Công giáo truyền vào Việt Nam từ năm 1533, nhưng trong quá trình truyền giáo do nhiều nguyên nhân mà sự đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội lại khá chậm. Chỉ khi đất nước thống nhất (năm 1975), Giáo hội mới thống nhất và sau quá trình chuẩn bị Giáo hội Công giáo đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào cuối tháng 4/1980 thành lập Hội đồng Giám mục (HĐGM) Việt Nam, ra Thư chung "Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc".
Nội dung của Thư chung đã khẳng định: "Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước”.
Thư chung không những định hướng mà còn chỉ ra phương thức để người Công giáo Việt Nam thực hiện: "Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do, hạnh phúc" (Thư chung 1980, số 10). Thư chung năm 1980 đã công khai và chính thức mở ra con đường để người Công giáo Việt Nam được bày tỏ lòng yêu nước và có các hoạt động thiết thực đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương.
Quá trình gần 45 năm thực hiện Thư chung 1980 và dưới mái nhà chung của MTTQ Việt Nam - mái nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng bào Công giáo càng có nhiều cơ hội hơn để chứng tỏ mình là một phần quan trọng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, đã và đang có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Từ Đại hội lần thứ I của HĐGM Việt Nam và trên nền tảng của Thư chung 1980, văn kiện của các đại hội HĐGM Việt Nam sau này đã triển khai đường hướng đó bằng các hoạt động cụ thể, để người Công giáo tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, như Đại hội lần III HĐGM Việt Nam ra Thông cáo: "Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta hãy ra sức đóng góp nhiều hơn nữa với sự nỗ lực của mỗi người, cụ thể trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chúng ta cố gắng lao động tích cực và tiết kiệm hết sức trong mọi lĩnh vực, để làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng. Chúng ta vừa là người Công giáo, vừa là người công dân của nước CHXHCN Việt Nam, hai phẩm tính đó không thể mâu thuẫn nhau, nếu chúng ta sống đạo đích thực và có lòng yêu nước chân thành (M,4)”.
Tinh thần đồng hành của người Công giáo Việt Nam tiếp tục được bồi bổ bởi Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại buổi tiếp đoàn Giám mục Việt Nam đi Ad Limina năm 2009 và Sứ điệp gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam dịp khai mạc Năm Thánh 2010; Thư của Giáo hoàng Francis gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam được ban hành ngày 8/9/2023. Đấy chính là sự tiếp tục nối dài sợi chỉ đỏ của Thư chung 1980 khắc in tinh thần người Công giáo Việt Nam sống phúc âm trong lòng dân tộc. Thư chung năm 1980 như là nền tảng, Huấn từ, Sứ điệp, Thư của các Giáo hoàng là sự bồi bổ, khích lệ đường hướng ấy và khẳng định đấy là một lựa chọn thích hợp nhất của Công giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.
Bắt nguồn từ đường hướng Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, người Công giáo xác tín bổn phận công dân trong thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi đối với đất nước. Tham gia hoạt động bác ái chính là thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với xã hội như nội dung của Đại hội HĐGM Việt Nam lần thứ VIII đề ra "Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết, hầu cho mọi người được sống và sống dồi dào". Bên cạnh đó bác ái xã hội là một trong những hoạt động truyền thống nhằm thực hiện mục đích yêu thương - bái ái của đạo. Trong suốt lịch sử truyền giáo và phát triển, các hoạt động bác ái xã hội luôn là điểm nhấn, điểm đến và cũng thông qua các hoạt động này mà Công giáo ở Việt Nam có được những ảnh hưởng, những vị trí trong xã hội và dân tộc. Trong đó có những điểm nhấn sau:
Về giáo dục: Trong những năm qua hoạt động trong lĩnh vực giáo dục luôn được đông đảo các giáo phận, giáo xứ và dòng tu quan tâm. Ngoài hệ thống trường, lớp mầm non mẫu giáo nhà trẻ của các dòng tu đã và đang hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao, giáo hội có nhiều hoạt động khác như mở các lớp học tình thương, xoá mù chữ, bổ túc văn hoá ở nhiều nơi để hỗ trợ trẻ em lang thang, trẻ em nghèo thất học, trẻ em khuyết tật. Bên cạnh đó việc lập quỹ khuyến học giúp học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập, xây - mướn lưu xá cho những em ở xa về trọ học, cấp học bổng cho học sinh để khuyến khích các em học tập diễn ra ở hầu khắp các giáo phận trong cả nước.
Cả nước có 11 cơ sở giáo dục dạy nghề quy mô lớn do các tôn giáo thực hiện thì Công giáo có 10 cơ sở đã và đang dạy nghề, hướng nghiệp cho giới trẻ tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp và tệ nạn xã hội cho những người trong độ tuổi lao động. Ngoài những hoạt động trực tiếp, Giáo hội Công giáo còn đóng góp cho quỹ khuyến học, tặng xe đạp, trao học bổng và tặng nhiều phần quà cho học sinh giỏi, tiên tiến, học sinh nghèo vượt khó. Trong các dịp hè, nhiều giáo xứ, dòng tu tổ chức chiến dịch hè giúp các em học sinh có chỗ vui chơi giải trí, không vướng vào các tệ nạn xã hội. Với những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục trong những năm qua, người Công giáo đã phát huy truyền thống bác ái của giáo hội, nâng cao tinh thần hiếu học của dân tộc và hưởng ứng tích cực chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng, Nhà nước, chung tay góp sức cùng toàn xã hội nâng cao trình độ học vấn cho người có hoàn cảnh khó khăn.
Về lĩnh vực bảo trợ xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng: Phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ nhau của dân tộc Việt Nam, người Công giáo trong những năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực. Từ việc thành lập cơ sở bảo trợ cho trẻ em nghèo, người già neo đơn, khuyết tật, đến nạn nhân chất độc da cam, HIV-AIDS đến việc khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Điển hình là: Trung tâm Mai Hoa, cơ sở nuôi dưỡng và bảo vệ trẻ em khuyết tật Thiên Phước tại TPHCM, trường khuyết tật tình thương Mỹ Lâm và bệnh xá tình thương Tân Hiệp (Kiên Giang), trường khuyết tật Nhân ái (Tiền Giang), cơ sở nuôi dưỡng trẻ em suy dinh dưỡng Tà Nung Đà Lạt (Lâm Đồng), nhà nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần ở Gò Vấp. Nhiều phòng khám từ thiện đã trở thành quen thuộc với dân nghèo như: Phòng chẩn trị y học cổ truyền Phước Lập Đường thuộc dòng Mến Thánh giá Tân Lập, Phòng khám Đông Y của lương y Nguyễn Đức Thịnh ở Tân Hiệp, Kiên Giang đã chữa trị nhiều bệnh nhân nghèo; phòng khám Vạn Thành, Phú Sơn (Lâm Đồng); cơ sở y học cổ truyền thuộc dòng Thánh Giuse (Nha Trang - Khánh Hòa); phòng khám đa khoa Toà Giám mục Xã Đoài (Nghệ An)... thường xuyên tổ chức thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo không phân biệt tôn giáo. Những nơi chưa mở được phòng khám thì người Công giáo đã phối hợp với chính quyền địa phương như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ đến vùng sâu, vùng xa phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Bên cạnh đó những nồi cháo tình thương dành cho bệnh nhân nghèo của các dòng tu ở các bệnh viện đa khoa, như Việt Đức, K, Bệnh viện Bà mẹ trẻ em Trung ương đã góp phần giúp đỡ, chia sẻ tạo thêm niềm tin cho người dân trong quá trình điều trị bệnh.
Hoạt động xoá đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân được đông đảo người Công giáo khắp mọi nơi tham gia tích cực, với các hoạt động như: hoạt động cứu trợ thiên tai, xây dựng nhà tình thương, làm đường, làm cây nước sạch, làm cầu… Hoạt động trên đã và đang đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở khắp mọi nơi, khẳng định tinh thần đoàn kết, chung tay của người Công giáo và cộng đồng xã hội vì lợi ích của người dân, trong đó có tín đồ các tôn giáo.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và chính quyền các địa phương. Giáo hội đã chủ động hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ, cơ sở tôn giáo tổ chức các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo theo hình thức trực tuyến thông qua trang website và truyền thông của Giáo hội; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.
Tại TPHCM nơi tình hình dịch bệnh phức tạp và diễn biến khó lường nhất, Tổng giám mục đã ban hành nhiều văn thư như: Ngày 6/3/2020 ra Thông báo về dịch bệnh Covid-19; ngày 14/3 ra Thông báo tạm ngừng các lớp giáo lý trên địa bàn tổng giáo phận; Thông báo về việc theo dõi Thánh lễ trực tuyến; Ngày 19/3 Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid...
Ngày 28/3/2020, Tòa Giám mục Bùi Chu ban hành Thông báo, trong đó nêu cao trách nhiệm xã hội của Giáo hội: “Ngay tại Rôma và biết bao giáo phận trên toàn thế giới, các vị chủ chăn đã phải quyết định ngưng mọi Thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ có tập trung đông người. Trong sự hiệp thông với Giáo hoàng, với Giáo hội hoàn vũ, cùng với cộng đồng xã hội tại Việt Nam, chúng ta ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự sống của chúng ta và của mọi người”.
Ngày 30/3/2020, Tòa Giám mục giáo phận Xuân Lộc đã ra Thư Luân lưu về tình hình dịch bệnh và tuần Tam Nhật, trong đó có nội dung “Tôi thực sự lo ngại khi nghe nói có những nơi, cá nhân hoặc cộng đoàn, coi thường không áp dụng những hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19. Xin anh em hãy nghiêm túc tuân theo của giáo phận và của các cơ quan hữu trách dân sự để bảo đảm an toàn sức khỏe cho mình, cho gia đình và cho mọi người. Đồng thời đề nghị toàn thể giáo phận: cầu nguyện, hiệp thông, tham gia các thánh lễ trực tuyến; cải thiện đời sống: quyết tâm thay đổi những thói quen không tốt và chừa bỏ những “tình cảm không lành mạnh”, thực thi bác ái: quan tâm đến việc hòa giải trong gia đình và trợ giúp những gia đình gặp khó khăn, thất nghiệp”.
Tòa Tổng giám mục TP. Hồ Chí Minh ra văn thư gửi các linh mục trên địa bàn về việc giãn cách xã hội theo Thông báo ngày 31/5/2021 của UBND thành phố, văn thư nêu rõ “cần cử hành thánh lễ mỗi ngày, nhưng chỉ dâng lễ âm thầm một mình không có giáo dân tham dự”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của UBTƯ MTTQ Việt Nam, các vị lãnh đạo Giáo hội, nhiều giáo phận, giáo xứ, dòng tu đã có các hoạt động bác ái thiết thực, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Ngày 9/7/2021 HĐGM Việt Nam ra văn thư kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam hướng về tâm dịch với chủ đề “Thương lắm Sài Gòn ơi” quyên góp tiền, hiện vật góp phần cùng với chính quyền đẩy lùi đại dịch. Hưởng ứng tinh thần đoàn kết dân tộc, các tổ chức, cá nhân Công giáo bằng nhiều cách, nhiều đợt đã đóng góp lượng lớn kinh phí, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn.
Đơn cử các Tòa Giám mục giáo phận: Xuân Lộc ủng hộ 500 triệu đồng cho UBTƯ MTTQ Việt Nam và 500 triệu đồng cho MTTQ tỉnh Đồng Nai; Phan Thiết ủng hộ 50 triệu đồng; Vinh ủng hộ 3 tỷ đồng và 60 tấn lương thực, thực phẩm, rau quả cho TPHCM… Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam tổ chức chương trình “Trao nhau yêu thương” hỗ trợ 2.000 phiếu mua hàng nhu yếu phẩm (mỗi phiếu trị giá 100 nghìn đồng) cho người nghèo tại TPHCM.
Bên cạnh đó nhiều chức sắc đã ủng hộ tiền, hiện vật cho quỹ phòng chống dịch như: Giám mục Nguyễn Chu Trinh (Đồng Nai) ủng hộ 200 triệu đồng cho UBTƯ MTTQ Việt Nam và 200 triệu đồng cho MTTQ tỉnh; Linh mục Dương Hữu Tình cùng Ban hành giáo xứ Hải Dương ủng hộ 50 triệu đồng cho MTTQ tỉnh và đây cũng là giáo xứ đầu tiên áp dụng mô hình “ATM Gạo” miễn phí tại nhà thờ; Linh mục Nguyễn Đăng Điền (giáo phận Vinh) ủng hộ 15,2 triệu đồng …
Đặc biệt Văn phòng đặc trách tu sĩ giáo phận TP.HCM đã thành lập nhóm tu sĩ thiện nguyện để giúp đỡ các nhân viên y tế trong các bệnh viện. 181 tu sĩ đến hỗ trợ ở 3 bệnh viện trong TPHCM. Đến ngày 23/8/2021 có 87 tu sĩ hoàn thành nhiệm vụ về cách ly và giáo phận bổ sung tiếp 171 tu sĩ thiện nguyện đến nơi cần hỗ trợ. Giáo phận Xuân Lộc có 88 tu sĩ, 4 linh mục và 27 chủng sinh tình nguyện giúp đỡ các nhân viên y tế chống dịch trên địa bàn.
Có thể nói, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc được Giáo hội khai triển bằng những bước đi cơ bản từ khẳng định vị thế của Giáo hội và trách nhiệm của giáo dân đối với đất nước. Cùng với các thành phần trong xã hội đồng cảm, chia sẻ với người nghèo, người bất hạnh. Hội nhập, phát triển những giá trị đạo đức văn hoá của dân tộc với những giáo huấn hướng về Chân - Thiện - Mỹ của Phúc âm. Quá trình đó tuy lâu dài nhưng với sự vận dụng nhuần nhuyễn, tinh tế và nghiêm túc Giáo hội đã tạo cơ hội cho người Công giáo đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trong tinh thần đoàn kết, trách nhiệm. Chính những đóng góp của người Công giáo trong thời gian qua đã tạo nên một diện mạo mới của hình ảnh người Công giáo trong lòng dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay với vai trò và mái nhà chung của MTTQ Việt Nam, đồng bào Công giáo tiếp tục có nhiều điều kiện để phát huy những giá trị tích cực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Tinh thần đồng hành của người Công giáo Việt Nam tiếp tục được bồi bổ bởi Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tại buổi tiếp đoàn Giám mục Việt Nam đi Ad Limina năm 2009 và Sứ điệp gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam dịp khai mạc Năm Thánh 2010; Thư của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam được ban hành ngày 8/9/2023. Đấy chính là sự tiếp tục nối dài sợi chỉ đỏ của Thư chung 1980 khắc in tinh thần người Công giáo Việt Nam sống phúc âm trong
lòng dân tộc. Thư chung năm 1980 như là nền tảng, Huấn từ, Sứ điệp, Thư của các Giáo hoàng là sự bồi bổ, khích lệ đường hướng ấy và khẳng định đấy là một lựa chọn thích hợp nhất của Công giáo Việt Nam trong lòng dân tộc.