Suy tư - Chia sẻ

Cách thức cầu nguyện (Thứ ba Tuần I Mùa chay)

Cập nhật lúc 20:36 18/02/2013

 Suy niệm

Đây là đoạn Tin Mừng ngay sau phần Chúa Giêsu dạy cách bố thí.
Chúa Giêsu dạy cầu nguyện cách đơn giản ngắn gọn bằng kinh Lạy Cha. “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại…” rõ ràng hình thức cầu nguyện của người Do Thái bị ảnh hưởng của dân ngoại rất nhiều. Xung quanh Israel là các dân tộc Assur, Moab, Philitinh, Madian… là những dân thờ đa thần, với nhiều hình thức phượng tự gây cám dỗ cho con cái Israel. Và hình thức cầu nguyện bằng cách nói thật nhiều được người ta xem đó là cách hiệu quả để các vị thần của họ có thể nghe thấy. Như vậy theo cách nào đó, họ nghĩ các thần của họ cũng như con người. Phần Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện ngắn gọn, không cần dài dòng, vì Thiên Chúa là Chúa duy nhất toàn năng, thấu suốt mọi tâm tư ước muốn, nhưu cầu của con người ngay cả trước khi chúng ta mở miệng cầu xin.
Những lời nguyện xin trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy xét ra đều là cầu xin cho phần linh hồn, dẫu rằng có câu: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Lương thực cho thân xác là nhưu cầu tất yếu và đứng đầu trong ba nhưu cầu tối thiểu : ăn, mặc, ở. Vậy thiết tưởng rằng dẫu ta không xin Chúa cũng ban cho chúng ta. Bởi ngay từ đầu khi tạo dựng trời đất cùng muôn loài thì Thiên Chúa đã dựng nên nào là nước, nào khí trời, ánh sáng… rồi cây trái, muông thú sẵn sàng để chờ đón con ngừơi rồi. Vậy chúng ta cầu xin đây chính là lương thực cho linh hồn: là Thánh Thể, là Lời Chúa. chính lương thực này chẳng những nuôi chúng ta ở đời này mà còn là bảo chứng để chúng ta bước vào đời sau nữa.
Chúa Giêsu cho chúng ta thấy cách Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta ra sao là hoàn toàn do cách chúng ta cư xử với anh em đồng loại. Ở đây Chúa Giêsu muốn gắn kết đời sống cầu nguyện và đời sống sinh hoạt lại với nhau, cũng như nối kết giữa hai giới răn tôn thờ Thiên Chúa và yêu người . Cả hai phải nên một.
Chúng ta thường bị ảnh hưởng tâm lý “nếu không nói thì ai biết” và “con không khóc thì sao mẹ biết mà cho bú” vì thế mà chúng ta thích nói nhiều, kinh kệ dài dòng và nghiêng chiều theo “khẩu nguyện” mà đọc kinh là chính. Bởi nói nhiều mà đưa đến chẳng kịp suy, không hiểu những điều mình đọc. Như thế chúng ta giống như hai anh em Giacôbê và Gioan xin được ngồi bên hữu, bên tả Chúa Giêsu và đồng ý chấp nhận uống “ chén đắng” với Chúa. Chúa đã trách ngay rằng các ông chẳng hiểu điều mình xin. Hay như Phêrô cũng không hiểu hết được ý nghĩa lời mình tuyên xưng đức tin, để rồi khi Chúa bị bắt, tất cả các môn đệ đã bỏ Chúa mà chạy thoát thân cả.
Chúng ta thường sống cách nghịch lý là một mặt xin Chúa thứ tha, nhưng mặt khác lại cứ dấn thân vào tội, làm điều gian ác trước mặt Chúa. Chúng ta mong có được công bình, nhưng ta lại ăn ở cách bất công như dùng đồ đi mượn cách thiếu cẩn thận và mượn xong thì quên trả mà cứ tưởng là của mình, rồi nào là buôn bán gian lận, cho vay nặng lãi… Nên nhớ rằng những thứ mà chúng ta chiếm đoạt cách bất công là bằng chứng tố cáo tội ta trước mặt Chúa. Chúng ta cứ tưởng người khác sẽ quên và bỏ qua, nhưng nên nhớ còn có Thiên Chúa, Người chẳng quên sót sự gì và cũng chẳng sự gì có thể che giấu được dưới mắt Người.
Câu chuyện minh họa:
Một tên cướp khi chết phải xuống hỏa ngục. Thượng Đế nhớ rằng lúc tên cướp còn sống đã có lần hắn cứu sống một con nhện, nên Người xót thương dùng sợi tơ nhện thả xuống để tên cướp có thể trèo lên thiên đàng. Tên cướp trèo lên được một đoạn thì hắn thấy phía dưới có nhiều người khác cũng đang bám lấy sợi tơ nhện leo lên. Hắn vội giơ chân đạp họ xuống vì cho rằng sợi tơ nhện không thể chịu nổi sức nặng của nhiều người. Lúc đó, Thượng Đế đã cắt đứt sợi tơ, và tên cướp phải ở địa ngục mãi mãi.
Bài học áp dụng
Người tín hữu hãy luôn biết nối kết cầu nguyện trong đời sống.
THIÊN ÂN
Thông tin khác:
Cuộc phán xét cuối cùng (Thứ hai, Tuần I Mùa chay) (18/02/2013)
Chống lại cám dỗ (Chúa nhật I Mùa chay năm C) (18/02/2013)
Điều cần thiết cho việc thánh hóa giờ nghỉ ngơi (Thứ bảy Tuần IV Thường niên) (09/02/2013)
Sự điên rồ của tình yêu (Thứ bảy Tuần II Thường niên) (19/01/2013)
Được gọi và sai đi (Thứ sáu Tuần II Thường niên) (19/01/2013)
Phản ứng về Chúa Giêsu (Thứ năm Tuần II Thường niên) (19/01/2013)
Lên án đời sống vụ hình thức (Thứ tư Tuần II Thường niên) (19/01/2013)
Sống tinh thần của Luật (Thứ ba, Tuần II Thường niên) (19/01/2013)
Sám hối và Canh tân (Thứ hai, Tuần II Thường niên) (19/01/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log