Ông Micae Nguyễn Đức Vượng bên các sản phẩm của mình. Ảnh: Mạnh Cường |
Hơn 40 năm gắn với xưởng mộc, lại là một người Công giáo có lẽ việc tự tay mình làm tòa thánh, một thứ thiêng liêng, đặt trang trọng trên gian cung thánh ở mỗi thánh đường, là một vinh dự, cũng là một niềm vui bất tận với ông…
Ông Micae Nguyễn Đức Vượng, sinh năm 1963, bắt đầu học nghề và làm thợ mộc từ năm 18 tuổi, gắn bó với tiếng máy cưa, máy bào, tiếng búa đóng đinh vào gỗ… với biết bao là buồn vui, thăng trầm. Nhưng người con giáo họ An Lộc, thuộc giáo xứ Quần Phương, giáo hạt Quần Phương, giáo phận Bùi Chu (xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) vẫn cảm thấy công việc này có ý nghĩa thiêng liêng, rất riêng đối với mình.
Mỗi một người đều có một ơn gọi riêng với công việc mình đang làm, riêng với ông Vượng, ông đã quá quen thuộc với những khó khăn khi lãnh nhận công việc này.
Sau những năm tháng vừa học, vừa làm nghề, năm 1992 ông Vượng bắt đầu chuyển hướng làm đồ thờ, không chỉ chuyên làm bàn thờ cho nhà thờ, làm kiệu rước kiệu mỗi dịp lễ lớn, ông còn làm đồ thờ cho các đền, chùa, và đồ thờ cúng trong các gia đình…
Giáo phận Bùi Chu có rất nhiều người làm nghề thợ mộc, nhưng ở giáo họ An Lộc thì chỉ có mình gia đình ông Vượng làm tòa thánh Công giáo, xưởng mộc của ông ngày một phát triển, vợ và các con ông, mỗi người đều tham gia một khâu để phụ giúp, công việc ngày một thuận lợi, ông còn tạo công ăn việc làm cho 5-6 lao động ở địa phương, với mức lương của một thợ chính, thợ giỏi là 300.000 đồng/ ngày, vừa vẽ mộc, vừa thay ông điều khiển công việc, thợ phụ thu nhập 250.000 đồng/ ngày, và những thanh niên học việc, cũng được trả lương 170.000 đồng/ ngày, công việc tương đối ổn định, vậy nên với mức thu nhập này cũng đủ để những người công nhân mộc, chi trả cuộc sống hàng ngày và chăm sóc con cái.
Đối với bản thân ông Vượng, có lẽ nghề mộc đến với ông như một “mối duyên tiền định” mặc dù làm nghề lao động chân tay khá vất vả, thế nhưng ông vẫn giữ cho mình một phong thái vui tươi, lạc quan, và đặc biệt là niềm say mê với nghề. Kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm khi làm nghề, ông đặc biệt nhắc đến việc được tự tay mình, làm những tòa thánh cho những ngôi thánh đường, với bao tâm huyết, điều này đặc biệt thiêng liêng với một người Công giáo như ông.
Đi đến đâu làm, ông đều được yêu mến, và mọi người đặc biệt quý trọng tài hoa của người thợ mộc lành nghề này. Vậy nên, các vị linh mục và ban hành giáo ở những giáo xứ ông đã từng làm đều rất hài lòng và lại giới thiệu ông đến những giáo xứ khác. Giáo xứ Quần Hào (Yên Bái), và một số giáo xứ ở Nghệ An, Hà Tĩnh… nghe tiếng ông Vượng cũng về đây đặt ông làm.
Ông tự tay lên khung cho tất cả các công đoạn: “Tôi đứng chính, phụ trách kỹ thuật, và vạch vẽ ra cho thợ, ngày xưa tôi vẽ tay hoàn toàn, mãi đến năm 2007, con tôi về phụ giúp khâu thiết kế và vẽ 3D, và đến năm 1999 – 2007 có một anh thợ cứng kết hợp cùng tôi để vẽ” Ông vượng chia sẻ.
Khâu đầu tiên là chọn gỗ, sau đó đánh giấy ráp để cho gỗ mịn, tiếp đến là vẽ hình, xẻ gỗ, phá và đục tạo hình, đục đẽo, Chạm khắc, tỉa, giũa.., sản phẩm làm thủ công bằng tay hoàn toàn, chứ không đục bằng máy, ở khâu này đòi hỏi người làm nghề phải có bàn tay tài hoa, có sự khéo léo tỉ mỉ trong từng chi tiết. Sau đó đến bước khò gỗ và đánh giấy ráp. Hay còn goị là mài bóng đánh nhãn; khâu cuối cùng là sơn thiếc, khâu này sẽ trải qua 12 lớp sơn khác nhau, những lớp sơn được người thợ sơn kỹ lưỡng từng lớp và canh thời gian chuẩn để gối lớp sơn tiếp theo, riêng công đoạn sơn, phải mất đến 1-2 tháng thì mới sơn xong 1 sản phẩm.
Làm nghề với cái tâm của mình, một tác phẩm thực sự đẹp và có giá trị, theo ông phải là tác phẩm được làm thủ công và người thợ không chỉ cần có tài thật sự mà còn phải mang cái tâm của mình đặt vào tác phẩm, xem nó như những đứa con tinh thần của mình; những nét chạm trổ làm sao cho sinh động cần đến tài nghệ và sự cảm nhận của từng nghệ nhân mà vẽ ra và mỗi tác phẩm đều có nét riêng. Những tác phẩm như thế có giá trị cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm được sản xuất đại trà bằng máy “nghìn cái như một”.
Ông Vượng mang theo đam mê về những thứ được tạo ra từ gỗ, tạo ra những sản phẩm bằng gỗ từ đôi tay điêu luyện của mình, chứ không hề dùng đến máy móc hiện đại, những món đồ thủ công do ông tạo ra, luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ngày nay, ở các xưởng mộc đều có máy móc, thiết bị hỗ trợ, nhưng với ông Vượng, tất cả những món đồ gỗ được đóng thành hình, đều in dấu tay của người thợ mộc, những bộ đồ nghề đơn giản như: đục, cưa, bào…, với đôi tay người thợ mộc làm thủ công vẫn tài hoa, khéo léo và cho ra đời những sản phẩm tinh tế, khác hẳn với làm mộc hiện đại với sự can thiệp của máy móc.
Tay nghề người thợ mộc nằm ở sự tinh xảo qua từng sản phẩm làm ra.Sự tinh xảo đó được đánh giá qua giá trị từng sản phẩm khách đặt hàng, chứ không phải làm ra sản phẩm hàng loạt, đồng dạng và giá thành giống nhau. Thiếu đi sự tinh xảo của đôi tay, hàng mộc thủ công sẽ lụi tàn trước sự cạnh tranh của mộc gia dụng với máy móc hỗ trợ.
Máy móc ngày càng giúp ích cho người thợ mộc làm ra những sản phẩm tinh xảo hơn, đồng đều hơn, nhiều hàng hơn so với thời làm mộc thủ công. Tuy nhiên, nếu thiếu đi đôi tay tài hoa, khối óc sáng tạo và sự say mê nghề của người thợ, sản phẩm gỗ sẽ đi vào lối mòn, rập khuôn, đơn điệu.
Người thợ mộc giỏi nghề, là người luôn bắt kịp với từng mẫu mã mới theo nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, họ phải đóng và sửa được tất cả các đồ gỗ… cổ xưa với những nét tinh xảo như cha ông đã đóng nó cách đây hàng chục năm.
Công đoạn sơn thiếc mất tới vài tháng để hoàn thiện, với 12 lớp sơn, người thợ vừa làm, vừa chờ khô từng mảng, khi đã hoàn thiện thì đưa vào lắp ráp, khâu lắp ráp cũng cho chúng ta thấy sư cầu kỳ của những tòa thánh, những người thợ phải mất tới 7-10 ngày để hoàn thiện khâu cuối cùng là lắp ráp sản phẩm.
Tiếng máy cưa, đục, bào… cũng chính là tiếng thôi thúc người thợ chạy đua với từng sản phẩm để kịp giao cho khách hàng. Nơi xưởng gỗ đầy bụi, những người thợ mộc phải gồng mình với khối gỗ to để cho ra những sản phẩm ưng ý và kịp chuyển đến tay khách hàng. Với những người “nghệ nhân” làm mộc, việc làm nghề không chỉ đơn thuần là một công việc để kiếm sống mà họ còn tìm được niềm vui, tình yêu, gắn bó với nó và đặc biệt hơn nữa khi nó mang những giá trị về tinh thần, về tâm linh sâu sắc đối với họ…