Suy tư - Chia sẻ

Quay về với Thiên Chúa

Cập nhật lúc 11:48 05/03/2021
Mùa Chay, có gốc tiếng Latinh là quadragesima, nghĩa là mùa bốn mươi, là thời gian chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh. Đây cũng là thời gian để người dự tòng hoàn tất giai đoạn chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích Thánh tẩy vào đêm canh thức Phục sinh, và để các Kitô hữu sám hối và sống ơn đức tin của bí tích Thánh tẩy cách tốt đẹp hơn.
Mùa Chay, có gốc tiếng Latinh là quadragesima, nghĩa là mùa bốn mươi, là thời gian chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh. Đây cũng là thời gian để người dự tòng hoàn tất giai đoạn chuẩn bị cho việc lãnh nhận bí tích Thánh tẩy vào đêm canh thức Phục sinh, và để các Kitô hữu sám hối và sống ơn đức tin của bí tích Thánh tẩy cách tốt đẹp hơn.
Khởi đầu Mùa Chay, Lời Chúa mời gọi các tín hữu hãy sám hối và hãy tin vào Tin Mừng. Sám hối là nhìn nhận, hối hận vì đã phạm tội, đã xúc phạm đến sự thánh thiện và tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời dốc lòng chừa. Việc sám hối bao hàm ý muốn xưng nhận và từ bỏ, sửa đổi, đền bù và quay về với Thiên Chúa. Đây là hành vi tự do của nội tâm liên hệ đến lí trí, tình cảm và ý chí. Và chúng ta tin rằng việc sám hối là do hồng ân của Thiên Chúa ban dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tự sức ta khó có thể quay về với Thiên Chúa, nhưng là nhờ ơn Chúa.
Trình thuật ở bài đọc thứ nhất, tác giả sách Sáng thế cho ta biết mọi loài thụ tạo làm thành một tổng thể liên hệ với nhau. Hôm nay Đức Chúa giao ước với loài người, nên các loài khác cũng được chia sẻ, liên đới với nhau trong sự may mắn cũng như trong tai họa.
Mỗi giao ước giữa Đức Chúa và đương sự, đều có một dấu hiệu. Dấu hiệu này sẽ nhắc nhở một cách hữu hình, cho thiên hạ thấy rằng Đức Chúa ra tay cứu độ. Những dấu hiệu ấy là: Mống cầu vồng trong giao ước với ông Nôê và nhân loại, khi được cứu khỏi Đại Hồng Thủy. Vào thời ấy, treo cung lên tường là dấu hiệu bình an của thời đại: cầu vồng là cây cung Thiên Chúa treo trên trời là lều của Ngài. Thiên Chúa nhớ lại ông Nôê và sẽ nhớ lại giao ước Ngài đã lập với ông. Trong các bản văn tư tế, “nhớ lại” là từ chuyên môn để nói rằng Đức Chúa luôn luôn hiện diện giữa dân Ngài để cứu độ.
Ông Nôê được coi như là người cha thứ hai của nhân loại, vì nhờ ông mà nhân loại thoát chết. Với ông, mọi sự bắt đầu trở lại: Thiên nhiên lấy lại nhịp sống, con người tìm lại quyền hành. Và Đức Chúa lập giao ước với loài người. Giao ước này nêu lên thái độ của Đức Chúa đối với loài người, là sẽ không để loài người bị tiêu diệt.
Giao ước của Thiên Chúa không phải chỉ có giá trị đối với một nhóm được tuyển chọn mà với tất cả nhân loại. Thiên Chúa không phải chỉ là Thiên Chúa của những kẻ tin, nhưng của toàn thể thế giới. Thiên Chúa không tỏ cho một nhóm nhân loại biết Ngài như đã tỏ mình ra với Ixraen, và sau này với các Kitô hữu. Tuy nhiên, với hết mọi người, trong mọi đất nước, Ngài ban những dấu chỉ về sự quan phòng và lòng nhân ái của Ngài qua những biến cố hằng ngày: đó là điều Ngài bộc lộ khi mời gọi con cháu ông Nôê nhận ra trong cầu vồng lời nhắc nhở về giao ước Ngài lập với họ (x. St 9,12). 
Thiên Chúa xuống thế làm người. Đức Giêsu chia sẻ cuộc sống của người dân cùng thời với Người. Và, cũng như các ngôn sứ, Người giảng dạy bằng lời nói và việc làm. Thời kì đã mãn có ý nghĩa thời kì được Thiên Chúa ấn định đã đến hồi viên mãn (Gl 4,4; Ep 1,10). Thời kì chấm dứt và sự xuất hiện của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo nay đã đến gần.
Vậy hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, Thiên Chúa không chờ đợi con người “lập công” nhưng kêu gọi con người đến với đức tin. Là Kitô hữu, việc sám hối là việc làm thường xuyên, liên tục; để nhìn lại thân phận mình yếu hèn và bất xứng; từ đó quay về với Thiên Chúa cách tận căn.
Đức Giêsu chiến thắng Xatan, hòa giải giữa loài người và muôn loài, đem lại cho mọi loài bình an và hạnh phúc. Người đóng ấn giao ước mới này bằng máu của mình, để nói lên rằng Đức Chúa tha thứ và luôn luôn yêu thương vô ngần.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phêrô đề cập đến sự kiện “Chúa xuống ngục tổ tông” mà kinh Tin Kính nhắc đến. Chúng ta thấy thánh Phaolô cũng nói đến trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất?” (4,9). Thánh Phêrô nói đến các người tội lỗi thời ông Nôê. Đối với người Do thái, họ là điển hình của những người vô trách nhiệm không lưu tâm gì đến thánh ý Thiên Chúa. Thế nhưng, Đức Giêsu lại cứu họ: Chúa đã đến để cứu mọi người, chứ không chỉ cứu những ai trung thành hoặc đã may mắn được gặp Người trong Hội Thánh Chúa. Lưu ý việc so sánh nạn hồng thủy với bí tích Thánh tẩy: Nước rửa sạch thế giới cũ, tức là một đời tội lỗi; ai đến với Đức Giêsu thì bắt đầu một đời sống mới, bằng cách cố gắng giữ lương tâm trong trắng.
Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Nghĩa là Người đã chết bởi vì đã chấp nhận và thật sự mang lấy thân phận phải chết của chúng ta, nhưng Thần Khí Thiên Chúa phải làm cho Người sống lại.
Đức Giêsu đến thế gian để đảm nhận sứ mạng Chúa Cha trao phó. Người đương đầu với Xatan, là đương đầu với tất cả quyền lực sự dữ, với muôn địch thù của nhân loại; và Người đã chiến thắng. Hơn nữa, Đức Giêsu sống bình an giữa dã thú, đó là biểu tượng của cuộc chiến thắng, của cuộc trở lại vườn địa đàng xưa, với cảnh sống thanh bình và hạnh phúc mà tổ tiên đã được vui hưởng trước khi phạm tội.
Nhưng sứ mạng của Đức Giêsu, Đấng Mêsia là gì? Sứ mạng ấy là công bố và minh chứng rằng, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử loài người; đó là thực thi điều họ mong chờ, là loan báo Tin Mừng và đồng thời, là kêu gọi họ trở lại và tin vào Thiên Chúa và Đức Giêsu.
Bốn mươi ngày Mùa Chay tượng trưng cuộc hành trình bốn mươi năm của dân Ixraen trong sa mạc đi về đất hứa và tương ứng với bốn mươi ngày Đức Giêsu giữ chay trong sa mạc, trước khi khởi sự rao giảng Tin Mừng. Sống tâm tình Mùa Chay năm nay, chúng ta đổi mới toàn diện con người mình, cả bề trong lẫn bề ngoài. Chúng ta quyết tâm hướng về Thiên Chúa, từ bỏ những gì xấu xa và quay về với Thiên Chúa.
Tu sĩ Phêrô Lôrensô Võ Quí An
Thông tin khác:
Chúa làm tại đây những sự lạ lùng (05/03/2021)
Lao động thăng tiến đời sống con người (26/02/2021)
Tâm tình cầu nguyện đầu năm mới (26/02/2021)
Yêu thương đón nhận và chia sẻ (17/02/2021)
Mừng Tết với tâm tình vâng phục thánh ý Chúa (08/02/2021)
Hành động cúi xuống (07/01/2021)
Một thoáng nhìn về thánh Giuse trong đời tôi (06/01/2021)
Người mẹ đảm đang (05/01/2021)
Tìm gặp Chúa (05/01/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log