Gương điển hình

Những cộng đoàn Công giáo tốt lành, thánh thiện

Cập nhật lúc 14:48 06/11/2023
Ủy ban ĐKCG Việt Nam Thành phố Hà Nội phát động phong trào thi đua yêu nước với hai mô hình: “Xứ họ đạo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; “Các xứ họ đạo bảo vệ an ninh trật tự từ năm 2018”. Đến năm 2023 đã tròn 5 năm. Cho nên cần khảo sát, kiểm tra thực tế để thấy thực trạng của phong trào nhằm rút ra bài học kinh nghiệm để nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác. 
Bà con Công giáo huyện Phú Xuyên tích cực hưởng ứng mô hình “Xứ họ đạo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Bà con Công giáo huyện Phú Xuyên tích cực hưởng ứng mô hình “Xứ họ đạo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Sau thành công của Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 của Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam, Ủy ban ĐKCG Việt Nam Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch, lập đoàn kiểm tra giám sát một số quận, huyện thị. Thành phần đoàn ngoài Ban Thường trực của Ủy ban ĐKCG Việt Nam Thành phố, còn có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Tôn giáo Thành phố, Ban Dân vận Thành ủy, Công an Thành phố Hà Nội. Hầu hêt các cơ sở được kiểm tra, giám sát đều chuẩn bị tốt từ địa điểm tổ chức hội nghị, mời các đại biểu địa phương tham dự, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo khá tốt và chu đáo. Điều đáng mừng nhất là đi đến đâu, đoàn cũng nhận được những lời khen ngợi về đời sống đạo tốt lành, thánh thiện của người Công giáo cư trú trên địa bàn.
Địa phương đầu tiên đoàn đến là xứ Hoàng Nguyên huyện Phú Xuyên. Huyện Phú Xuyên là nơi có hơn 30.000 giáo dân với 14 xứ, 31 họ giáo, trong đó có 11 xứ, họ toàn tòng. Hoàng Nguyên là xứ đạo toàn tòng có tới hơn 5.400 giáo dân. Nơi đây cũng có nhiều lò mổ trâu bò cung cấp thực phẩm cho Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc nên hết sức ô nhiễm, nhiều rác. Con đường 428 dài khoảng 2km ngập rác và xương trâu bò. Năm 2018, Thành phố Hà Nội chọn Hoàng Nguyên là nơi phát động phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau lễ phát động, linh mục Giuse Đào Bá Thuyết- chính xứ Hoàng Nguyên đã dẫn đầu đoàn đại biểu và giáo dân ra dọn rác hai bên đường 428, trồng cây, trồng hoa, dọn kênh mương thoát nước. Bây giờ sau hơn 5 năm, hàng cây ở đây đã xanh tốt. Hoa hai bên đường rất đẹp. Những nhà dân ven đường chịu trách nhiệm vệ sinh trước nhà. Giáo xứ có 9 tổ thu gom rác ở 9 xóm đạo hàng ngày.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên nói: 9 xóm đạo ở Hoàng Nguyên là những cộng đoàn Công giáo tốt lành, thánh thiện. 5 năm nay, ông làm Chủ tịch không nhận được bất kỳ lá đơn kiến nghị gì. Làng không có vụ án hình sự, không có tệ nạn xã hội. 5 năm nay, người dân Hoàng Nguyên không phải khoá cửa khi đi ngủ. Theo dõi an ninh từ bên ngoài có nhiều camera ở đường giao thông, các xóm. Dân có nhiều việc làm, thu nhập cao. Bình quân 80 triệu đồng/người/năm. Nên cũng dễ huy động sức dân. Trong mấy năm qua, giáo dân đóng góp chừng 50 tỷ xây dựng các cơ sở tôn giáo như Đại chủng viện Hoàng Nguyên, Trung tâm mục vụ giáo xứ. Dân cũng tự nguyện đóng góp cả tỷ đồng khôi phục hai giếng nước cổ xưa của làng và xây hai cổng của làng. 
Đến xóm Thượng Hiền (giáo xứ Hà Hồi, Thường Tín), chúng tôi được nghe tại đây đã thành lập 16 tổ bảo vệ môi trường nên đường đi rất sạch sẽ. Đoàn ghé thăm đền cha thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi khá đẹp ở trong xóm. Bà con đang có nguyện vọng nâng nền đền thánh lên vì đường cao hơn cả vài chục cm, cứ mưa là đền thánh bị ngập. Tiền có người ủng hộ cả tỷ rồi.
 
Đoàn ghé thăm Đền cha thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi (giáo xứ Hà Hồi).
Đoàn ghé thăm Đền cha thánh Giuse Nguyễn Đình Nghi (giáo xứ Hà Hồi).
Tại thôn Miêng Thượng (giáo xứ Sơn Miêng, Ứng Hòa), bà con giáo dân đã duy trì vệ sinh thôn xóm đều đặn vào thứ bảy hàng tuần. Bây giờ dân không đốt rơm rạ nữa mà dùng làm phân hữu cơ, không gây ô nhiễm nữa. Đường thôn trồng cây xanh đẹp, cống rãnh được nạo vét không còn tù đọng như trước. Giáo xứ Sơn Miêng tổ chức cho thiếu nhi vẽ tranh cổ động về bảo vệ môi trường với hơn 200 em tham gia. Cha xứ Phêrô Bùi Ngọc Tuấn và Hội đồng Mục vụ có chấm điểm và trao nhiều giải cho cuộc thi. Thu nhập của người dân lên cao tới 86 triệu đồng/người/năm; an ninh, trật tự tốt. Địa phương đang phấn đấu đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ ước mong sao có nước sạch để dân sử dụng. 
Về thôn Đa Ngư (xứ Cao Sơn, Thanh Oai), đoàn thấy đường có nhiều bức họa mới rất đẹp. Hóa ra, các bức họa này không chỉ làm đẹp đường làng mà còn góp phần giải tỏa các chân rác lâu nay. Vì tường đẹp, người dân cũng không dám vứt rác ở đấy nữa. Giáo họ đã giải tỏa được đống rác ở cầu Đa Ngư, sông Đáy lưu cữu cả chục năm nay. Ven bờ sông Đáy, bà con kè sông, đặt 30 thùng rác, đặt nhiều chậu cây cảnh rất đẹp. Giáo họ đang hoàn thiện ngôi nhà thờ trị giá cả chục tỷ đồng. Mức sống người dân khá cao nhưng không có tệ nạn xã hội. Tổ hòa giải lập ra ba năm nay không có việc làm. Có những giáo dân như ông Nguyễn Văn Cường đã ủng hộ cộng đồng cả trăm triệu đồng đợt dịch Covid-19. 
 
Về thôn Đa Ngư (xứ Cao Sơn, Thanh Oai).
Về thôn Đa Ngư (xứ Cao Sơn, Thanh Oai).
Giáo xứ Trại Vàng (Quốc Oai) lại có mô hình kép: Họ giáo xanh-sạch-đẹp- Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự. Xã có hồ sơ lưu trữ rất tốt từ khi phong trào được phát động, ký kết. Lãnh đạo huyện Quốc Oai, xã Đông Yên đều khẳng định giáo dân ở Trại Vàng rất tốt. Xứ không có trọng án, không tệ nạn xã hội. Xứ lập 10 nhóm Bảo vệ môi trường, mỗi nhóm do một vị trong Ban hành giáo lãnh đạo. Giáo xứ lập quỹ khuyến học, mỗi người góp 100 ngàn đồng/năm, quỹ bác ái cũng thế để giúp cho các em nghèo học giỏi hay các trường hợp khó khăn. Ông Tạ Đình Quý - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ cho biết, xứ có 40 gia đình Công giáo hiến 6.000 m2 đất mở đường làng. Riêng ông xây nhà luyện tập thể thao trị giá 200 triệu đồng để thanh thiếu niên có chỗ chơi. Giáo xứ biết nhìn xa khi lên kế hoạch xây nhà quàn tro cốt vì đến năm 2025, nghĩa trang không còn đất hung táng nữa. Đoàn và lãnh đạo địa phương vào thăm cha Giuse Nguyễn Văn Úy. Cha mong sao, chính quyền quan tâm cho giáo xứ được xây nhà vệ sinh công cộng cho cả ngàn người đi lễ hàng tuần. 
Đến xứ Bến Đông (Đông Anh), đi dọc đường thấy đang thi công cống thoát nước. Chỗ nào cũng uốn sắt, trộn bê tông. Ông Nguyễn Xuân Bích - Trưởng ban ĐKCG huyện Đông Anh cho biết: Chính quyền ở đây rất quan tâm đến Công giáo. Năm 2010, chính quyền hỗ trợ cả tỷ đồng xây nhà giáo lý họ Mai Châu. Năm 2018 lại hỗ trợ hơn chục tỷ đồng xây nhà thờ Bến Đông và nhà mục vụ giáo xứ. Đường làng có hơn 200 thùng rác. Các ngõ đều có camera vừa giữ an ninh vừa bảo vệ môi trường. Đường bây giờ bê tông rồi, không có đất trồng cây nhưng sẽ có chậu cây cảnh. Phấn đấu nhà có hoa, đường có hoa đẹp.
 
Tham quan nhà thờ xứ Sơn Đông.
Tham quan nhà thờ xứ Sơn Đông.
Làm việc tại thị xã Sơn Tây, tôi được Ban tổ chức mời tham quan nhà thờ xứ Sơn Đông. Ông Bùi Bá Thắng - Trưởng ban ĐKCG Sơn Tây cho biết người dân ở đây cũng hiến đất mở con đường dài 2km ra đường 21 rộng từ 3-4m thành 5-7m. Giáo xứ cũng đã làm được 300m2 tranh tường. Dự kiến còn làm 200 m2 nữa. Cách đây 5 năm, Sơn Đông có 50 hộ nghèo. Bây giờ không còn hộ nào.
Người Công giáo bây giờ không còn giữ đạo trong khuôn viên nhà thờ mà sống đạo giữa đời thường. Thật trân quý biết bao.
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
“Sống xanh” để bảo vệ môi trường (24/10/2023)
Điểm sáng giáo xứ Tân Quy (16/10/2023)
Từ Giồng Lớn đến Bãi Xan (09/10/2023)
Vị linh mục của Nhân Hòa (18/09/2023)
Chất lượng cuộc sống nâng cao qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước (18/09/2023)
Lớp học 'gieo con chữ, gặt tình thương' (11/09/2023)
Nhiệm vụ phong trào Công giáo do Đại hội Công giáo Toàn quốc lần thứ II đề ra đã mang lại hiệu quả tích cực (11/09/2023)
Công giáo nơi cộng đồng người H’Mông (08/09/2023)
Kết quả phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trong phát triển kinh tế - xã hội khẳng định vị thế UBĐKCGVN (08/09/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log