“Công ăn việc làm” là để có thể phục vụ, chia sẻ và giúp đỡ. Ảnh: CTV |
Những ngày đầu xuân đối với tâm thức con người Việt Nam chúng ta là một sự đánh dấu cho việc bỏ lại phía sau những điều không may, những việc làm không thuận lợi để khởi đầu và cầu chúc cho một năm mới được “tươi mới” hơn. Chúng ta tạ ơn Chúa và cầu bình an trong ngày đầu tiên của năm mới. Chúng ta biểu lộ ý thức cội nguồn và tinh thần hiếu thảo với ông bà cha mẹ trong ngày Mồng Hai Tết. Hôm nay, Mồng Ba Tết, chúng ta cầu xin Chúa ban ơn thánh hóa công ăn việc làm bởi vì người Kitô hữu tin rằng: mọi sự chúng ta có đều là do bởi Chúa. Những bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhìn thấy vai trò của lao động trong đời sống con người với con mắt đức tin. Để rồi, bằng việc hiểu và ý thức điều đó, chúng ta sẽ sống đời sống người Kitô hữu thực sự rõ nét trong những công việc thường ngày.
Bài đọc 1, trình thuật sách Sáng Thế cho thấy vị trí của con người trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa: con người là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên đầu tiên. Sách Sáng Thế mô tả: thuở ban đầu mặt đất chỉ là một hành tinh khô cằn gần như là không có sự sống, cho tới khi: “một dòng nước trào lên và tưới khắp mặt đất”. Đây là ân huệ đầu tiên Thiên Chúa ban cho trái đất: một dòng nước trào lên thấm vào đất khô cằn, làm nảy sinh sự sống. Và rồi, Thiên Chúa làm một công việc tuyệt vời và kỳ diệu: từ “bụi và đất” Ngài đã tạo nên con người, ban cho con người “sinh khí” là sự sống của Thiên Chúa, con người được sống nhờ hơi thở của Thiên Chúa. Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã tỏ lòng ưu ái với con người khi dọn sẵn một thửa vườn “trông thì đẹp, ăn thì ngon”. Trong đó, có hai cây đặc biệt được nhắc tên: “cây trường sinh” và “cây cho biết điều thiện điều ác” trồng ở giữa vườn. “Cây trường sinh” ở đây cho thấy ơn bất tử con người được hưởng khi sống trong vườn Ê-đen; còn “sự biết điều thiện điều ác” ở đây là một sự biết hoàn hảo tạo nên khả năng phân biệt phải trái, ác thiện, và quyết định phải ăn ở làm sao, hành động thế nào trong đời sống nhân loại. Như thế, trình thuật sách Sáng Thế cho ta thấy giữa Thiên Chúa và con người, có một mối tương quan riêng biệt mà Công Đồng Tren-tô (1546) nói đến “tình trạng thánh thiện và công chính” nguyên thuỷ, nghĩa là được làm con Thiên Chúa. Và rồi, Thiên Chúa đặt con người vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai.
Cũng vậy, câu chuyện dụ ngôn những yến bạc mà Tin Mừng Mát-thêu thuật lại cho chúng ta cho thấy trên đời này, mỗi người là một quản lý của Chúa; phải sinh lời tuỳ theo vốn Chúa ban. Những nén bạc là khả năng, trách nhiệm, thì giờ, của cải… mà Chúa ban cho chúng ta. Trong Tin Mừng Mát-thêu, nén bạc đó cũng là “Tin Mừng” hay là sự hiểu biết của mỗi người về Tin Mừng. Sự hiểu biết này cần phải chuyển thành hoa trái là phục vụ và bác ái đối với tha nhân. Thời gian quản lý là cuộc đời mỗi người. Người quản lý đúng là sử dụng ơn Chúa theo chủ đích của Chúa khi Ngài ban các ơn ấy. Nhờ đó, chúng ta được hưởng “niềm vui” của người đầy tớ tốt cảm nhận được khi vào hưởng bữa tiệc thiên quốc. Trong dụ ngôn, ông chủ còn nói thêm: “Vì phàm ai đã có thì được cho thêm”. Ai có tức là đã trung thành trong những chuyện nhỏ ở cuộc sống trần thế, sẽ nhận được một phần thưởng lớn; còn kẻ nào không có gì, tức là đã bất trung hoặc lười biếng, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc ở “chỗ tối tăm bên ngoài” là cuộc trầm luân đời đời.
Giống như những tôi tớ trong dụ ngôn, chúng ta là thụ tạo của Thiên Chúa. Những tài năng và khả năng của chúng ta đều là Chúa ban cho. Tuy nhiên, mỗi người đều được Chúa ban cho những khả năng nhất định và khác nhau. Mỗi người mỗi vẻ và làm cho cuộc sống trở nên thật tươi đẹp và đa dạng. Mỗi người được Chúa ban cho số lượng những nén bạc khác nhau. Những nén bạc có thể là những đức tính, những khả năng mà chúng ta phải làm triển nở lên thêm. Như gương của thánh Phao-lô được nói đến trong Bài đọc 2, ngài không viện lẽ bắt người khác phải phục vụ nhưng luôn làm việc như những anh chị em khác. Thậm chí chính ngài cũng đã dùng của cải nhờ việc làm lụng vất vả để giúp đỡ những người đau yếu trong cộng đoàn. Thiên Chúa dùng các cộng sự viên để thực hiện các kế hoạch của Ngài. Ngài không tự mình làm nhưng nhờ trung gian những người thân tín. Đời sống Kitô hữu không phải là một nếp sống tĩnh hay là nghỉ ngơi thoải mái; không phải chỉ tránh sự dữ là đủ còn cần phải vận dụng tất cả các năng lực và chính đời sống mình mà làm điều thiện và làm việc bác ái cho anh chị em.
Khi chúng ta lao động hết mình để tạo ra của cải vật chất để nuôi sống mình và phục vụ tha nhân là chúng ta đã sống đúng vai trò của mình, sống đúng phẩm giá làm con người và làm con Thiên Chúa. Chúng ta hãy cố gắng làm cho nén bạc Chúa trao ban được sinh lợi trong tinh thần yêu mến, tạ ơn và vâng phục để ngày sau chính Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín. Hãy vào hưởng lấy sự vui mừng của Chủ ngươi”