Suy tư - Chia sẻ

Quà tặng từ Thiên Chúa

Cập nhật lúc 10:01 18/02/2020
   Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Đức Phaolô VI viết: “Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ “dâng Chúa vào đền thánh”, cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Mẹ Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu Ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân Ước luôn luôn vị bắt bớ, gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy” (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Ngày lễ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Hôm nay Giáo hội làm phép những cây nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường, mọi người lặp lại thánh ca mà tiên tri Simêôn đã cất lên khi Đức Maria và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Chúa Giêsu quả là ánh sáng muôn dân, dẫn lối chúng ta vào trong cung điện Người. Những “cây nến đã được làm phép” sẽ được cất giữ trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi hài người quá cố trong gia đình.

Thánh lễ dâng Chúa vào đền thánh còn có một ý nghĩa khác nữa đó là: Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần công bố là vinh quang của Ixraen và là ánh sáng soi đường cho muôn dân, muôn nước. Chính vì thế, khi người Kitô hữu quy tụ trong nhà thờ do tác động của Chúa Thánh Thần, chắc chắn sẽ gặp được Người, sẽ nhận ra Người lúc bẻ bánh, trong khi chờ đợi Người đến trong vinh quang. Quả thực, Chúa Giêsu là quà tặng cao quí nhất Thiên Chúa Cha dành cho nhân loại.
Linh mục Nguyễn Tầm Thường viết: “Nếu không có tình yêu, không có người yêu, nếu tôi không yêu thì làm gì có khổ đau. Bởi đó, kẻ vì yêu mà đau khổ thì oán trách tình yêu, oán trách người yêu và oán trách chính mình. Nếu tình yêu tạo nên đau khổ thì muốn tránh đau khổ, phải tránh yêu đương. Nhưng nếu lẩn tránh yêu thương thì đâu là ý nghĩa cuộc sống?”.

Trong lịch sử cứu độ, lời tiên báo của tiên tri Malaki: “bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi đang tìm kiếm, đi vào Thánh điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” (Ml 3,1). Chúa đã đến trong đền thờ Người. Bao nhiêu người đã ngóng chờ biến cố cứu độ này. Nhưng như chính tiên tri Malaki tự hỏi: “Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người hiện ra?” (Ml 3,2).

Hôm nay, Giáo hội mừng kính lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Theo luật Dothái, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa. Do đó, cha mẹ con trẻ phải chuộc lại đứa bé tùy theo khả năng của gia đình mình hoặc một con chiên tinh tuyền hoặc một cặp bồ câu. Những của lễ này được dùng dâng hiến cho Thiên Chúa thay thế các em.

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta việc Đức Maria và thánh Giuse đem Hài Nhi Giêsu lên Giêrusalem “để tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22) theo luật Môsê. Như mọi người dân Dothái, Đức Maria cũng hoàn toàn vâng theo lề luật. Vì thế, khi Hài Nhi Giêsu đã đúng ngày luật định, Đức Maria và thánh Giuse đã đưa Hài Nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” ( Lc 2, 23 ). Qua đó, Lời Chúa muốn nói với chúng ta rằng; ý định của hai ông bà là dâng hiến Hài Nhi cho Thiên Chúa; và không hề có ý định giữ Hài Nhi cho riêng ông bà như một bảo vật, nhưng luôn ước muốn hiến dâng cách trọn vẹn. Đức Maria hoàn toàn trầm mình trong lời tạ ơn về tư cách làm Mẹ mà người đã nhận được từ nơi Thiên Chúa. Thánh Giuse cũng hiệp thông trong việc dâng hiến này, thánh Luca nêu lên rõ vai trò của thánh Giuse: cả hai ông bà đã đến dâng Con cho Chúa. Như thế, thánh Giuse cùng một ý với Đức Maria trong việc dâng Hài Nhi cho Thiên Chúa. Tuy nhiên, đối với Đức Maria, cử chỉ dâng hiến mang một ý nghĩa đặc biệt hơn vì lời tiên tri của ông Simêôn. Khi ông thấy Hài Nhi thì lời linh báo của Thánh Thần rằng: “ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 2, 26) đã được ứng nghiệm. Ông bế Hài Nhi trên tay và ca tụng Thiên Chúa, đồng thời ông cũng công bố về sứ mệnh vẻ vang của Hài Nhi, ông thực hiện việc đó bằng lời ca tụng làm cho Đức Maria và thánh Giuse phải kinh ngạc. Khi ông tiên báo về con đường đau khổ mà Hài Nhi sẽ phải trải qua trong sứ mạng Cứu độ của Người, ông cũng hướng về Đức Maria và tiên báo rằng: chính bà cũng sẽ tham gia cách sâu sắc vào con đường đau khổ và Cứu độ của Hài Nhi “một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35).

Lời chúc phúc và tiên báo của ông Simêon và ngôn sứ Anna như một lời tuyên xưng thiên tính của Hài Nhi Giêsu. Thiên tính này đi kèm với một sứ vụ: cứu chuộc dân Thiên Chúa. Biến cố này nói lên điều mà thánh Phaolô đã viết trong thư Galát: Đức Giêsu được sinh ra dưới lề luật, ngõ hầu cứu chuộc những ai sống dưới lề luật bằng cái chết và sự Phục sinh của Người (Gl 4,4-5). Việc cứu chuộc này đã được thực hiện khi Đức Giêsu tự mình vác lấy sự nguyền rủa của lề luật, đó là bị treo lên cây gỗ. Đức Maria đau khổ vì tình yêu dành cho con của mình. Đức Giêsu thì chủ động chịu đau khổ vì tình yêu dành cho Thiên Chúa Cha và nhân loại.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Con Một Chúa đã mang kiếp người phàm và hôm nay được tiến dâng trong đền thánh. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa cho tâm hồn chúng con cũng nên trong sạch, hầu xứng đáng dâng mình trước thánh nhan Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng con.
Lm Giuse Trịnh Văn Quynh
 
Thông tin khác:
Tuyên xưng đức tin dịp đầu năm (17/02/2020)
Lời chúc Tết (06/02/2020)
Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ (30/01/2020)
Cầu nguyện cho năm mới (30/01/2020)
Lễ giao thừa (30/01/2020)
Đức thánh Giáo hoàng đến thăm tôi (07/01/2020)
Sự công chính hướng về Thiên Chúa (27/12/2019)
Thiện tâm mà Chúa muốn (26/12/2019)
Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại (18/12/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log