Gương điển hình

Người giáo dân đam mê bảo vệ môi trường

Cập nhật lúc 07:28 16/04/2022
Giáo dân Trần Văn Kiều đến với công việc xử lý rác xuất phát từ đam mê bảo vệ môi trường. Anh hy vọng đam mê ấy sẽ lan tỏa trong cộng đồng để ngày càng có nhiều hành động thiết thực hưởng ứng Thông điệp Laudato si của Đức Thánh Cha và Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”.
Năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa) thăm mô hình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường của giáo dân Trần Văn Kiều (thứ hai từ phải qua trái)
Năm 2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (đứng giữa) thăm mô hình xử lý rác thải, bảo vệ môi trường của giáo dân Trần Văn Kiều (thứ hai từ phải qua trái)
 
Sinh ra và lớn lên ở giáo xứ Kiên Lao (xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), nơi có làng nghề cơ khí truyền thống, giáo dân Gioan Baotixita Trần Văn Kiều phấn khởi được chứng kiến sự phát triển của quê hương. Nhưng anh cũng không khỏi trăn trở trước thực trạng rác thải ngày một nhiều mà chưa có giải pháp xử lý triệt để. Vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, kỹ sư trẻ Trần Văn Kiều đã trở về quê lập nghiệp bằng nghề cơ khí với những sản phẩm phục vụ ngành nông nghiệp.

Trong quá trình làm nghề, anh không quên tìm tỏi, nghiên cứu cách xử lý rác phù hợp với địa bàn quê nhà. Từ đam mê sáng tạo, đã chế tạo thành công lò đốt rác thải sinh hoạt vận hành bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân, tự sinh năng lượng (Losiho). Ưu điểm của công nghệ này là sau khi lò đã hoạt động sẽ không phải dùng nhiên liệu như xăng dầu hay điện để sấy rác, đốt rác. Với nhiệt độ cao duy trì từ 650 - 1.000 độ C, rác sẽ được đốt triệt để, các hỗn hợp Hydrocacbon phân hủy triệt để, giảm nồng độ khí thải độc hại ra môi trường, các mùi hôi thối của rác được loại trừ. Bên cạnh đó, khí thải được lọc qua nhiều lớp, đảm bảo đạt tiêu chuẩn khi ra môi trường. Theo kết quả lấy mẫu phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định, Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường), khí phát thải từ lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho đảm bảo các chỉ tiêu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Lò đốt rác thải sinh hoạt Losiho được cấp Bằng độc quyền sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ.

Sản phẩm lò đốt rác tự nhiệt phân, tự sinh nhiệt của kỹ sư Trần Văn Kiều tiết kiệm được chi phí vận hành, phù hợp với quy mô xử lý rác thải trên phạm vi cấp xã, nhà máy, hay khu du lịch, nhất là trong thực hiện tiêu chí môi trường khi xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tại huyện Hải Hậu (Nam Định), một trong những huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới) đã có hàng chục xã, thị trấn sử dụng lò đốt rác do kỹ sư Trần Văn Kiều chế tạo. Ngay tại xã Xuân Tiến một xã đông người Công giáo của huyện Xuân Trường, Nam Định, quê hương anh Kiều, trước kia, rác thu gom về bãi mà chưa biết xử lý thế nào nên dồn ứ thành đống lớn, gây ô nhiễm. Nếu chở đi nơi khác thuê xử lý thì rất tốn kém, không có nguồn kinh phí. Anh Trần Văn Kiều đã giải bài toán khó này bằng cách dùng chính lò đốt rác do mình chế tạo để xử lý. Hiện anh vẫn đang tiếp tục công việc xử lý rác thải trên địa bàn toàn xã, góp phần bảo vệ môi trường.

Từ thành công trên, anh Kiều được chính quyền xã Xuân Tiến tin tưởng giao bãi rác tồn đọng, ngập ngụa cả chục năm nay để xử lý. Anh bắt tay xây tường bao xung quanh bãi rác rồi đưa hệ thống lò đốt rác Losiho công suất lớn đến tiêu hủy. Với các hố chôn rác, anh dùng hóa chất, vôi bội xử lý sau đó bơm cát, lấp đất tạo nền trồng thảm cỏ, mua cây xanh, hoa về trồng, kiến thiết khuôn viên khang trang, biến bãi rác ô nhiễm thành một công viện xanh- sạch- đẹp. Người dân địa phương gọi đó là công viên bãi rác.

Chia sẻ về những nỗ lực của mình, giáo dân Trần Văn Kiều cho biết: Chẳng mấy ai muốn gắn bó với rác, vậy mà mình đã có duyên với nó cả chục năm nay, mình đến với rác xuất phát từ đam mê bảo vệ môi trường để góp phần nhỏ bé làm cho quê hương, xứ đạo thêm khang trang, sạch đẹp. “Những việc mình và các cộng sự làm tuy còn rất nhỏ, kết quả còn rất khiêm tốn, nhưng đó là tất cả tấm lòng và đam mê mà chúng tôi mong muốn gửi gắm vào cuộc sống này. Hy vọng rằng đam mê ấy sẽ lan tỏa trong cộng đồng, để chúng ta cùng nhau góp phần bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sự sống và sức khỏe của chính mình, đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thông điệp Laudato Si về “chăm sóc ngôi nhà chung” và Chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, anh Kiều nói.

Với những nỗ lực và sáng tạo trong bảo vệ môi trường, anh Trần Văn Kiều vinh dự là một trong những tài năng trẻ được Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương. Mô hình bảo vệ môi trường của anh được Thủ tướng Chính phủ về thăm, tặng Băng khen; được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của, Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Huy chương Vàng “Đổi mới - Sáng tạo”, Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn trao giải “Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam”. Năm 2015, anh Trần Văn Kiều được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Anh Kiều cũng là một trong những giáo dân tiêu biểu tại hội nghị Toàn quốc biểu dương người tốt- việc tốt trong đồng bào Công giáo lần thứ IV.

BÙI AN
 
Thông tin khác:
Giám đốc trẻ dám nghĩ, dám làm (15/04/2022)
12 sinh viên loan báo Tin Mừng trong lễ Phục Sinh ở Venezuela (13/04/2022)
ĐTC nhìn nhận phép lạ nhờ lời chuyển cầu của một chân phước giáo dân (12/04/2022)
THÁNH ISIĐÔRÔ, Giám mục và tiến sĩ Hội Thánh (08/04/2022)
Nhà thơ Công giáo nổi tiếng Hàn Mặc Tử (07/04/2022)
Học sinh xuất sắc, năng động trong các phong trào (05/04/2022)
Hai nhà thơ danh nhân văn hóa thế giới (26/03/2022)
Gương sáng về bác sĩ trẻ (25/03/2022)
Sơ Małgorzata, "Mẹ Têrêsa người Ba Lan", dấn thân vì người tị nạn Ucraina (21/03/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log