Trước khi nói về chữ Quốc ngữ - một đóng góp to lớn của Giáo hội Công giáo cho nền văn hóa nước ta, người viết có những: CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC BÀI: “ĐI TÌM NGUỒN GỐC CHỮ QUỐC NGỮ” CỦA GS.TS. PHẠM VĂN HƯỜNG ĐĂNG TRÊN BÁO NLĐ NGÀY 07/01/2007
Sau khi đọc bài nói trên tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác, buồn cho người đã khuất hơn 300 năm không ngồi dậy mà biện minh cho mình được. Nhưng “sự thật trước sau vẫn là sự thật, cây ngay không sợ chết đứng”, hơn nữa chắc chắn sau bài viết của “giáo sư tiến sĩ” sẽ có nhiều người, nhiều bằng chứng xác thực biện minh cho người đã khuất.
Sau đây là vài cảm nghĩ của tôi:
1. Về “văn phong”: Tôi thấy những lời lẽ “nặng nề” nào là “lừa đảo, hành vi (đạo) công trình”, nào là “tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm”, nào là “vị đạo sĩ đạo công trình”. Những lời lẽ này không thích hợp cho một bài viết mang tính khảo cứu nghiêm túc.
Chỉ một chữ Annam do lỗi kỹ thuật sắp chữ và do việc sửa chữa morat không kỹ nên in 3 chữ n. Thế mà tác giả “nâng quan điểm” kết luận cách mỉa mai “Annam viết là Annam, có người nói đó là chữ Quốc ngữ độc nhất sáng tạo bởi Alexandro Rhodes cũng không xa sự thật lắm”.
Một người bình dân ít học cũng có thể nhận ra đâu là lỗi kỹ thuật (nhất là thời 1651), đâu là lỗi cố ý vì chỉ cần đọc một đoạn 19 dòng lời nói đầu của cha Đắc Lộ người ta đã đếm được 5 lần chữ Annam viết đúng chính tả:
- Dòng 1: Annamitica Scilicet
- Dòng 5: Linguae Annamticae
- Dòng 13: Linguam autem Annamiticam
- Dòng 16: Libros Annamiticos intelligere
- Dòng 17: Ipris Annamitis
Thử hỏi một học giả, Giáo sư Tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài mà đồng tình với một kẻ vô danh tiểu tốt nào đó (tác giả không nêu tên) cho rằng cha Đắc Lộ trong công trình tạo chữ Quốc ngữ chỉ sáng tạo được mỗi một chữ “sai bét sai be” đó thì còn có gì tệ hại hơn nữa không?
2. Về chuyên môn: Phàm là người cầm bút biết tự trọng khi viết về vấn đề gì phải am hiểu tường tận về vấn đề đó. Mỗi lĩnh vực đều có những thuật ngữ riêng, không thông thạo thì đi hỏi những người chuyên môn. Viết không đúng thì sẽ tự đánh mất uy tín của mình.
Trường hợp tác giả bài báo dùng chữ “Giáo sĩ dòng Tên Jesus” là không đúng. Thuật ngữ chính xác là Dòng Tên. “Ông này xin Giáo hội dòng Jesus” là hoàn toàn sai.
Giáo hội, là tên gọi cả cộng đoàn tín hữu Công giáo toàn cầu hơn 1 tỉ người hợp nhất với nhau dưới sự lãnh đạo tối cao của Đức Giáo hoàng.
Dong (mang danh Chúa) Jesus hay Dòng Tên là một trong những cộng đoàn rất nhỏ gồm những nam tu sĩ theo một linh đạo và một đặc sủng riêng dưới quyền lãnh đạo của vị Bề trên cả, nhằm phục vụ những yêu cầu của Giáo hội.
Khi nói về cuốn Phép Giảng Tám Ngày, tác giả bài báo viết: “Vị đạo sĩ ‘đạo’ công trình này còn hoang mang dẫn đến sai sót chết người trong cuốn Phép Giảng Tám Ngày…
Thường lệ lễ đạo theo chu trình 7 ngày hay một tuần lễ… trong các nước châu Âu ngày chủ nhật là ngày cuối tuần chỉ có ở Lusitana, tên Bồ Đào Nha xưa, chủ nhật là ngày lễ đầu tuần, kế tiếp là ngày lễ thứ hai: Feria Secundo… dựa theo truyền thống Bồ Đào Nha họ đã tạo nên việt ngữ: Chủ nhật, thứ hai, thứ ba… cho đến thứ bảy, thứ tự những ngày lễ trong tuần này khác hẳn thông lệ ở Pháp, nơi chôn nhau cắt rốn của Alexandro. Có lẽ trước sự hoang mang bán tín bán nghi này, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép Giảng Tám Ngày”.
Sách Phép Giảng Tám Ngày là một cuốn sách giáo lý dự tòng, chuẩn bị cho người muốn theo đạo Chúa một cách vắn gọn bằng 8 bài giáo lý căn bản (vì đạo bị cấm cách, các linh mục, tu sĩ bị bắt bớ, nên không dạy giáo lý đằng tả được).
Chữ “Phép Giảng” thực ra không có nghĩa trong đạo, chỉ Phép Rửa hoặc Phép Rửa tội. Nhưng hệ thống chữ mới sáng lập chưa có từ nào diễn tả được việc dạy và học giáo lý để lãnh Phép Rửa tội, nên cha Đắc Lộ đã dùng chữ Phép Giảng.
Còn ‘Tám Ngày” là dựa theo truyền thống lâu đời Cựu Ước, đó là phép Cắt Bì một dấu giao ước, một lễ nghi gia nhập dân riêng Chúa Trời. Lễ nghi hết sức quan trọng này có từ thời Tổ phụ Abraham 1850 năm trước Công nguyên. Chúa phán với Abraham: “Sinh được 8 ngày mọi nam nhi trong các ngươi đều sẽ chịu cắt bì… như thế giao ước của Ta nơi thân xác các ngươi sẽ thành giao ước muôn đời” (Sáng Thế 17,12).
Tới thời Môse 1250 trước Công nguyên, phép Cắt Bì vẫn được duy trì: “Ngày thứ tám người ta sẽ cắt bì đứa trẻ nơi da thịt nó” (sách Lêvi 12,3).
Lễ nghi này được lưu truyền trong Do thái giáo mãi tới thời Chúa Giêsu và tiếp tục tới ngày nay. Chính Chúa Giêsu cũng chịu cắt bì: “Mãn tám ngày đến lúc phải làm phép cắt bì cho Hài Nhi, thì Hài Nhi đã được đặt tên là Giêsu” (Lc 2,21).
Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô cho Chúa Giêsu cũng chịu cắt bì: “Và ngày thứ tám họ đến làm phép cắt bì cho con trẻ” (Lc 1,59).
Tới thời các Tông đồ, khoảng giữa thế kỷ I Công nguyên. Những người theo Kitô giáo không tiếp tục sử dụng phép Cắt bì nữa, vì lễ nghi gia nhập đạo Công giáo là phép Rửa tội do chính Chúa Giêsu thiết lập thay thế phép Cắt Bì, nhưng phần nào còn dư âm của truyền thống phép Cắt Bì về phương diện thời gian, nên các trẻ sơ sinh sau khi chào đời được 8 ngày thì được lãnh phép Bí tích Rửa tội để được làm công dân Nước Trời. Thói quen Rửa tội sau 8 ngày được duy trì trong Hội Thánh Công giáo mãi tới Công đồng Vatican II (1965). Sau Công đồng thì thời gian đem trẻ sơ sinh đi Rửa tội là 1 tháng (lý do để trẻ cứng cáp hơn và để bà mẹ có thể bế con tới được lễ nghi Rửa tội).
Như vậy tựa đề cuốn sách Phép Giảng Tám Ngày hoàn toàn không có liên quan gì tới thứ tự 1 tuần lễ hay 7 ngày và việc ấn định ngày Chúa nhật ở đầu tuần hay cuối tuần như tác giả bài báo khẳng định kiểu “đinh đóng cột”: “có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ Chúa nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép Giảng Tám Ngày”.
Cũng xin nói thêm, một vị linh mục thông thái như cha Đắc Lộ, cả đời đọc, suy gẫm, sống, rao giảng và sẵn sàng chết vì Phúc Âm không thể nào lại “hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ Chúa nhật đầu tuần hay cuối tuần”, vì Phúc Âm đã ghi rõ về biến cố quan trọng nhất trong đạo là biến cố Chúa Giêsu sống lại:
- Phúc Âm thánh Mathêô ghi: “Văn ngày hưu lễ (tức là thứ bảy, Sabato) rạng ngày thứ nhất trong tuần, Maria người Magđala và một Maria khác đến xem mồ” (Mt 28,1).
- Phúc Âm thánh Luca viết: “Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng bình minh, các bà đến mồ” (Lc 24,1)
- Phúc Âm theo thánh Gioan viết: “Ngày thứ nhất trong tuần Maria Magđala đi đến mồ lúc sáng sớm” (Ga 20,1).
“Vào lúc xế chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi ở của các Tông đồ, các cửa đều đóng kín vì sợ người Do thái, Đức Giêsu đã hiện ra đứng giữa họ và Ngài nói: Bình an cho các ngươi” (Ga 20,19).
- Phúc Âm theo thánh Máccô viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần họ đi đến mồ” (Mc 16,2).
Giáo hội Công giáo ngay từ buổi sơ khai đã gọi ngày Chúa sống lại, ngày thứ nhất trong tuần là ngày của Chúa hay Chúa nhật hoặc chủ nhật.
Thánh Gioan trong sách Khải Huyền, cuốn cuối cùng của bộ Thánh Kinh Tân Ước đã viết: “Vào ngày của Chúa, tôi đã xuất thần” (Kh 1,10).
Chuyện rõ như ban ngày ấy mà có người dám quả quyết cha Đắc Lộ “hoang mang” không biết lễ Chúa nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần thì đó mới thực là “sai sót chết người”, giết chết cả uy tín, sự nghiệp của một đời người.
Còn nữa, tác giả luôn miệng kết án cha Đắc Lộ là “kẻ lừa đảo; đạo công trình; vị đạo sĩ ‘đạo’…” thế nhưng tác giả không nêu được bằng cớ để chứng minh: bản văn của 2 cuốn từ điển trước cuốn Việt Bồ La 1651. Gần đây trên đất nước ta xảy ra nhiều vụ kiện liên quan tới bản quyền. Điều tiên quyết phải chứng minh được là nguyên đơn đã đăng ký bản quyền trước, đã có tài liệu xuất bản trước.
Chính tác giả đã thú nhận: “tôi có đi Macau tìm nguồn nhưng vô hiệu”.
Cuối bài viết tác giả viết tiếp: “Sự đạo công trình của Alexandro còn tái diễn một lần nữa khi ông đứng tên mình in ra quyển Tường trình về Nhật Bản… mặc dầu tác giả thực sự của công trình này là một giáo sĩ khác thuộc Dòng Tên, điều gian dối này buộc Giáo đoàn Dòng Tên công khai tố cáo và cảnh giác”.
Xin tác giả hãy trưng ra bằng chứng sự kiện này. Tác giả thực sự là ai? Công trình của ông xuất bản năm? Những tờ đơn công khai tố cáo của “Giáo đoàn Dòng Tên” như thế nào?
Thay cho lời kết luận, tôi xin nói lên cảm nhận của riêng tôi:
1. Một linh mục tu sĩ, bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu là Sự Thật, suốt đời giảng đạo Sự Thật, chấp nhận chịu cực khổ, liều mạng sang đến Việt Nam chịu nhiều lần bắt bớ, tù tội vì giảng đạo Sự Thật, sẵn sàng chết vì đạo Sự Thật, nhưng đã thoát án tử, chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Một con người như thế liệu có thể gian dối trắng trợn như tác giả viết không?
2. Đất nước Việt Nam mình từ thời Pháp thuộc tới nay, biết bao nhà nghiên cứu sử học, biết bao giáo sư tiến sĩ rồi còn các lãnh đạo tối cao của đất nước, không lẽ họ lầm cả khi công nhận công lao của cha Đắc Lộ và tôn vinh ngài bằng tên một con đường ngay trước dinh Thống Nhất, đường Alexandre de Rhodes!
3. Đối với một người còn chút lương tri thì khi đã gây ra một hậu quả xấu nào với người khác thì phải nhanh chóng khắc phục, nhẹ thì xin lỗi, nặng thì phải bồi thường. Đối với trường hợp cha Đắc Lộ thì thiệt hại ở đây không phải là vật chất mà là cái quý hơn vật chất bội phần, không có vàng bạc châu báu nào mua được, đó là danh dự của một người đã cống hiến bao nhiêu công sức cho nền văn hóa Việt Nam. Nếu dựa vào tự do ngôn luận rồi muốn xúc phạm người khác thế nào cũng được, thì hỏi công lý còn trên thế gian này không, hay phải phải chờ tới tòa phán xét chí công của Chúa trong ngày tận thế?
4. Viết tới đây tôi càng thấm thía lời dạy của Chúa Giêsu: “Đừng xét đoán, các ngươi sẽ không bị xét đoán. Đừng lên án, các ngươi sẽ không bị lên án” (Phúc Âm theo thánh Luca 6,37) và câu Thánh vịnh 7,17:
“Hại người lại hóa hại thân,
Gậy ông đập xuống lại dần lưng ông”
Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết