Suy tư - Chia sẻ

Điều răn trọng nhất

Cập nhật lúc 16:16 27/10/2020

 
Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu cho thấy một bầu khí tranh chấp và đố kỵ của người Do Thái. Kẻ thì theo nhóm biệt phái, người thì theo nhóm Sađốc. Từ lãnh vực chính trị xã hội cuộc tranh chấp lan sang phạm vi tôn giáo. Lề Luật có tới 613 khoản, gồm 248 lệnh truyền và 365 lệnh cấm. Những khoản nào là quan trọng nhất. Đó là một vấn đề nóng bỏng và làm cho các cuộc tranh chấp nảy lửa.
Được hỏi ý kiến về giới răn quan trọng nhất, Chúa Giêsu đã trả lời như hết mọi người Do Thái đạo đức: Ngươi phải kính mến Thiên Chúa hết lòng. Thế nhưng không dừng lại ở đó mà Ngài còn nói tiếp: Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất đó là ngươi phải thương yêu anh em như chính mình ngươi. Ngài không đồng hoá hai việc mến Chúa và yêu người. Hai việc đó vẫn khác nhau và vì thế không được xao lãng nhiệm vụ nào. Đó là nét độc đáo của Chúa Giêsu.
Người ta vẫn nói phải mến Chúa và yêu người, phải có thiên đạo và nhân đạo, nhưng bình thường người ta vẫn coi đó là những nhiệm vụ xa rời nhau, không liên hệ gì với nhau. Người ta có thể mến Chúa trong nhà thờ và không thương người ở ngoài xã hội. Hoặc thương người ở ngoài xã hội nhưng lại không mến Chúa ở trong nhà thờ. Hơn nữa, người ta coi việc thương người chỉ là thứ yếu sánh với việc mến Chúa. Đối với Chúa Giêsu thì khác. Phải mến Chúa cũng như yêu người. Ưu tiên là mến Chúa, nhưng đồng thời cũng phải yêu người. Hay như thánh Gioan đã viết: Không thể có lòng mến Chúa, Đấng vô hình, nếu không thương người. Và khi dạy phải yêu người như chính bản thân, thì Chúa Giêsu không có ý bảo phải thương mình trước. Câu nói của Chúa Giêsu có nghĩa là phải yêu người hết lòng cũng như phải kính mến Chúa hết lòng.
Cuối cùng một nét độc đáo khác nữa trong câu trả lời của Chúa Giêsu là tất cả luật pháp và các tiên tri đều quy về sự mến Chúa và yêu người. Như vậy, không những tất cả 613 khoản luật, mà toàn thể lời giáo huấn đều nhằm phát triển lòng mến Chúa yêu người. Vì đã không cọi trọng hai nhiệm vụ mến Chúa yêu người như nhau, cho nên con người đã làm mất quân bình, gây ra những lệch lạc trong đời sống. Chúa Giêsu đã đến để mang lại ơn cứu độ. Ai đón nhận Ngài thì phải mến Chúa. Ai đã mến Chúa thì cũng phải yêu người.
Thực tế, có một chứng bệnh mỗi ngày một trở nên trầm trọng trong xã hội ngày nay, đó là chứng bệnh cô đơn. Thực vậy, giữa thời buổi kinh tế thị trường, người ta đổ xô về thành phố. Thế nhưng, dân số thành phố càng gia tăng thì chứng bệnh cô đơn lại càng trầm trọng. Người ta sống cách nhau chỉ một bức tường mà không hề biết đến tên tuổi của nhau. Trong một chung cư, kẻ ở lầu trên, ra vào cùng một lối mà chẳng biết đến kẻ ở lầu dưới. Mỗi người trở thành như một hòn đảo, một pháo đài biệt lập. Đời sống càng xô bổ chen chúc, thì con người lại càng cảm thấy cô đơn. Mặt trời dường như mỗi ngày một thêm nóng bức và oi ả, mà lòng người thì mỗi ngày một thêm lạnh lùng và băng giá. Thiên hạ đối xử với nhau ngày càng thêm hờ hững và xa lạ. Vậy đâu là phương thuốc trị liệu cho chứng bệnh cô đơn này?
Từ đó chúng ta suy ra: nguyên nhân sâu xa nhất tạo nên chứng bệnh cô đơn, chính là vì con người đã xa lìa Thiên Chúa. Thực vậy, cùng với những thành quả của khoa học, con người đã muốn truất phế Thiên. Hẳn chúng ta còn nhớ khi phi thuyền Spoutnick được phóng lên không gian và trở về địa cầu, phi hành gia Gargarine đã tuyên bố với báo chí: Tôi đã bay qua các tầng trời và không hề thấy Thiên Đàng của quí vị. Từ nay sẽ không còn ai dám nói rằng có một Thiên Chúa điều khiển trăng sao nữa. Thế nhưng, nếu suy nghĩ chúng ta sẽ thấy dăm ba chiếc phi thuyền nhỏ xíu di chuyển trong một khoảng thời gian nào đó trên không trung, làm sao có thể sánh ví với hàng triệu triệu vì sao quay cuồng trên bầu trời, không bằng một hạt cát trong sa mạc, không bằng một giọt nước giữa biển khơi. Chính vì thế, Carnégie đã nói: Về phương diện khoa học kỹ thuật, loài người đã tiến được những bước khá cao, nhưng về phương diện tinh thần và tôn giáo, họ vẫn còn dậm chân trong một tình trạng ấu trĩ. Chúng ta có tiền nhiều, có áo tốt, có nhà cao, có xe xịn…nhưng lại thiếu bồi dưỡng về tinh thần vì con người thời nay đã mất niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin sẽ là như khí trời, thiếu nó chúng ta sẽ bị ngột ngạt và căng thẳng. Không tin vào Thiên Chúa là nguồn mạch mọi tình thương, chúng ta cũng không thể nào tin vào tình người một cách chân thành và bền bỉ. Vì lòng yêu người chỉ là hoa trái của tình mến Chúa mà thôi.
Bởi đó, ngày nay hơn bao giờ hết, con người phải quay trở về cùng Thiên Chúa, như lời bác học Von Braun đã tuyên bố: Nhờ những hiểu biết về không gian, nhiều người ngày nay cho rằng chúng ta cần phải tin có Thiên Chúa hơn cả những người sống trong thời trung cổ. Bởi đó, những kẻ coi khoa học là chủ tể của con người, thì chỉ biểu lộ sự nông cạn, hẹp hòi của mình mà thôi. Chính vì thế, Pascal đã nói: Khoa học nông cạn làm cho con người xa lìa Thiên Chúa, nhưng khoa học khôn ngoan sẽ dẫn đưa con người tới gần Ngài.
Một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta sẽ không còn cô đơn và tuyệt vọng, nhưng sẽ tràn đầy niềm hy vọng như lời Thánh Vịnh 17 đã diễn tả: Dù có đi giữa bóng tối hãi hùng của sự chết, tôi không còn lo sợ, vì Chúa ở cùng tôi. Hơn thế nữa, một khi đã trở về cùng Thiên Chúa, một khi đã tới gần Ngài, chúng ta mới tìm thấy được cái nền tảng vững chắc, cũng như những giá trị siêu nhiên cho việc yêu người. Thực vậy, tại sao chúng ta lại phải yêu thương người khác? Vì có chung một Thiên Chúa là Cha, nên chúng ta là anh em. Bởi đó phải yêu thương nhau. Ngoài ra những hành động bác ái và yêu thương còn có một giá trị vĩnh cửu, bởi vì khi giúp đỡ người khác là chúng ta đã giúp đỡ cho chính Chúa vậy. Trong ngày phán xét, Ngài sẽ tra hỏi chúng ta về vấn đề này, và rồi dựa vào đó mà ấn định số phận đời đời của mỗi người chúng ta.
Tu sĩ Phêrô Trần Xuân Châu
Thông tin khác:
Đức Mẹ thúc giục tôi nhắc nhở sứ mệnh sám hối (23/10/2020)
Đấng vâng phục tuyệt đối (08/10/2020)
Đức Mẹ giúp tôi đón nhận ơn tha tội (08/10/2020)
Thương như Chúa xót thương (02/10/2020)
Đức Mẹ giúp tôi đón nhận lương thức hằng ngày (01/10/2020)
Từ bỏ chính mình (24/09/2020)
Điều mà Chúa dậy tha thiết lúc này (24/09/2020)
Tha thứ vì được thứ tha (15/09/2020)
Đức Mẹ giúp tôi sống trong thử thách (10/09/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log