Sáng 23/6 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ công bố 3 kỷ lục Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings)
Sáng 23/6 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ công bố 3 kỷ lục Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietKings) trao 02 bằng xác lập kỷ lục Việt Nam cho linh mục Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi (quản xứ Lệ Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đề tài: “linh mục viết truyện ngụ ngôn nhiều nhất” và “Sách Trò chơi trí tuệ cao cấp” có nhiều chìa khóa mở mật mã nhất”. Và 01 cho Cựu chiến binh Trường Sa, giáo dân Trần Văn Xuất (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là tác giả “Mô hình cột chủ quyền biển đảo Trường Sa Đông bằng đá hoa cương lớn nhất trên đất liền”, dưới sự chứng kiến đông đảo của bà con giáo dân trong giáo phận Đà Nẵng và sự hiện diện của đại diện lãnh đạo ban ngành, đoàn thể các cấp của thành phố. Được biết trước đó, ngày 23/4/2013, cha Nguyễn Ngọc Phi cũng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao giấy chứng nhận xác lập kỷ lục người có cuốn "Truyện tình toàn chữ T có số lượng từ T nhiều nhất gần 9.000 từ”. Có thể nói Truyện tình toàn chữ T của cha Phi đã làm nổi bật lên sự phong phú, đa dạng và tính độc đáo của tiếng Việt mình mà không phải ngôn ngữ nào cũng có được. Và tính đến nay, cha Phêrô Maria là người đã xác lập 3 kỷ lục quốc gia.
Linh mục Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi (trái ảnh) - Người đã xác lập 3 kỷ lục quốc gia về sách
Trao đổi với ông Dương Duy Lâm Viên, Giám đốc điều hành VietKings cho biết cuốn sách “Trò chơi trí tuệ” là sách mật thư nhiều sự sáng tạo ở chỗ có rất nhiều chìa khóa để giải mã mật thư.
Riêng về tác phẩm truyện NGỤ NGÔN CHA PHI, tác giả chia sẻ: “Câu chuyện ngụ ngôn đầu tiên được viết từ khi tôi còn là một chủng sinh ở Đại chủng viện Xuân Bích Huế. Thật ra mới đầu chỉ là viết cho vui mà thôi. Câu chuyện đầu tiên bắt đầu thế này: Có một học trò giáo lý tặng một cái hồ gương trong đó có một con cá lý ngư màu vàng. Tôi quý con cá đó lắm và các thầy bạn cũng vẫn thường xuyên quây quần chung quanh cái hồ gương. Đôi lúc cũng khen ngợi khi ngắm nghía con cá lý ngư. Một hôm con cá nhảy ra khỏi hồ và bị chết. Tiếc con cá, thế là câu chuyện ngụ ngôn đầu tiên ra đời. Đưa cho một vài thầy bạn đọc xem chơi. Các bạn khen hay và khuyến khích viết tiếp. Thế là hết truyện này đến truyện khác ra đời. Viết một thời gian thế là nhiều truyện lên thôi. Truyện ngụ ngôn đã được đăng thường xuyên trên hai tờ báo: báo Người Công giáo Việt Nam và tạp chí Thánh nhạc Ngày nay”.
Đã hơn 17 năm với trên 300 truyện ngụ ngôn về nhiều lãnh vực khác nhau, với mong muốn góp một phần nhỏ giúp ích cho đời, cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi dùng những câu chuyện đã xảy ra hoặc đã cảm nghiệm, rồi sử dụng phương pháp nhân cách hóa để giáo dục một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và dễ thấm vào tâm tư, suy nghĩ của mọi người, nhất là của giới trẻ, từ đó có thể thay đổi hành vi và nhận thức cũng như nhân cách của người đọc lúc nào không hay.
Là người có một thời cùng sinh hoạt trong hướng đạo sinh, phong trào Đoàn thanh niên với cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi (lúc đó chưa là thầy) tôi cảm nhận được cha Phi là người năng nổ, nhiệt huyết luôn tìm tòi sáng tạo trên mọi lĩnh vực đặc biệt là âm nhạc, và trò chơi trí tuệ, cha rất quan tâm đến giới trẻ và công việc bác ái xã hội.
Được biết, quê hương cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi trên mảnh đất Quảng Phúc- Quảng Trạch- Quảng Bình trong những năm kháng chiến trước 1975 đầy bom đạn máu lữa giữa huyết mạch hai vĩ tuyến Nam Bắc. Đây cũng là xã có đến 98% dân số là giáo dân xã được mệnh danh của "Lũy thép bờ Bắc sông Gianh”, là xã Công giáo duy nhất cả nước có tập thể và hai giáo dân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi không những là nhà thơ mà còn là nhạc sỹ, hội viên Hội âm nhạc Hà Nội đã cho ra đời nhiều tác phẩm giá trị về đạo cũng như đời. Về nhạc Thánh ca và nhạc về tình yêu quê hương đất nước; điều tôi tâm đắc và ấn tượng nhất là bài hát cha sáng tác với tựa đề “Ngợi ca Anh hùng Trần Văn Phương” và bài về “Trường Sa- Việt Nam”.
Khi nghe tin người anh con dì ruột của mình đó là giáo dân Anh hùng Trần Văn Phương, đã hy sinh trong sự kiện hải chiến Trường sa năm 1988, dùng máu của mình tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Với một tình cảm mến phục, cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi đã cảm xúc da diết gửi tâm tình qua ca từ được cộng đồng xã hội trân trọng đón nhận: Xin kính chào lá cờ thân yêu/ Xin kính chào Tổ quốc oai hùng/ Xin kính chào mảnh đất quê hương thân yêu/ Người Anh hùng Trần Văn Phương trung kiên trên Trường Sa oai hùng, lấy máu hồng nguyện dâng quê hương đất nước yêu thương/ Ôi quê hương! Ôi Tổ quốc Việt Nam! Xin dâng về dòng máu thắm Việt Nam, máu anh đã đổ những lời anh vang vọng mãi giữa trời Việt Nam, Mãi mãi Trường Sa là Tổ quốc Việt Nam” và cha đã thốt lên “Bản nhạc là nhịp đập con tim tôi với Tổ quốc” thật là kính phục.
Xin chúc mừng cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi và có thêm 2 kỷ lục Việt Nam: Người viết truyện ngụ ngôn nhiều nhất và sách “Trò chơi trí tuệ cao cấp” có nhiều chìa khóa mở mật mã nhất cùng với Cựu chiến binh, kỷ lục gia Trần Văn Xuất “người sở hữu cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa lớn nhất trên đất liền.” Đó cũng là niềm vui, niềm tự hào không riêng gì cha Phêrô Maria Nguyễn Ngọc Phi và giới Công giáo giáo phận, mà còn là niềm vui, của nhân dân thành phố Đà Nẵng có hai công dân lập ba kỷ lục Việt Nam.
FX Nguyễn Đức Trinh