“Người đã học vâng phục và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời”. Ảnh: CTV |
Cuộc sống con người khi đối diện với cái chết, ai cũng lo lắng, bàng hoàng, sợ hãi. Nhưng với người Kitô hữu chúng ta có một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, khi đối diện với cái chết giúp ta biết được chết không phải là hết, mà đi vào cuộc sống mới trong Đức Kitô. Vì thế, phụng vụ Mùa Chay dẫn chúng ta đi với Đức Giêsu tới ngưỡng cửa của cuộc khổ nạn và giờ đây là những ngày cuối cùng của Chúa lúc ở trần gian, khi bước sang một giai đoạn mới: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27).
Qua đó, diễn tiến bài đọc thứ nhất trích sách Ngôn sứ Giêrêmia đề cập tới việc Thiên Chúa thiết lập giao ước mới, thay thế cho giao ước cũ với việc đưa dân Ixraen ra khỏi Ai Cập, và ký kết với dân một giao ước mới là mười lời được khắc trên bia đá, kể từ nay Ixraen sẽ là dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa sẽ ở với họ, với một điều kiện họ phải tuân giữ những gì Thiên Chúa phán qua ông Môsê: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ixraen sau những ngày đó-sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33). Chính bởi tình yêu thương Thiên Chúa luôn ở với họ, để nhờ đó dân biết sống một tinh thần mới, biết vâng phục đường lối của Thiên Chúa, bằng tình yêu chân thật chính là tâm hồn của họ biết lắng nghe để đáp lại tình yêu thương cứu độ của Ngài.
Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay khi Đức Giêsu loan báo cái chết của Ngài, cũng là lúc Chúa đánh dấu một giai đoạn quan trọng dứt khoát đối với nhân loại. Việc sáng tạo cũ đến đây kết thúc, để khởi đầu sự sáng tạo mới, những kẻ chống đối bị chung số phận với thủ lãnh thế gian (xc. Ga 3,8) còn những người tin theo Chúa thì được hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đối với Chúa Giêsu, điệp từ “GIỜ NÀY” mang ý nghĩa đau khổ cũng là vinh quang, vì yêu thương chúng ta, Chúa ao ước được chết cho nhân loại; còn chúng ta, có sẵn sàng bước vào giờ đau thương hiện tại vì anh em và vì danh Chúa không? Đối với thù địch của Chúa Kitô, chết là một bi kịch, là một thất bại, là một sự ô nhục. Thế nhưng, trước mặt Chúa, chết là một sự khởi đầu và giờ đây vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện, cái chết của Chúa là một chiến thắng lớn lao nhất cho Chúa Cha (x. Ga 12,28) qua đó biểu lộ quyền năng tình thương của Ngài cho nhân loại. Cho nên, trong cuộc sống người tín hữu phải gắn liền với đời sống Chúa Kitô, chúng ta phải là bông lúa thối đi, chứ nếu nó chỉ trơ trọi một mình thì làm sao sống cho Tin Mừng và đem Lời Chúa đến cho người khác. Vì thế, mọi người phải biết hy sinh tính ích kỷ, biết chịu đựng và đón nhận những gì không tốt của người khác đem tới (x. Ep 4,22-24).
Ngày xưa những nhà ngoại giáo đã nhờ Philipphê làm trung gian, để họ gặp gỡ Đức Kitô. Những người này có thiện chí, có ý ngay lành, có tấm lòng thanh sạch…muốn đi tìm chân lý, ánh sáng. Ngày nay nhân loại cũng nhờ các sứ giả của Chúa để gặp gỡ Ngài, chúng ta phải làm sao để Lời Chúa được triển nở và sinh hoa kết trái, vì chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa để lại. Chính vì vậy, mọi người phải làm chứng cho Tin Mừng bằng đời sống tốt, biết hy sinh cho người khác, tôn thờ kính sợ một mình Thiên Chúa, hãy đưa Lời Chúa tới những người ngoại đạo, để họ cũng được lắng nghe và sống với Lời Ngài, vì tự đáy lòng nhân loại đang khao khát muốn biết con đường đưa tới hạnh phúc đích thực, thì cái chết của Chúa không trở nên vô nghĩa. Chúa Giêsu đã cho các môn đệ xưa kia và cho chúng ta ngày nay biết rằng, sự tôn vinh đích thực của Ngài là hy sinh mạng sống, bị giương cao để cứu độ nhân loại, vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập tự.
Qua đó, chúng ta thấy rõ việc Chúa hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha để thể hiện chương trình cứu độ, sự vâng phục này được thể hiện qua việc Đức Giêsu sẵn lòng chịu khổ nạn, chịu chết nhục nhã để cứu độ nhân loại. Đức Giêsu đã vâng lời một cách triệt để đây quả là một điều không phải dễ dàng chút nào vì: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Hr 5, 8- 9). Bởi những ơn lành chúng ta nhận được nhưng không từ nơi Thiên Chúa, vì thế mọi người cũng theo gương Chúa dám sống, dám chết cho người khác và luôn biết đón nhận những đau khổ hằng ngày để cùng bước vào tuần khổ nạn với Chúa, nhằm đổi mới và thanh luyện bản thân tới mức thập toàn.