Gương điển hình

Vị linh mục của người nghèo

Cập nhật lúc 15:33 04/04/2018
Cha Đaminh Nguyễn Đức Trung.
Cha Đaminh Nguyễn Đức Trung.
“Xin vĩnh biệt mọi người    
Tôi ra đi lần cuối
Không bao giờ gặp lại.
Hẹn nhau trong Nước Trời...”  

Tôi vừa đăng lại bài viết “Như Hạc hoài hương”, đoạn cuối có trích lời bài Thánh ca “xin để lại anh em” của linh mục Thiện Cẩm, nhân kỷ niệm 4 năm cha từ giã cuộc đời về với Chúa chiều tối ngày 14/2/2018 (ngày 29 Tết ), trên facebook xong thì nhận được điện thoại Chung gọi, vỏn vẹn báo tin “ Cha Trung vừa bị tai biến đang trên đường đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy”. Thật bàng hoàng.

Cha Đaminh Nguyễn Đức Trung với tôi, cũng như với anh em viết báo Công giáo  lúc đó như Chung, Trản, Hai Viên... thật thân thiết từ những ngày ở Củ Chi. Cha thụ phong linh mục năm 2002 khi đó đã 41 tuổi (sinh năm 1961 tại Saigon), không phải tại nhà thờ chính tòa Sài Gòn hay Phú Cường như thường diễn ra lễ Truyền chức thời điểm đó, mà là tại giáo xứ Tân Thông, một giáo xứ nghèo thuộc một huyện nghèo của thành phố Hồ Chí Minh do Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục giáo phận Phú Cường đặt tay. Lễ truyền chức diễn ra đơn sơ nhưng lại đông đảo quý cha, tu sĩ cả hai giáo phận Sài Gòn và Phú Cường và giáo dân các giáo xứ trong huyện. Sở dĩ như vậy vì trước khi thụ phong linh mục, cha đã là một “Thầy già” giúp mục vụ cho Nông Trường Lô 6,  nơi được Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn chọn là nơi lao động, tĩnh tâm cho các linh mục, tu sĩ những năm sau 1975. Vùng đất chưa hề có bóng dáng cây Thánh giá, chưa từng nghe tiếng chuông nhà thờ. Sau này có lần cha nhớ lại: “Chúng tôi xây dựng nhà cửa, cải tạo vùng đất cứng như đá, trồng trúc lấy nguyên liệu làm mành, trồng sắn, khoai, đậu phụng, các loại nấm làm lương thực, chăn nuôi... Tối đến lân la làm quen với dân địa phương để học người nông dân kỹ thuật trồng tỉa, nuôi gà, heo, bò.  Đổi lại là tham gia công tác dạy cho trẻ chữ nghĩa, xóa mù chữ cho người lớn theo chương trình của địa phương. Dần dà người dân quanh vùng thân thiện, cảm mến. Bà con giáo dân từ các xã nghe tin có nông trường của giới Công giáo cũng tụ về quanh đấy. Một số bà con trong nội thành đi kinh tế mới được chia đất làm nhà, canh tác, sản xuất nên dân cư đông dần lên. Một nhà nguyện nhỏ hình thành phục vụ cho các đợt tĩnh tâm và sau này đã thành một giáo điểm cho giáo dân trong vùng, có thánh lễ vào ngày Chúa nhật. Nhiều người xin học đạo và đón nhận phép Thanh Tẩy vì nhìn vào gương sống của các linh mục, tu sĩ nông trường cùng  mối quan hệ thân tình, sống khó nghèo chia sẻ với giáo dân, với bà con lương dân...”. Năm 2017, giáo điểm được nâng lên thành giáo xứ do cha Nguyễn Văn Khi phụ trách.

Sau ngày thụ phong, tháng 11/ 2002, cha Trung được cử về làm phó xứ Bắc Hà, huyện Củ Chi. Giáo xứ Bắc Hà một giáo xứ đa số người gốc Hà Nội di cư hình thành từ năm 1954 với khoảng gần 2000 giáo dân. Tháng 11/2004. Giáo xứ mở Năm Thánh kỷ niệm 50 năm ngày thành lập cũng là khởi công xây dựng lại ngôi thánh đường đã quá rệu rã, ọp ẹp. Cùng với cha Nguyễn Đình Hòe, chánh xứ, cha được giao nhiệm vụ  đi vận động mọi tín hữu xa gần góp phần xây dựng mới ngôi nhà thờ cũ trước đó, có một kiến trúc độc đáo mang tên “nhà thờ vỏ đạn “do cha già Antôn Trần Văn Phán xây dựng, với tháp chuông là 1700 vỏ đạn đại bác phế liệu. Ý tưởng “Biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”, hai cha và giáo dân đã xây dựng ngôi nhà thờ bản sắc Á Đông, theo tâm tình của người tín hữu và đồng bào địa phương. Trả lời phỏng vấn báo CGvDT cha Trung bộc bạch: “Ngày hôm nay, chúng tôi phải đi theo giáo dân, nghĩa là không thể áp đặt lên giáo dân những chương trình sinh hoạt mà mình mong muốn...” còn cha sở, ngài tâm tình: “Anh em linh mục chúng tôi và giáo dân Bắc Hà đều có cuộc sống gần gũi mọi người qua những cử chỉ thân thương để mong rằng mình sẽ gửi đến được điều gì đó cho mọi người, cho nhau...” (xem CGvDT số 1484). Một thái độ sống yêu thương, cùng đồng tâm nhìn một hướng của cha sở, cha phó như thế đã lan tỏa đến người giáo dân, chả thế mà chỉ vỏn vẹn 02 năm, ngôi nhà thờ đã được khánh thành  (đầu năm 2007). Ông Tân, một cựu thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ nhớ lại những ngày tháng cha Trung đội nón lá, quần xắn cao, mồ hôi nhễ nhại trên công trường xây dựng nhà Chúa, cùng giáo dân những ngày ấy mà thốt lên với tôi: “Cha luôn ở bên chúng tôi, cùng lao động, cùng vất vả với nhau, thương cha quá”.

Năm 2008, cha Trung được bài sai về làm chánh xứ tiên khởi giáo xứ Tân Thạnh Đông, một họ đạo có bề dày truyền thống, có nhà nguyện  bằng lá từ năm 1962. Năm 1966 xây dựng lại với mái tôn, tường gạch. Giáo xứ trải dài trên 12 ấp thuộc hai xã Bình Mỹ và Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Cha qui tụ giáo dân sống tản mác cách nhà thờ trên chục cây số, thành lập Hội đồng giáo xứ, khai mở các đoàn thể tông đồ. Một xứ đạo với sức sống mới được nhiều giáo xứ, đoàn thể đàn anh trong giáo phận, trong thành phố hỗ trợ. Từ lúc đầu chỉ khoảng 600 giáo dân sau đã lên đến trên 1000 nhân danh. Tân Thạnh Đông đã phấn khởi sánh vai với các xứ đạo đàn  anh như:  Tân Thông, Sơn Lộc, Củ Chi, Bắc Hà trong hạt Củ Chi. Ông Giuse Nguyễn Trọng Sang, Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ nhớ về cha xứ cũ của mình hồi ấy: “Ngoài niềm vui thêm đông người trong mái nhà chung, giáo xứ cũng thêm trách nhiệm  trong việc chăm sóc về đức tin, trong liên đới trách nhiệm cổ vũ việc sống đạo”. Cũng năm này, cha được tín nhiệm là Trưởng ban Đoàn kết Công giáo huyện Củ Chi. Tháng 9/2008 trong Đại hội UBĐKCG/ TP. HCM, cha được suy cử là ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố. Cha có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết giữa các giới đồng bào trên vùng đất “Đất thép Thành đồng”.

Sau khi giáo xứ Tân Thạnh Đông đã ổn định và đang phát triển ngày một sống động, phong phú về đời sống đạo. Tháng 7/2013, như một người chiến sĩ của Đức Kitô trên đường chinh phục các linh hồn, cha Trung được lệnh lên đường, từ giã thành phố Hồ Chí Minh đến giáo xứ Bến Sắn thuộc miền đất Đông Nam Bộ. Một giáo xứ có tuổi đời trên 160 năm nhưng sức sống vẫn còn tươi trẻ. Những năm gần đây với sự phát triển kinh tế, nằm bên cạnh thành phố mới Bình Dương, lượng di dân từ các tỉnh đổ về khiến giáo xứ ngày càng phải đáp ứng nhu cầu mục vụ cho mọi thành phần. Nơi đây còn có các cơ sở bác ái xã hội, các dòng tu như Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Dòng Cát Minh, đặc biệt trại phong Bến Sắn (Dòng Thánh Vinh Sơn). Khi về nhận nhiệm vụ, kế thừa truyền thống đạo đức của giáo xứ và từ các bậc tiền nhiệm, cha Trung đã kết hợp với các dòng tu, trại Phong để nâng cao đời sống đạo cho người giáo dân, nhất là số anh chị em công nhân trẻ di dân trong tình hình mới, chăm sóc đoàn thiếu nhi, phát triển mục vụ gia đình. Cha chú trọng đến đặc điểm tập quán của các vùng miền, địa phương trong công tác mục vụ, sắp xếp giờ kinh lễ thích hợp để người giáo dân có điều kiện sinh hoạt phụng vụ, đạo đức. Khích lệ các hoạt động bác ái xã hội, từ thiện của các đoàn thể, các giới. Đặc biệt cha coi trọng công tác truyền thông, coi truyền thông là một phương tiện không thể thiếu để loan báo Tin Mừng, thông tin về các sinh hoạt của Giáo hội, giáo phận, giáo xứ. Bến Sắn có trang Web riêng, có tài khoản Facebook. Bản thân cha cũng tham gia vào các trang mạng xã hội để tiếp nhận thông tin, cập nhật kiến thức hầu nắm bắt tâm tư, ý kiến của người giáo dân, tín hữu xa gần. Từng là cộng tác viên trang “Sống Lời Chúa” và cuộc sống báo CGvDT, cha viết các bài suy niệm Tin Mừng với lối văn gần gũi, giản dị, dễ hiểu giúp người tín hữu sống đạo giữa đời. Cha  còn dành thời gian soạn các lời nguyện tín hữu các thánh lễ Chúa nhật liên tục 3 năm A,B,C đăng trên các Đặc san Giáng sinh báo CGvDT, để mọi cá nhân, gia đình, xứ đạo sử dụng trong các ngày Chúa nhật trong năm. 

Trong vai trò người mục tử luôn sống gần gũi đoàn chiên, mang vào mình mùi chiên, đi cùng với đoàn chiên với tâm tình của Đức Kitô. Chặng đường ấy mới vừa tiếp tục được 5 năm thì đến lúc cha phải dừng lại, chia tay đoàn chiên và mọi người để trở về nơi mình xuất phát. 

17 giờ chiều ngày 21/2/2018 trái tim nhân hậu của người mục tử sau 57 năm trên dương thế đã ngừng đập, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho mọi người.  Cha Đaminh Nguyễn Đức Trung đã về nước Chúa với 16 năm là linh mục của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam.

Cha Trung kính mến,

Xin cha mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ, miền đất Bến Sắn (sáng thứ bảy 24/2/2018) nơi có xứ đạo và giáo dân, tu sĩ cha đang phục vụ. Xin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương giang rộng vòng tay đón nhận cha vào nước trời.

Chúng con nguyện mãi tiếp tục đi con đường cha đang đi là Sống Yêu thương - Phục vụ, Sống tinh thần nghèo khó như cha đã sống và cống hiến cho Thiên Chúa, cho Giáo hội, đất nước và mọi người.

Tạm biệt cha Đaminh dấu yêu! Hẹn gặp lại cha trong Nước Trời.
 
FX. Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Đức mẹ hiện ra tại Fatima (27/03/2018)
Fatima trải nghiệm ơn thiêng (22/03/2018)
Cho đời “Một chút” yêu thương (07/03/2018)
Rảo bước tìm chiên miền biên giới (06/03/2018)
Từ trái tim đến trái tim (27/02/2018)
Ngôi nhà thờ được xây dựng từ 57 xu của một cô bé (26/02/2018)
Mai Sen trả ơn đời (08/02/2018)
Caritas Yên Thịnh thăm và phát qua cho những gia đình nghèo trong giáo xứ (08/02/2018)
10 sự thật thú vị về Thánh Tôma Aquinô, Tiến Sĩ Hội Thánh (05/02/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log