện, đối với người phụ nữ dịu hiền, là những giờ phút ấm áp, hạnh phúc.
Ươm mầm cho những “mùa gặt”
Từ nhiều thập niên qua, trọng trách của phong trào TNTT là giáo dục đức tin cho các em, nên huynh trưởng cũng là “thầy dạy giáo lý”. Theo trưởng Dũng: “Một huynh trưởng TNTT trước tiên phải có lòng nhiệt thành phục vụ nhà Chúa, chuyên chăm học giáo lý và các kỹ năng để điều hành đoàn, điều hành lớp giáo lý”. Vì vậy, một ứng viên muốn trở thành huynh trưởng TNTT, cần được huấn luyện qua 3 cấp, gồm huynh trưởng cấp 1 (có khả năng dạy giáo lý), cấp 2 (coi sóc thiếu nhi, lãnh đạo cộng đoàn giáo xứ) và cấp 3 (tổ chức xứ đoàn, tổ chức giáo xứ, có khả năng xây dựng kế hoạch học giáo lý dài hạn theo từng năm). Tôn chỉ, mục đích của phong trào TNTT là giúp các em thiếu nhi sống Lời Chúa và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong việc cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ. Nhất là làm tông đồ cho giới trẻ theo tinh thần Công đồng Vatican II: “Người trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ”. Do đó, khi đã là “thầy dạy giáo lý”, bên cạnh những điều kiện cần và đủ, người huynh trưởng cần sống tinh thần của TNTT, là không ngừng rèn luyện bản thân mỗi ngày nên tốt hơn, trở nên những bó hoa thiêng dâng Chúa trong cuộc sống thường nhật.
Trưởng Dũng (thứ 2 từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng các tham dự viên tại Đại hội tuyên úy TNTT và huynh trưởng toàn quốc |
Trong bối cảnh thiếu nhi hiện nay giờ chơi ít hơn giờ học, mỗi tuần chỉ gặp các em một buổi, khoảng từ một đến chưa đầy hai giờ, nên các huynh trưởng luôn chủ động bố trí thời gian phù hợp để có thể vừa dạy giáo lý, dạy nhân bản, vừa rèn kỹ năng cho các em. Ðặc biệt, huynh trưởng còn là người đồng hành và hướng dẫn các em sống Thánh Thể trong đời sống hằng ngày. Cùng góp sức trong sứ vụ xây dựng phong trào TNTT, sự dấn thân của những người tông đồ giáo dân nhiệt thành ở giáo hạt Bảo Lộc nói riêng và giáo phận Ðà Lạt nói chung đã đem đến nhiều tín hiệu đáng mừng. Cụ thể, tính đến ngày 30.10.2019, phong trào TNTT đã được nhân rộng đến tất cả các giáo hạt trong toàn giáo phận. Trong đó, nhân sự ngày càng được củng cố với 13 huấn luyện viên, 688 huynh trưởng (cấp 1,2,3) và 21.712 TNTT.
Nói về “trái ngọt” từ phong trào TNTT trong mấy chục năm qua trên toàn quốc, trưởng Dũng tự hào kể về rất nhiều cựu TNTT đã bước theo ơn gọi tu trì. Trong đó có những vị bền đỗ trong đời sống thánh hiến và hiện nay vẫn đồng hành với TNTT Việt Nam… Có thể nói, những “mùa gặt” của phong trào TNTT Việt Nam đã trở thành động lực thúc đẩy các tông đồ giáo dân, trong đó có trưởng Dũng, ngày càng hăng say dấn dân nhằm xây dựng đội ngũ huynh trưởng nhiệt thành, góp phần tạo nên những thế hệ TNTT trưởng thành về đời sống đức tin và nhân bản. Kỳ vọng của những người ươm trồng, là khi các em lớn lên, vào đời, sẽ trở nên những chứng nhân của Tin Mừng giữa lòng dân tộc. Vì những lẽ trên, trưởng Dũng ngày càng say mê bước đường tông đồ, chẳng mấy khi ở nhà. Khi bạn bè giễu rằng “Dũng chỉ lo cho thiếu nhi, không còn thời gian dành cho người lớn”, trưởng Dũng cười đáp: “Vẫn chơi với người lớn nhưng ưu tư lại thiên về thiếu nhi. Còn sức, còn mong làm cánh tay nối dài của các linh mục trong khả năng có thể”.
Bích Vân
http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/truong-dung-cua-thieu-nhi-thanh-the_a11609