Một trong những thuộc tính của Thiên Chúa là xót thương. Thiên Chúa không chỉ là Đấng Toàn Tri mà còn có trái tim nhân lành, hằng xót thương con người. Xuyên suốt chiều kích lịch sử nói cho chúng ta về lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngay từ khởi thủy, phát xuất từ lòng quảng đại Thiên Chúa đã sáng tạo con người từ hư vô, cho con người được hiện hữu và làm chủ vũ trụ. Đặc biệt là giải thoát con người khỏi sự kìm hãm của “bóng tối”, giải thoát và dẫn con người tới “vùng đất” tự do đã được ban tặng do lòng từ bi của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa qua cách cư xử của ông chủ vườn nho,được đặt trên môi miệng của Đức Giêsu.
1. Lòng thương xót của Thiên Chúa đón nhận tất cả
Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu thuật lại câu chuyện khá phổ biến trong xã hội Dothái thời bấy giờ. Câu chuyện kể về ông chủ vườn nho ra mướn thợ vào làm vườn nho. Thế nhưng, cách thuê thợ vào làm việc của ông không giống như lẽ thường tình. Ông có thể mướn họ vào làm những khung giờ khác nhau. Cụ thể trang Tin Mừng trình bày ông chủ sáng sớm đầu ngày đã thuê người làm mướn và đạt thỏa thuận một ngày một quan tiền. Đến giờ thứ ba ông tiếp tục mướn thêm một số thợ. Tới giờ thứ sáu, giờ thứ chín có những người ở không và ông đưa họ vào làm vườn nho. Thậm chí đến giờ mười một, là khoảng thời gian cuối ngày, khi thấy những người ngồi đó cả ngày nhưng vẫn không kiếm được việc làm, ông vẫn đưa họ vào làm vườn nho (Mt 20, 1-7).
Có lẽ đây là ông chủ khác lạ nhất trong việc thuê mướn người làm việc. Theo lẽ thông thường người ta sẽ mướn thợ vào thời điểm đầu ngày để công việc diễn ra theo kế hoạch đã định. Hình ảnh ông chủ qua môi miệng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. Ngài là Đấng làm chủ vườn nho và là Đấng gọi mướn con người, cho con người canh tác vườn nho của Ngài. Khác với những ông chủ trần thế, họ chỉ biết nhắm đến lợi ích mà lãng quên lòng thương xót. Không ai có thể trả lương cho những người chỉ làm một giờ ngang bằng với những người làm cả ngày. Thoạt tiên khi đọc tới đây ta có cảm giác như ông chủ này đối xử bất công với những người vào làm từ sáng sớm. Nhưng ông chủ mà Đức Giêsu nói đến không hề bất công với bất cứ người nào, vì ngay từ đầu đã thòa thuận một ngày một quan tiền; thậm chí ông còn quảng đại mướn những người mà không ai thuê và trả cho họ số tiền tương đương cả một ngày lao động.
Tại sao ông chủ lại thuê những con người chỉ làm có một giờ? Phải chăng công việc của ông cần gấp và phải xong trong hôm đó? Những con người vào làm giờ thứ mười một là những con người “đặc biệt”. Sở dĩ nói họ là những con người đặc biệt bởi vì họ là những con người bị gạt bên lề xã hội. Họ là những người: tàn tật, nghèo đói, đui mù, què quặt...Họ là những con người ngồi đó chờ lòng trắc ẩn của một người hảo tâm. Thế nhưng, với suy tính lấy lợi ích làm ưu tiên thì không ông chủ nào có thể mời những người “vô dụng” như thế. Chỉ có Thiên Chúa, với lòng quảng đại, mới tạo cơ hội cho những con người bất hạnh như vậy. Có lẽ họ cũng không bao giờ nghĩ sẽ lãnh được số tiền như những người vào làm sớm nhất. Họ thầm mong những người vào làm trước hết lãnh nhận một quan tiền thì họ cũng được vài hào để mua chút gì cho gia đình qua ngày. Niềm vui của họ chính là được người khác đón nhận (thuê mướn); vì khi được thuê mướn đồng nghĩa họ còn có giá trị. Niềm vui đó được nhân lên khi công sức của họ được đền đáp bằng đồng tiền được lãnh nhận.
2. Cần hơn hết một ý niệm con người cần đến nhau
Trang Tin Mừng nói cho chúng ta về một xã hội mà nơi đó có đầy đủ các hạng người: những người làm từ sáng sớm là hình ảnh của những con người khỏe mạnh, lành lặn; những người vào làm giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một là những thành phần khác, cấu tạo nên một xã hội đa dạng. Sự đa dạng này nhằm hỗ trợ cho nhau để tạo nên một một xã hội công bằng, bác ái và huynh đệ. Thế nhưng, lòng ích kỷ của con nguời đã làm “xáo trộn” một trật tự, vốn được Thiên Chúa chúc phúc. Đáng lẽ con người phải cần đến nhau để hỗ tương và giúp đỡ nhau, cùng nhau thăng tiến. Thế nhưng, con người với chủ trương “chân lý thuộc về kẻ mạnh” đã không ngần ngại chà đạp lẫn nhau, để rồi những ai mạnh mẽ sẽ là người “cầm cân nẩy mực” kẻ khác. Một lối sống ích kỷ chỉ tạo khoảng cách cho nhau, đặc biệt là xa cách Thiên Chúa.
Chỉ có lối sống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau mới đem lại hạnh phúc cho nhau. Câu chuyện ông chủ mướn thợ vào làm vườn nho là thông điệp mà Đức Giêsu diễn tả về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không loại trừ một ai, kể cả những người tàn tật, bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi. Đức Giêsu hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đã hành động để con người thấy tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa lớn dường nào. Ngài sẵn sàng chịu sự khiến trách khi lui tới với những người tội lỗi, ăn uống với người thu thuế, đụng chạm những người bệnh tật, tiếp chuyện và rao giảng Tin Mừng cho dân thành Samari... Đây là những đối tượng bị mọi người xa lánh.
Trang Tin Mừng hôm nay là một bài học đắt giá trong mối tương quan với nhau. Con người mang trong mình xã hội tính nên cần có nhau. Sỏi đá còn cần có nhau huống gì con người. Để xây dựng một xã hội văn minh tiến bộ, một cuộc sống hạnh phúc cần phải có lòng xót thương lẫn nhau. Hạnh phúc của con người không thể đặt nền trên chân lý sức mạnh nhưng dựa trên lòng xót thương. Chỉ lòng thương xót mới có thể tha thứ và đón nhận người đồng loại. Vì thế, thánh Phaolo trong bài đọc 2 khuyên nhủ tín hữu Philipphê chỉ có một điều cần thiết lúc này là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng hợp với Tin Mừng của Đức Kitô (Pl 1,27a); mà Tin Mừng Đức Kitô không gì khác hơn là diễn tả lòng bao dung và trắc ẩn của Thiên Chúa.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, biết bao con người đang rơi vào tình cảnh bi đát, người tín hữu được mời gọi mở lòng hướng đến những con người cần đến sự trợ giúp. Trong lúc hoạn nạn, con người mới cần có nhau. Noi gương Thầy Giêsu, người tín hữu cần hành động chia sẻ, một tấm lòng trắc ẩn để những con người nghèo, người bất hạnh vượt qua khó khăn.