1. Tôi là con người thường xuyên đau yếu. Từ vài năm nay, đau yếu càng nhiều, càng mạnh.
Nhiều khi đau quá, tôi kêu than lên Chúa. Kêu than của tôi dựa phần lớn vào thánh vịnh.
2. Thánh vịnh 06 có những những lời kêu thảm thiết, mà tôi cho như là của chính tôi:
“Lạy Chúa, xin đoái thương, vì con đang kiệt sức.
Toàn thân con rã rời quá đỗi, mà lạy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ?
Lạy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con. Xin cứu con, bởi vì Ngài nhân hậu.
Rên xiết đã nhiều, nên con mệt mỏi
Trên giường ngủ, những thổn thức năm canh.
Từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẵm gối.
Mắt hoen mờ vì quá khổ đau
Thêm suy nhược bởi nghìn thù vây hãm”.
3. Khi tôi dùng những lời kêu than trên đây và những lời kêu khóc tương tự để cầu nguyện với Chúa, tôi hiệp thông với tất cả những ai đang đau yếu như tôi.
4.
Tôi cảm nhận sự xuống cấp của sự sống kéo theo bao điều sa sút. Tôi không còn khả năng phục vụ, không còn khả năng yêu thương, giá trị của tôi lụi tàn.
5. Từ cảm nhận đó, tôi như thấy mình bị ruồng bỏ. Tôi diễn tả sự đau đớn của tôi bằng những lời kêu than thảm thiết dâng lên Chúa.
Tôi tin Chúa sẽ xót thương tôi. Mà đúng là Chúa đã xót thương tôi.
6. Thứ nhất, Chúa xót thương tôi ở chỗ Chúa cho tôi thấy đau yếu không phải là kết quả của tội lỗi. Để đừng bao giờ coi những kẻ đau yếu là chịu hình phạt bởi tội họ đã phạm.
Đau yếu là thân phận chung của loài người sa ngã.
7. Thứ hai, Chúa xót thương tôi ở chỗ Chúa cho tôi thấy Chúa có quyền năng giải cứu tôi.
Chúa giải cứu tôi cách nào, lúc nào, thì tôi phó thác nơi Chúa. Nhưng chắc chắn là Chúa cứu.
8. Xưa, Chúa Giêsu trên cây Thánh giá đã có lúc than thở: “Cha ơi, Cha ơi, sao nỡ bỏ rơi con”.
Nhưng sau đó, Chúa Giêsu đã nói: “Cha ơi, Con xin dâng phó linh hồn con trong tay Cha”.
9. Đúng là một sự giải thoát của niềm tin. Tôi cũng đã được nếm sự giải thoát đó do Chúa ban cho. Tôi cảm nhận là Chúa đã nhận lời tôi kêu khóc. Tôi được bình an trong sự phó thác.
“Xin Chúa xót thương con.
Chúa đã nhận lời con”.
Đó là hai điều tôi đã cảm nhận trong những cơn đau yếu rụng rời.
10. Tới đây, tôi thấy rất rõ điều Chúa dạy tôi phải hết sức xa tránh, đó là tính vô cảm trước những khổ đau của những người bệnh tật, đau yếu.
Vô cảm xem ra đang là một thứ virút nguy hiểm trong lĩnh vực đạo đức hiện nay.
Không biết đau cái đau của người khác. Dửng dưng trước cái đau của người khác. Cười giỡn, nhởn nhơ trước cái đau của người khác. Đó là những hình thức vô cảm hiện nay. Rất đau đớn là những hình thức vô cảm như thế cũng xuất hiện nơi khá nhiều người coi mình là tín hữu và là môn đệ của Chúa Giêsu.
11. Tới đây, tôi chợt nhớ lại một bài học Chúa đã dạy tôi, sau ngày tôi thụ phong Giám mục.
Đêm đó, trong lúc nửa thức nửa ngủ, tôi thấy Chúa Giêsu đến với tôi.
Chúa cầm tay tôi, dẫn tôi vào một bệnh viện có nhiều bệnh nhân nằm la liệt.
12. Chúa dẫn tôi qua các giường bệnh. Bệnh nhân rên xiết. Chúa cho tôi đau cái đau của họ. Họ là ai, tôi không biết. Chỉ biết họ là người đang đau yếu. Chúa tỏ ra rất đau cái đau của từng người. Chúa cũng cho tôi cùng đau như vậy.
13. Tới một lúc, tôi đau quá, bừng tỉnh giấc. Thì ra cái đau của tôi là cái đau của những người khác và cũng là cái đau của Chúa Giêsu. Thăm người đau yếu thì cần tấm lòng thương cảm, cần trái tim tế nhị. Đôi khi lặng lẽ cầm lấy tay bệnh nhân với yêu thương chân thành vốn có sức an ủi họ hơn ngàn lời trống rỗng.
14. Từ đó, tôi coi những người đau yếu là địa chỉ Chúa muốn tôi chia sẻ.
Tôi chia sẻ bằng lời cầu nguyện, bằng những con đường hợp với khả năng và hoàn cảnh của tôi.
15. Ngay lúc này, tôi vẫn cầu xin với Chúa.
“Lạy Chúa, xin xót thương con, vì con đau yếu.”
16. Tôi thấy Đức Mẹ cũng đang giúp tôi cầu xin cho những người đang đau yếu như tôi. “Lạy Chúa, xin xót thương chúng con, vì chúng con đau yếu”.
Đau yếu là đề tài cầu nguyện. Chúng ta nên cầu nguyện với đề tài đó, nhất là trong thời điểm có nhiều đau yếu nặng nề và lan rộng một cách nguy hiểm như hiện giờ.
ĐGM GB BÙI TUẦN