Gương điển hình

Chiếc vỏ chăn nghĩa tình của người anh hùng "Tiểu đội xe không kính"

Cập nhật lúc 21:46 25/04/2015
Với khát khao cháy bỏng bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ gìn nền độc lập, tự do dân tộc anh Giuse Đỗ Văn Chiến đã theo tiếng gọi của non sông, đất nước và lên đường nhập ngũ.
Trong cuộc trường chinh vĩ đại, với chiến công chói lọi của đất nước những năm chống Mỹ, giai đoạn 1965 - 1975.  Có biết bao thanh niên yêu nước đã lên đường tòng quân, đương đầu với cuộc kháng chiến gian khổ nhất và cũng giành được những thắng lợi hết sức vẻ vang. Nằm trong hàng ngũ những người thanh niên Công giáo yêu nước hồi đó, với khát khao cháy bỏng bảo vệ chủ quyền đất nước, giữ gìn nền độc lập, tự do dân tộc anh Giuse Đỗ Văn Chiến đã theo tiếng gọi của non sông, đất nước và lên đường nhập ngũ.

Anh hùng Đỗ Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) trong lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Hành trình của người thanh niên Công giáo yêu nước
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo giàu truyền thống yêu nước tại giáo họ thánh Giuse, thuộc giáo xứ Liên Phú (Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định). Trong những năm kháng chiến, gia đình ông đã có công nuôi giấu cán bộ. Nghe theo lời kêu gọi của Đảng và  Bác Hồ, nhất là truyền thống cách mạng của gia đình “Có giặc thì thanh niên phải ra đi để chiến đấu và giành chiến thắng cho dân tộc”, tháng 9/1966 ông lên đường nhập ngũ ở tuổi 20 khi vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng sắp đến ngày ở cữ. Ông được đào tạo ở trường lái xe 3 tháng và sau đó nhận nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 101, Binh đoàn 559, sang nước bạn Lào vận chuyển quân lương vào chiến trường miền Nam,trọng điểm máu lửa Xeng Phan (tỉnh Khăm Muộn), điểm yết hầu vận chuyển quân lương của bộ đội Trường Sơn, gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng người chiến sỹ Đỗ Văn Chiến đã nhiều lần dũng cảm cứu cả đoàn xe chở hàng hóa, quân lương, đạn dược… thoát khỏi đạn bom địch, dội xối xả vào quân ta lúc đó. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng sáng tác cho nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông viết bài thơ “Tiểu đội xe không kính” cũng chính là Tiểu đoàn “Đại bàng xanh” 559 lúc bấy giờ.
Ông chia sẻ: 5 lần bị thương mà có lần bay hết cả xe gạo, cháy mất 7 xe, lúc đó tôi đi thứ 6, thứ 7, khi ấy bom từ trường phá những con suối nước ngầm, những điểm công phá được cắm cờ trắng. Vừa mới qua rằm, đêm trăng 17, 18 mùa khô nên trăng sáng lắm, thấy ai cũng chần chừ nên tôi lẳng lặng tiến lên trước, không gọi cả lái phụ, khi ấy còn 3 điểm cắm cờ trắng, đi hết lá cờ trắng thứ hai chưa thấy gì, đến cái thứ 3 vừa mới đi qua thì bom từ trường phát nổ, mặt mũi tối tăm không còn biết gì, 3 ngày sau thấy công binh đưa về đơn vị tôi lại nhận xe khác để chạy, do lái tốt nên đi đâu cũng được điều đi đầu tiên, lần này chở đường ống xăng dầu, khi đi qua đoạn cua tay áo, vừa đi qua thì máy bay địch ném bom tọa độ, lần này lại bất tỉnh, hai lần mất xe “mất một xe cả xe cả gạo; mất một xe cả xe cả ống” do sức ép từ vụ nổ nên bị đau tức ngực, nằm ở nhà điều trị mất mấy ngày, nhưng cũng chỉ có ngày thứ nhất, ngày thứ hai lại nhận xe và đi, phải đi để biết “hôm nay địch đánh kiểu gì, trọng điểm ở đâu”. Người chiến sỹ trẻ nhiều lần được báo chí trong và ngoài nước ngợi ca chiến công, liên tục trong 1000 ngày đêm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao tới 300%, khi chỉ tiêu đơn vị chỉ vận tải 3 đêm/ chuyến thì ông vận chuyển 3 đêm/ 3 chuyến.
Sau 3 năm kể từ ngày ông làm chiến sỹ lái xe, ngày 22/12/1969 ông được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tiểu đoàn của ông được mệnh danh là “Tiểu đoàn Đại bàng xanh” dũng mãnh trong bão lửa ở Xeng Phan.

Chiếc vỏ chăn nghĩa tình
Sắp tới kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, ông xúc động nhớ lại cũng ngày này của 10 năm trước, khi Binh đoàn ông đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cầm trên tay tấm ảnh mà mắt ông ngấn lệ, lau vội giọt nước mắt, ông nghẹn ngào một lúc rồi kể tôi nghe về câu chuyện “chiếc vỏ chăn” một kỷ vật có thể nói là vô giá đối với ông.
Đó là một đêm vào mùa khô năm 1967, sau chuyến hành quân dài ngày, vượt qua nhiều trọng điểm bắn phá của máy bay địch, chúng tôi đã đưa hàng đến địa điểm tập kết an toàn, anh em ai cũng mệt nên chúng tôi tiến hành giấu xe và tìm chỗ ăn sáng, nghỉ ngơi lấy sức cho đêm tiếp theo, đang loay hoay mắc võng thì tôi nghe tiếng của Đại đội trưởng Trần Kim Bồng gọi “Chiến ơi! Chờ anh một lát” rồi anh kéo tôi vào sâu trong hang và nói “anh biết chỗ này tốt lắm, cao ráo, không có vắt có muỗi, lại yên tĩnh nữa, chỉ nghe tiếng chim hót thôi” vừa đi anh vừa hỏi “em có sợ ma không” tôi cười phá lên “em cha sinh mẹ đẻ, từ thuở mò cua bắt ốc chưa biết sợ ma bao giờ” lúc đấy chỉ có cái tăng võng và cái ni lông để che mưa, anh Bồng trải tăng võng ra ngủ và hỏi tôi “Chiến không có chăn à” tôi vờ như không nghe thấy thì anh lại vỗ vai hỏi “chăn của chú đâu? Máy bay bắn phá, đơn vị cháy mấy lần, đơn vị bổ sung rồi cơ mà?” lúc đấy, tôi quay sang phía anh và trả lời “Đơn vị bổ sung nhưng chưa đủ, còn thiếu ít cái nữa, em nhường cho anh em rồi em lấy sau”thế rồi anh không nói gì nữa mà kéo chăn đắp cho tôi.
Nghỉ ngơi đến khoảng 4 giờ chiều, sau khi ăn cơm chiều, ngụy trang xe, đổ xăng dầu để chuẩn bị cho hành trình về lấy hàng, Đại đội trưởng Trần Kim Bồng lại chỗ xe tôi và nói “Tăng võng, chăn màn anh mang cả ra đây rồi, Chiến không phải lên nữa, anh cho cái vỏ chăn để trong ba lô, giữ lấy mà dùng để chiến đấu lâu dài” lúc đấy xúc động quá, không biết phải cảm ơn anh như thế nào thì anh cầm tay tôi và trấn an ngay “yên tâm, anh sắp được trang bị mới hoàn toàn rồi” chưa hiểu hết lời anh nói nhưng cái giọng Quảng Ngãi ngọt ngào đã làm tôi an tâm, kể từ đó tôi rất trân trọng và đi đâu cũng mang theo chiếc chăn ấy, trong lòng lúc nào cũng ghi nhớ tình cảm của một người thủ trưởng như vậy.
Từ người chiến sỹ lái xe, đến tháng 4/1972 chiến dịch giải phóng Quảng Trị đang diễn ra khốc liệt, lúc bấy giờ tôi lên làm cán bộ tiểu đoàn cấp phó, chỉ huy một tiểu đoàn xe, khoảng 30 cái chở đạn pháo 130mm vào yểm trợ cho các trận địa pháo của binh trạm 14 từ Khe Sanh, Lao Bảo đi vào yểm trợ cho chiến dịch Quảng Trị, khi đó trên xe có bao nhiêu đạn thì bắn vào thành cổ Quảng Trị, yểm hộ cho bộ binh của mình trong ấy bấy nhiêu. Trong đội hình có thêm 3 đồng chí tổ đài 15W đi theo phối hợp, khi địch bắn toạ độ vào thì trúng ngay xe ấy, 3 chiến sỹ hy sinh. Trưa ngày hôm sau, tôi và một số anh em, thu gom thi thể của 3 liệt sỹ, báo cho binh trạm 14 đi mai táng. Do bom nổ quần áo của 3 liệt sĩ không còn, trong khi chờ đơn vị tại chỗ đến, tôi liền lấy chiếc chăn của mình che kín thi thể liệt sĩ, sau khi bàn giao hồ sơ, làm công tác tử sỹ cho 3 liệt sỹ, anh em bảo tôi chôn chiếc chăn theo, nhưng tôi lẳng lặng mang ra suối giặt, nghĩ bụng rằng chiếc chăn này do thủ trưởng tặng và còn đắp cho anh em.
Khoảng 1 giờ trưa, xe chuẩn bị về, tôi gấp gọn chiếc chăn cho vào ba lô, đêm hôm đấy tôi đắp và thấy ngủ ngon hơn, cảm nhận rõ rằng đồng đội luôn bên mình, ủng hộ, che chắn đạn bom cho mình những ngày chiến trường ác liệt.
Hòa bình lặp lại, ông vẫn giữ chiếc chăn bên mình mà không kể cho vợ, con nghe về câu chuyện hồi đó, mãi cho tới năm 2012 có một cuộc hiến tặng kỷ vật, ông mới tặng lại cho Bảo tàng Hậu cần, ông tâm sự thêm với tôi: “khi đó có rất nhiều kỷ vật như áo giáp, mũ sắt… nhưng tất cả cũng không thể sâu sắc như chiếc chăn ấy, lúc nào nghĩ đến tôi cũng ứa nước mắt, nghĩ rằng mình sống được đến bây giờ, sống khỏe mạnh là đều nhờ có nó, chiếc chăn ấy vừa là của chung, vừa là của riêng nhưng chứa đựng trong đó là tình đồng đội”.
10 năm cuối cùng đầy hy sinh, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” những người lính của “Tiểu đội xe không kính” ngày ấy, đã có mặt tại mọi chiến trường đánh Mỹ ở miền Nam và cả nước bạn Lào, Campuchia với tinh thần quả cảm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”đây vừa là thành quả đáng tự hào vừa là nguồn tư liệu lịch sử xác thực, khơi dậy nên lý tưởng của hàng triệu thanh niên sẵn sàng đóng góp công sức vì một Việt Nam giàu đẹp sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Đỗ Thị Hoa
Thông tin khác:
Toà Giám mục Xã Đoài chúc mừng huyện Can Lộc nhân dịp Tế Ất Mùi (15/02/2015)
Một giáo dân tiêu biểu trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (27/01/2015)
Gia đình Công giáo gương mẫu thực thi tân Phúc Âm hóa gia đình (13/01/2015)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thăm và chúc mừng Giáng sinh Ủy ban ĐKCG Việt Nam (24/12/2014)
Đại hội Đại biểu người Công giáo TP Cần Thơ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI (12/12/2014)
Em muốn mang tình Chúa đến với người bất hạnh (11/12/2014)
Vào Nam học những điều hay (11/08/2014)
Báo Người Công giáo Việt Nam kỷ niệm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (17/07/2014)
Báo Người Công giáo Việt Nam đồng hành trong các phong trào yêu nước (01/07/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log