Đối với ông Gioakim Trần Đình Thông, đây là một điều hết sức bình thường mà bất cứ người con nào cũng có thể làm cho mẹ mình để giữ trọn chữ hiếu. Thế nhưng, khi nghe những chia sẻ về công việc hằng ngày của người giáo dân này, bất cứ ai cũng sẽ trân quý thái độ phục vụ tận tuỵ, xuất phát từ tấm lòng yêu thương mà ông đã dành cho mẹ ruột và mẹ vợ của mình.
Khi săn sóc hai mẹ già, người đang ông nơi xứ Thới Hòa luôn đặt cả tấm lòng, sựu yêu thương tận tụy vào từng công việc |
Trước đây, khi còn ở Sài Gòn, chỉ có cụ nội ở cùng với vợ chồng ông. Khi ông cụ ngoại mất, bà cụ ngoại được đưa về chung với gia đình để tiện chăm sóc. Nhận thấy đất Sài Gòn ồn ào, không khí lại ô nhiễm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của hai người mẹ, vợ chồng mới bàn nhau dọn nhà về Bình Dương sống. Vợ ông Thông, bà Maria Nguyễn Thị Mỹ Hằng công tác ở bệnh viện. Tính chất công việc buộc bà không thể túc trực ở nhà, ngay cả vào ban đêm bởi thường xuyên vướng ca trực. Vậy nên việc chăm lo cho hai mẹ, một cụ ngồi xe lăn, cụ còn lại không còn đi được, hoàn toàn do ông đảm nhiệm. Một ngày của người tín hữu đã ngoài 50 này bắt đầu từ sáng sớm với việc đi chợ mua thức ăn, đưa vợ đi làm rồi tranh thủ trở về nhà cho hai bà mẹ ăn sáng. Guồng quay quen thuộc lại mở ra với những công việc như giúp hai người ăn uống, ngủ nghỉ… Mọi sinh hoạt đều diễn ra đúng giờ giấc, bởi theo ông, cố gắng giữ điều độ như vậy sẽ giúp sức khỏe các cụ tiến triển tốt. Khi tôi có dịp đến thăm gia đình, ấn tượng đầu tiên là không gian sinh hoạt sạch sẽ, dù để giữ được điều này có lẽ không dễ dàng đối với một gia đình có người bệnh lớn tuổi. Ông Thông giải thích: “Mình ráng kỹ lưỡng khi giúp hai cụ, nhất là việc vệ sinh, canh khi nào đi xong là phải thay, rửa liền. Chớ người già cả sức khỏe đã không tốt, sống trong bầu không khí, không gian không sạch thì tội lắm, bệnh có khi nặng thêm”.
Cả nhà thường xuyên có những buổi đọc kinh chung |
Cũng đã có tuổi, sức khỏe nhiều khi thất thường nhưng người đàn ông trung niên nơi xứ Thới Hòa này vẫn đảm bảo chu toàn được vô số việc không tên ở nhà. Đêm đêm, mỗi khi hai cụ ho hay cần đi vệ sinh ông đều có mặt lập tức, bởi thế mà giấc ngủ thường không tròn. Có lúc mẹ trở bệnh đột ngột, vợ lại đang đi trực, ông cuống quýt kêu taxi để đưa ngay bà cụ đến bệnh viện trong nỗi lo lắng. Rồi từng miếng ăn, viên thuốc…, người con luôn để ý chăm chút kỹ càng cho mẹ. Ông lấy việc gần gũi, lo lắng cho hai người mẹ làm niềm vui cho cuộc sống. Nhớ lại những tình huống mẹ vợ làm dấu giữa chừng rồi quên, mẹ ruột mới ăn xong lại nói chưa ăn…, ông Thông bật cười: “Người già bị lẫn vậy mà có nét dễ thương riêng”.
Cứ tất bật suốt như vậy nên bà con trong khu xóm hiếm khi nào thấy ông Thông đi đâu. Vì vậy mà bạn bè hay xứ đạo thường đến nhà ông, chia sẻ những niềm vui góp nhặt được trong cuộc sống. Họ cũng hay đem câu chuyện về người bạn của mình, như một tấm gương, để kể lại cho nhiều người khác nghe. Riêng bà Hằng thì nói về chồng mình với niềm hạnh phúc không giấu được trong đôi mắt: “Ông ấy được cái chu đáo lắm, lại thương hai bà. Nhờ vậy, mỗi khi đi làm tôi cũng yên tâm hơn!”.
TRẦN CHÂN
cgvdt.vn