Suy tư - Chia sẻ

Mùa chiến đấu thiêng liêng

Cập nhật lúc 14:42 23/03/2020
Mùa Chay đã bắt đầu với ngày thứ Tư lễ Tro. Việc xức tro lên đầu cùng với lời đọc của thừa tác viên: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” nhắc nhở mỗi người chúng ta ý thức về thân phận bụi tro của mình. Thân phận đó khiến con người trở nên mỏng dòn và dễ sa ngã trước những chước cám dỗ của ma quỷ. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta buông xuôi hay sống đời mình theo cách buông thả, sa đọa nhưng phải luôn luôn phấn đấu để chiến thắng những chước cám dỗ đó. Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và sau đó bị ma quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng. Chiến thắng của Ngài thực sự là mẫu gương, là nguồn động lực và là điểm tựa cho mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Trình thuật sách Sáng Thế nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy nhìn nhận thân phận bụi tro của mình. Chính Thiên Chúa được miêu tả như người thợ gốm, lấy bụi từ đất nặn ra con người. Trong việc tạo dựng này, Thiên Chúa làm theo ý của Người, do đó con người hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Thêm vào đó, việc Thiên Chúa thổi sinh khí của sự sống cho con người cho thấy rằng: sự sống của con người chính là nhờ Thiên Chúa ban cho. Hơn nữa, Ngài còn tỏ lòng ưu ái đối với con người khi dọn sẵn một thửa vườn, đặt con người vào đó và cho phép ăn hết mọi trái cây trong vườn, ngoại trừ trái của cây cho biết điều thiện điều ác. Trái cây bị cấm ăn đó tượng trưng cho lệnh truyền con người phải vâng phục Thiên Chúa. Như thế, giữa Thiên Chúa và con người, có một mối tương quan riêng biệt, điều mà Công đồng Trentô gọi là “tình trạng thánh thiện và công chính” nguyên thủy.

Tuy nhiên, “tình trạng thánh thiện và công chính” đó đã bị phá vỡ khi con người nghe lời dụ dỗ của con rắn: “chẳng chết chóc gì đâu”. Câu này của con rắn phủ nhận lời Thiên Chúa và gieo vào lòng người phụ nữ sự nghi ngờ và làm giảm nhẹ thái độ sợ hình phạt. Khi nói như thế, con rắn ngấm ngầm cho thấy Thiên Chúa là kẻ nói dối và muốn giữ độc quyền đối với đặc ân “biết điều thiện điều ác”. Con rắn cám dỗ ông bà nguyên tổ phạm tội bất tuân, kiêu ngạo, đi vượt quá lãnh vực của mình: muốn tự mình biết điều phải điều trái, nghĩa là tự mình quyết định đâu là phải, đâu là trái; rồi hành động như người có quyền ra luật cho bản thân và tha nhân. Kể từ đó, tội lỗi đã xâm nhập và bắt đầu tạo nên tình trạng lộn xộn, mất trật tự khiến con người nhận thấy cơ thể mình trần trụi, lấy làm xấu hổ, rồi tìm cách che thân, không muốn cho người khác thấy. Như thế, con người đã không còn giữ được cái nhìn trong trắng vô tội, sợ cái nhìn của người khác nên cần phải che đậy. Một hậu quả khốc hại hơn của tội đó là sợ hãi và lẩn trốn Thiên Chúa. Từ đó, con người ngày càng rời xa Thiên Chúa, xa tình yêu của Ngài.

Đối lại với sự vô ơn và bất tuân phục lệnh truyền của con người, Thiên Chúa không những không trách phạt mà Ngài còn hứa ban Đấng Cứu Độ. Đấng ấy chính là Đức Giêsu, con Thiên Chúa làm người. Đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu cho chúng ta thấy một chân dung Đức Giêsu: “Người không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Hr 4,15). Quả thật, Đức Giêsu đã trải qua những cung bậc của cuộc sống con người và nhất là đã sống kinh nghiệm khi bị ma quỷ cảm dỗ. Tuy nhiên, trong khi con người chịu cám dỗ và đã sa ngã; thì ngược lại, Đức Giêsu cũng chịu thử thách, chịu cám dỗ nhưng Người đã chiến thắng tất cả vì đã luôn tín thác vào Chúa Cha. Hơn nữa, việc Đức Giêsu chiến thắng cám dỗ của ma quỷ bằng việc đáp trả bằng những câu Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: muốn vượt qua thử thách cần biết bám chặt và sống Lời Chúa để một lòng tín thác vào Thiên Chúa và thờ phượng một mình Người mà thôi.
Ngày hôm nay, sự cám dỗ của ma quỷ hết sức tinh vi. Chúng cám dỗ con người bắt đầu ưng thuận theo nó từ những hành vi sai lỗi rất nhỏ, nhưng theo thời gian chúng khiến chúng ta chai lỳ lương tâm, khiến lương tâm không còn biết phân biệt đúng sai, thật giả; thậm chí là nó khiến lương tâm mất dần nhận thức về tội. Từ đó, con người tìm cách ngụy biện cho những hành vi sai trái của mình. Cho nên, Phụng vụ Mùa Chay như là mùa để con người thao luyện lương tâm của mình. Bằng việc ăn chay, hãm mình, con người luyện tập để bản thân biết làm chủ trước những dục vọng. Hơn nữa, noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn gắn chặt đời mình trong sự hướng dẫn của Lời Chúa, siêng năng học hỏi và suy niệm Lời Chúa và mở lòng ra với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma cho chúng ta thấy rằng: tội lỗi của con người có căn nguyên nơi sự sa ngã của Ađam, còn Đức Kitô là nguồn mạch sự sống và ơn được nên công chính dành cho con người.

Sống Mùa Chay năm nay, noi theo mẫu gương của Chúa Giêsu khi Ngài ăn chay và cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày trong hoang địa, mỗi người chúng ta cần ý thức thân phận giới hạn và bất toàn của mình để rồi luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa thì mới dám chắc phần thắng trước những chước cám dỗ của ma quỷ. Hơn nữa, cần phải thường xuyên thao luyện lương tâm bằng đời sống chay tịnh hãm mình và gắn chặt vào Lời Chúa thì mới có thể vượt qua được sức mạnh của thế lực sự dữ.
 
Nguyễn Duy Thái
Thông tin khác:
Lạy chúa, xin xót thương con, vì con đến, để xin được là của lễ (23/03/2020)
Hoàn thiện như Cha trên trời (20/03/2020)
Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con đau yếu (20/03/2020)
Dư âm cõi thế (05/03/2020)
Vượt qua giọt đắng đầu năm (05/03/2020)
Quà tặng từ Thiên Chúa (18/02/2020)
Tuyên xưng đức tin dịp đầu năm (17/02/2020)
Lời chúc Tết (06/02/2020)
Kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ (30/01/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log