Chủ nhật IV Phục sinh biểu lộ niềm vui khi các bài đọc dẫn chúng ta tới Đức Giêsu vị Mục tử nhân lành để tận hưởng niềm vui trọn vẹn và được sống dồi dào như lời khẳng định của Ngài: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Niềm vui Phục sinh không chỉ dừng lại trong những tuần ngắn ngủi của mùa Phục sinh mà cần phải kéo dài trong suốt cuộc đời. Chủ nhật IV Phục sinh, cũng biểu lộ niềm vui đó khi các bài đọc dẫn chúng ta tới Đức Giêsu vị Mục tử nhân lành để tận hưởng niềm vui trọn vẹn và được sống dồi dào như lời khẳng định của Ngài: Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Điểm đặc trưng của tác giả Gioan là dùng hình ảnh cụ thể và gần gũi để diễn tả thiên tính của Chúa Giêsu như là: Mục tử, ánh sáng trần gian, Đường - Chân lý - Sự sống. Tin Mừng hôm nay chúng ta bắt gặp hai hình ảnh cụ thể là Cửa và Mục tử. Đây là những hình ảnh rất đỗi quen thuộc với những con người nghèo, đặc biệt là những người du mục. Họ hiểu tầm quan trọng của người mục tử và cửa chiên đối với đàn chiên; mục tử luôn vất vả đi tìm những đồng cỏ tươi tốt, luôn để mắt tới từng con chiên và cố gắng không để chúng lạc bầy, chiều về phải dẫn chiên về chuồng để tránh thú dữ, và cánh cửa cũng không kém phần quan trọng khi giúp bảo vệ chiên khỏi chạy ra ngoài trong đêm tối.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã ví Ngài là Cửa chuồng chiên, là nơi mà mỗi con chiên phải đi qua. “Cửa” chuồng chiên không phải là hình ảnh thụ động, trái lại là hình ảnh sống động và luôn dõi theo từng con chiên một. Gioan dùng hình ảnh này để nói với mỗi người là Chúa Giêsu Phục sinh luôn đồng hành và dõi bước từng người trong chúng ta. Ngài chăm lo cho từng con một: sáng sớm cửa mở ra để chiên đi ăn, tối về chiên bước qua cửa để vào chuồng chiên và cửa đóng lại có vai trò bảo vệ chiên khỏi thú dữ. Chúa Giêsu là Cửa: Ngài mở cửa Trái tim nhân hậu ra để tuôn tràn sự sống cho nhân loại. Cánh Cửa “đóng lại” là để giữ gìn, ôm ấp từng người qua việc ban phát ơn lành.
Lời mời gọi của thánh Gioan là hãy chọn Đức Giêsu, để bước vào cánh cửa mang lại nguồn sống. Bước vào con đường hẹp tựa như cánh cửa để chúng ta được đến một nơi an nghỉ và bước vào một nơi được no thỏa ân sủng. Nơi Đức Giêsu tuôn tràn sự sung mãn tình yêu, là nguồn suối của sự sống. Có được Đức Giêsu là có được kho tàng sự sống viên mãn, sự sống biến đổi chúng ta trở nên người công chính (bài đọc 2) qua việc được thứ tha mọi tội lỗi và nhận được ân huệ là Thánh Thần (bài đọc 1).
Điểm độc đáo của Kitô giáo là gọi Thiên Chúa là Cha và Chúa gọi tên từng người một. Chúng ta được sống trong cùng một “đàn chiên” là Giáo hội không như sống trong quân đội, chỉ làm theo mệnh lệnh, nhưng sống cùng một đàn chiên trong tương quan với Chúa Giêsu không phải kiểu chung chung. Chúng ta không đơn giản chỉ là gương mặt trong đám đông. Người biết tên từng con chiên của mình và chúng ta biết tiếng của Người. có những khi chúng ta quên, hay không nghe tiếng của Người và chúng ta bị lạc lối, nhưng Người tìm kiếm chúng ta rồi tìm cách gọi chúng ta trở về: có khi là tiếng gọi trực tiếp, nhưng có lúc qua bạn bè, người thân… Sau khi nghe được tiếng Người chúng ta quay đầu lại với cánh cửa của Đức Giêsu đang rộng mở chờ đón chúng ta bước vào nguồn suối tươi mát của lòng xót thương và được nghỉ ngơi trong ân sủng của Người.
Hình ảnh Cửa chuồng chiên và Mục Tử nhân lành, chủ đề của chủ nhật IV Phục sinh là thông điệp được nhắc lại trong mỗi hình ảnh cho thấy Người quan tâm đến hạnh phúc của mỗi người: hạnh phúc đó không chỉ là sự an toàn được bảo vệ khi bước qua Cửa mà còn được hưởng sự sống dồi sào trong tình yêu thứ tha của Đấng Phục sinh đàng sau cánh Cửa đó. Ngài muốn chúng ta cẩn trọng với những mục tử dẫn chúng ta lạc lối.
Vị Mục tử nói với chúng ta và Người muốn chúng ta đáp lại qua việc bước theo. Mẫu gương của thánh Phêrô là lời đáp trả nhiệt thành cho tiếng gọi của Mục tử… Cuộc đời theo Thầy Giêsu của Phêrô rất nhiều lời đáp trả. Lời đáp trả đầu tiên chính là từ bỏ mọi sự để bước vào cuộc phiêu lưu mới với hy vọng “đổi đời”. Lời đáp trả tiếp theo là lời tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Kitô: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống (Mt 16,16). Kế đến là lời đáp trả với tinh thần yêu mến: …Thầy biết con yêu mến Thầy (Ga 21,16). Và lời đáp mãnh liệt cho tiếng gọi của Mục tử chính là lòng hoán cải sau khi phản bội. Tiếng “gọi” không còn hệ tại nơi ngôn ngữ nhưng qua ánh mắt (x.Lc 22,61). Tiếng gọi bằng ánh mắt của vị Mục tử đã được đáp lại bằng sự thống hối, ăn năn của Phêrô.
Ngày hôm nay, Mục tử nhân lành Giêsu vẫn gọi mỗi người trong từng khía cạnh của đời sống, nơi gương thánh Phêrô, chúng ta hãy đáp trả và mau mắn bước theo. Lời đáp trả đó chính là thực hành Lời Chúa và sống theo giới răn yêu thương của Ngài, để chúng ta cũng trở nên mục tử mang lại niềm vui cho người chung quanh, hầu xây dựng một Giáo hội hiệp nhất, yêu thương; để Giáo hội là điểm quy tụ của tình yêu và lòng thương xót, nơi mà tất cả mọi người được đón nhận và yêu thương, tha thứ và nâng đỡ để sống tốt giá trị cao đẹp của Tin Mừng, như lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô.
Tu sĩ Jb Nguyễn Cường