Nghệ nhân Diệp Minh Tài nghiên cứu các tài liệu Hán cổ. Ảnh: Cẩm Vân |
Ở tuổi “bát tuần”, ông Diệp Minh Tài, dân tộc Sán Dìu (xóm Tam Thái, xã Hòa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), đã có gần 20 năm tự nguyện… “săn tìm” những cuốn sách cổ chép lời bài hát Sọong cô bằng chữ Hán cổ, một loại hình văn hóa dân gian của dân tộc Sán Dìu, rồi cặm cụi nghiên cứu dịch sang lời Sán Dìu và lời Việt, những mong lưu giữ, phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình, góp phần làm phong phú, đầy đặn kho tàng văn hóa Việt Nam.
Tìm hiểu việc làm ý nghĩa, sâu sắc của ông Diệp Minh Tài, được gọi là “Nhà sưu tầm - dịch thuật” không chuyên như một duyên nợ với di sản văn hóa dân gian truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Sán Dìu, có nguy cơ mai một, thất truyền. Mới hay, hành trình của ông Tài- người giữ hồn di sản văn hóa dân tộc Sán Dìu như là chuyện… cổ tích. Ông Tài, xuất thân trong gia đình nông dân. Ngay từ thưở nằm nôi, đã được cha, mẹ thường hát ru bằng những câu hát Sọong cô. Đến khi chập chững tập đi và bi bô học nói, ông đã được người thân dạy hát đồng giao. Có lẽ vậy, tâm hồn thi sỹ trong ông Tài sớm được hình thành, như một cơ duyên. Với chất giọng ấm, đằm thắm, mỗi khi ông Tài cất tiếng hát,làm nhiều bạn “đồng nghiệp” phải mê say. Ở tuổi 16, ông đã được các đàn anh của làng đưa đi hát giao duyên với các làng có người Sán Dìu sinh sống, để lại sự mến mộ trong lòng người nghe. Không chỉ hát hay ông còn rất sáng dạ; được gia đình sớm cho đi học và theo học chữ Hán ở một thầy tào (thầy cúng) giỏi, những mong sau này được cấp sắc theo phong tục của người Sán Dìu.
Ông Tài lên đường tòng quân và được vào Nam chiến đấu. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông trở về quê với thương tật 4/4. Năm 1982 do sức khỏe hạn chế, ông được nhà nước cho nghỉ chế độ mất sức. Những tưởng năm tháng có nhiều biến đổi đối với cuộc đời đã làm cho ông quên đi câu hát Sọong cô thưở nào. Song, nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Tỵ -2001, con trai của ông Tài là anh Diệp Chương Dương học viên trường sỹ quan lục quân I được nghỉ về đón xuân cùng gia đình, có mang theo chiếc máy vi tính xách tay, đã hướng dẫn cho ông cách sử dụng và truy cập internet. Ông rất thích và hồ hởi… “học việc”, sau đó, sử dụng khá tốt. Có, “vũ khí” trong tay, ông Tài “tác nghiệp” say sưa mỗi khi vào mạng tìm hiểu về phong tục tập quán của chính dân tộc mình. Nhất là những làn điệu Sọong cô; giao duyên; tong bênh (tòng quân); đồng giao; hát ru… đã thôi thúc trong ông một quyết định đi kiếm tìm và khôi phục lại nét đẹp văn hóa của những câu hát Sọong cô đang dần bị thất truyền. Kể từ đó, ông bắt đầu với những chuyến đi tìm lại những câu hát hồn cốt văn hóa của dân tộc Sán Dìu ẩn khuất trong các làng, bản sứ Thái.
Bà Trương Thị Loan, vợ ông Tài kể: “với chiếc xe đạp, chồng tôi rời khỏi nhà từ sáng sớm. Có hôm ngồi đợi cơm đến khuya mới thấy ông ấy lọc cọc đạp xe về. Nhiều lần như vậy, vợ chồng tôi “giao kèo”: Cơm đến bữa thì ăn; tối đến giờ thì ngủ không phải chờ “được đà”ông ấy đi vài ba ngày. Thậm chí cả tuần lễ mới về nhà. Giận lắm,nhưng thương nhiều hơn. Ông ấy chẳng quản thân già, nắng mưa,nhọc nhằn,một mình lóc cóc đạp xe đi khắp nẻo đường, đến vùng có người Sán Dìu sinh sống, trong khi chẳng có giấy tờ của nhà nước giới thiệu, thuận lợi thì không sao lỡ gặp chuyện xấu thì khổ. Vẫn biết ông ấy làm việc tốt, nhưng vẫn lo”. Ông Diệp Minh Tài thì bộc bạch: “biết tôi đi tìm bảo vật của dân tộc mình, mỗi lần “suất quân”, vợ tôi lại “dúi” thêm ít tiền đi đường hoặc gói quà để khi tôi đến gia đình có người già hay trẻ nhỏ…” Nói về những chuyến đi “tìm báu vật giữa biển đời” ông Tài bảo:kể cũng “liều” vì chẳng có gì đảm bảo cho mình là đang đi làm việc tốt. Những lần lang thang đến vùng người Sán Dìu, lân la làm quen,trò chuyện tìm hiểu về đời sống, tinh thần văn hóa của người dân nơi đây. Khi có cơ hội tốt sẽ hỏi thẳng người đang tiếp xúc có lưu giữ hay biết người lưu giữ sách chữ Hán cổ, chép câu hát Sọong cô không? nhiều lần đi không về không. Bởi những người lưu giữ báu vật đó sống “quy ẩn” họ rất cẩn trọng, cảnh giác với… “bọn buôn đồ cổ” nên sẵn sàng từ chối tiết lộ mọi thông tin.
Với sự kiên trì và tấm lòng chân thành, ông Tài đã hòa mình vào những nơi có người già biết hát Sọong cô rồi cùng “nảy” hát Sọong cô hoặc hát đối với họ về cảnh vật thiên nhiên, tình yêu con người… Sau đó, lòng tin được tạo dựng ông Tài nói rõ với người lưu giữ sách chữ Hán cổ có chép câu hát Sọong cô, về nguyện vọng của mình, muốn sưu tầm,sao chép lại để lưu truyền cho hậu thế một báu vật văn hóa độc đáo của người Sán Dìu từng tồn tại ngàn đời nay. Hiểu ra ý nghĩa việc làm của ông, những người lưu giữ sách quý đó đều vui vẻ cho ông mượn mang về sao chép hoặc cho người… “áp tải” đưa ông đi photocopy… cứ như vậy ngày qua ngày ông Tài lặng lẽ kiếm tìm được nhiều cuốn sách cổ quý hiếm, có chép hơn một 1000 bài hát Sọong cô và nhiều nội dung đậm nét… “sử thi”, như việc cúng tế ở đình làng; ở gia tiên; cúng mụ cho trẻ em; cúng cấp sắc của người Sán Dìu; tư liệu về vùng đất,con người ở địa phương… Toàn bộ những bài hát Sọong cô bằng chữ Hán cổ sau khi được sưu tầm, ông Tài đã kiên trì nghiên cứu tìm cách dịch ra tiếng Sán Dìu và tiếng Việt, với tinh thần sát nghĩa, có vần điệu hay, nhưng không bị sai lệch văn bản gốc. Năm 2015, ông đã dịch được hơn 300 bài, và gửi về Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch tỉnh Thái Nguyên). Sau đó, hát Sọong cô của người Sán Dìu huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đồng thời Nhà nước phong tặng ông Diệp Minh Tài danh hiệu. Nghệ nhân ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Giờ đây, dù tuổi đã cao, nghệ nhân Diệp Minh Tài vẫn như con tằm rút ruột nhả tơ, tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, tìm ý, chọn từ để chắt lọc biên dịch những tinh hoa trong các bài hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu, chép thành sách, ngỏ hầu lưu truyền cho hậu thế.