Chúng tôi ấn tượng khi tiếp chuyện với ông cố Phạm Nhân Đơn (Gx Trung Chánh, TGP.TPHCM), bởi dù đã ngót nghét 80 tuổi nhưng trông ông vẫn rất rắn rỏi. Ông chỉ tay về khung ảnh treo ở góc tường rồi tươi cười giới thiệu con trai là linh mục Giuse Phạm Quang Minh, hiện coi sóc xứ K’Long, GP. Đà Lạt. Ông cố bảo cha Minh chính là hồng phúc Chúa ban cho gia đình, tuy nhà đông con nhưng chỉ một mình cha Giuse chọn con đường dâng hiến. Chí hướng đi tu phục vụ Chúa đã sớm nảy nở từ khi vị linh mục còn nhỏ và được hun đúc qua những buổi giúp lễ ở nhà thờ, cộng với sự động viên, khích lệ của gia đình: “Chúng tôi làm gương cho con qua cách sống đạo đức hằng ngày, không chỉ trong gia đình mà cả những việc ở giáo xứ và luôn kề vai sát cánh trong mọi hoàn cảnh để Minh yên tâm tu học”. Ngay từ lớp 6, lớp 7, cha Minh đã sinh hoạt ở dòng Don Bosco và luôn được ông cố nhắc nhở đi tu không phải để kiếm quyền thế, mà để hiến thân phục vụ tha nhân, làm sáng danh Chúa.
Thời trai tráng, ông cố là nhiếp ảnh gia, tiệm ảnh Thăng Long của gia đình khá nổi tiếng vào cuối những năm 1950. Nhà cách giáo xứ Trung Chánh chẳng bao xa, ông chứng kiến biết bao thăng trầm của giáo xứ khi mới là một ngôi nhà tranh vách lá đơn sơ đến ngôi thánh đường kiên cố như bây giờ. Thuở bé ông cố hay theo cha của mình đến nhà thờ xem cụ làm việc, tình yêu với việc nhà đạo ngấm vào mình lúc nào không hay. Năm 1990, ông tham gia vào HĐMVGX, một năm thì làm chủ tịch. Thời cha chánh xứ Antôn Phạm Gia Thuấn được bầu làm hạt trưởng Hóc Môn, ngài đề nghị ông làm chủ tịch HĐMV của giáo hạt Hóc Môn (địa bàn quận 12 với 6 giáo xứ và huyện Hóc Môn 13 giáo xứ).
Thập niên 1990, cùng với cha quản hạt Antôn, ông cố đã trình bày với chính quyền địa phương nguyện vọng của giáo dân Cầu Lớn muốn dựng một nhà nguyện vách lá đơn sơ để làm nơi dâng lễ, cầu kinh. Mong muốn của giáo dân đã được đáp ứng. Điểm truyền giáo Cầu Lớn những ngày đầu thành lập được các tu sĩ dòng Don Bosco phụ trách.
Ông cố Đơn (X) trong một chuyến đi tham quan, giao lưu với các tổ chức tôn giáo huyện Hóc Môn |
Khi còn là chủ tịch HĐMVGX Trung Chánh, năm 1999, nhận thấy số lượng giáo dân giáo khu Mỹ Hòa phát triển nhanh chóng, được sự đồng ý của cha chánh xứ cùng với sự hỗ trợ từ giáo xứ mẹ, ông nhận nhiệm vụ đứng ra lo lắng, đôn đốc việc lập nhà nguyện. Tất cả mọi việc từ xây dựng, quyên góp, vận động chính quyền địa phương đều một tay ông cố lo liệu. Từ đó, giáo khu Mỹ Hòa được xem là một họ lẻ của xứ mẹ, mang tên giáo họ Thánh Giuse Mỹ Hòa. Tuy là họ lẻ nhưng nhà thờ khá khang trang, đáp ứng được nhu cầu của khoảng 1.200 giáo dân, bên cạnh đó còn có nhà giáo lý, nhà sinh hoạt tươm tất. Vừa qua giáo họ đã được nâng lên hàng giáo xứ.
Luôn lấy công việc phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân làm niềm vui, ông cố luôn là cộng sự đắc lực của cha Thuấn trong những công việc bác ái xã hội. Dù lên miền cao như Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai… hay xuống miền Tây, ông đều không nề hà, nhiệt tình hỗ trợ cha xứ trao quà bánh cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa và xây dựng cầu cho những gia đình khốn khó. Khu nghĩa trang của giáo xứ đẹp đẽ như ngày hôm nay cũng có phần góp ý tưởng của ông cố.
Giờ đây khi bước vào tuổi nghỉ hưu, nhìn lại quãng thời gian phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, đối với ông cố là chuỗi ngày hạnh phúc nhất bởi ông luôn cảm thấy sự bình an trong tâm hồn.
NHƯỢC NAM
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc