Cưu mang
Tại ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm đường Trần Văn Ðang (Q3, TPHCM), có một người mẹ tuổi đã 80 vẫn cưu mang cô con gái ngoài 50 mắc chứng chậm phát triển. Dù đã lớn tuổi, cô vẫn cứ ngây ngô như một đứa trẻ và được mọi người gọi là “Bé Xù”. Hằng ngày, bà mẹ già vẫn đi lượm ve chai, bán bánh mì để lo cho người con tội nghiệp. Bé Xù chỉ ú ớ khi muốn “nói” một điều gì. Chuyện cơm nước tắm táp đều do mẹ chăm sóc. Suốt bao năm chăm con, bà chưa hề than phiền hay la mắng chỉ bởi một suy nghĩ “đứa con tật nguyền thương còn không hết lấy đâu mà ghét bỏ”...
Con gái ông Khưu Văn Tài tận tụy chăm sóc cha - ảnh: Ngọc Hà |
Trường hợp của bà Trần Thị Vân, 64 tuổi (Thủ Ðức, TPHCM) thì lại đang chăm sóc cô em gái Trần Thị Hương, 57 tuổi. Cô bị dị tật hai bàn tay từ nhỏ, dù nhận thức được mọi vật chung quanh song cũng chỉ biết ú ớ. “Mẹ tôi có 10 người con. Hương là con út nên mẹ đã dạy chúng tôi từ bé là phải biết yêu thương em vì em “lãnh” hết những bất hạnh của các anh chị trong nhà. Tôi có nhiệm vụ chăm sóc Hương và các anh chị hằng tháng phụ giúp trang trải tiền ăn uống, quà bánh, bệnh hoạn tuổi già của Hương”, bà Vân kể. Dù ba mẹ không còn, nhưng cô Vân vẫn sống ổn trong căn nhà của chị gái mình vì được các anh chị cùng đùm bọc.
Từ đường lộ đi sâu vào ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TPHCM) có nhà ông Khưu Văn Tài, 56 tuổi. Hai mươi năm trước, ông bị tai nạn lao động đứt hết bốn ngón tay của bàn tay trái, sau đó lại bị tai biến khiến tay phải và hai chân bị liệt. Người vợ cùng ba cô con gái đã tận tụy chăm sóc chồng và cha. Ngoài giờ đi làm và đi học, cả ba người con của ông Tài đều giúp ông tắm rửa, thay đồ và đút cho cha ăn từng muỗng cơm. Tất cả đã khiến người cha vượt qua nỗi đau và mặc cảm phế nhân. Mọi người trong nhà đều hiểu ông Tài từng làm việc nặng nhọc hy sinh cho gia đình. Và hôm nay các con trả hiếu cho cha cũng là điều dễ hiểu và đáng làm.
Giúp người thân tự vươn lên
Sinh năm 1960, ông Võ Văn Rạng (Q3, TPHCM) từng bị sốt bại liệt từ năm 2 tuổi, những tưởng không còn hy vọng để có thể có cuộc sống tự lập. Ông vẫn được đi học, ôm ấp giấc mộng làm nghề giáo, song vì khuyết tật nên không vào được trường sư phạm. May sao, ông học được nghề đóng sách và tồn tại đến ngày hôm nay. Vào hẻm 152 đường Lý Chính Thắng, hỏi người thợ đóng sách, không ai là không biết. Hằng tháng, ông vẫn đủ thu nhập để phụ tiền điện nước, ăn uống với anh chị. “Người thân không đòi hỏi nhưng tôi có thu nhập ổn nên muốn phụ vào chi tiêu hằng tháng với anh chị. Như vậy tôi sống thanh thản và nhận ra mình vẫn còn có ích cho gia đình và xã hội”, ông tâm sự.
Hai mẹ con chị "Bé Xù" - ảnh: Ngọc Hà |
Cũng ngụ ở quận 3, chị Phạm Như Mai, 45 tuổi bị bại liệt từ nhỏ. Ðược cha mẹ cho đi học đến biết đọc, biết viết và tính toán căn bản; rồi gia đình mở tiệm tạp hóa, tạo điều kiện cho chị ngồi thu tiền, mỗi tháng được trả lương ba triệu rưỡi. Chị đóng lại tiền ăn, tiền điện nước phụ người nhà và dư khoảng một triệu đồng tiêu xài riêng. Với người phụ nữ này, gia đình đã giúp chị sống vừa có ích cho người thân, vừa có tiền để làm từ thiện. Hằng năm, chị vẫn góp vài triệu đồng cho các tổ chức thiện nguyện của giáo xứ đến giúp các học sinh vùng sâu, vùng xa hoặc vùng bão lũ miền Trung. Ðiều này cũng làm chị cảm thấy rất hạnh phúc và vui sống.
Còn cô bạn trẻ Nguyễn Thị Xuân, 24 tuổi (Q5, TPHCM) lại bị dị tật chân thấp chân cao bẩm sinh. Từ nhỏ, ba mẹ Xuân đã nhận ra thiệt thòi của con và giúp cô vượt qua những mặc cảm đó. Xuân hồi tưởng lại khi bắt đầu mang giày với những bước đi vững vàng, ba mẹ đã đặt tiệm giày cho mình những đôi giày đế chênh để cô giữ thăng bằng; rồi tập cho cô tự tắm, tự làm tất cả dù lúc nhỏ Xuân chỉ muốn nương theo khuyết tật của mình mà vòi vĩnh, ỷ lại. “Tôi nhớ hoài câu ba nói phải tập đứng bằng đôi chân thẳng chứ đừng xiêu vẹo, dù thực tế đôi chân tôi như vậy. Ba còn khám phá tôi có năng khiếu về đàn nên chở tôi đi học mỗi chiều sau giờ làm việc. Dần dần, tôi quên hẳn mình là một người khuyết tật và hòa nhập với mọi người”, cô gái trải lòng.
Nhiều người vốn năng động, rồi vì tai nạn mất đi bàn tay, bàn chân, giờ phải bó gối hay thu hẹp mình trong bốn bức tường, với họ thật tù túng và ảm đạm. Lúc này, điểm tựa gia đình thật có ý nghĩa lớn lao. Như chuyện của anh Ðào Minh Ngọc, 42 tuổi (Bình Thạnh, TPHCM), bị tai nạn lao động mất một chân năm 20 tuổi. Anh được gia đình cho học nghề sửa đồng hồ, điện nhà, mộc… Sau đó, người đàn ông này đã sửa đồng hồ để kiếm sống như một công việc chính, còn nhà nào cần đóng lại một chân bàn, sửa cánh cửa tủ hay mắc lại hệ thống điện…, anh cũng làm tốt, như một nghề phụ. Nghề nghiệp trưởng thành theo tuổi đời, mặc cảm tàn tật vơi đi lúc nào anh không rõ.
Ngoài những người con ưu tú, khôn ngoan, xinh đẹp…, dưới nhiều mái nhà vẫn còn đó những người kém may mắn. Họ sẽ đi về đâu nếu thiếu hơi ấm của gia đình?
NGUYỄN NGỌC HÀ