Hoang mang, sợ hãi và lo âu là hậu quả cuả tội lỗi con người. Ông bà nguyên tổ, sau khi phạm tội, đã không còn giữ được sự bình an mà Thiên Chúa ban cho nên đã chạy trốn và ẩn náu. Trong những ngày vừa qua, Tin Mừng cho chúng ta thấy các môn đệ của Chúa Giêsu cũng chìm đắm trong tâm trạng sợ hãi tột cùng khi Thầy mình lâm vào cuộc tử nạn đau thương. Trong Vườn Cây Dầu, các ông không đủ nhuệ khí để thức với Thầy; khi Thầy bị bắt, các ông chạy trốn hết hoặc chỉ dám đứng xa xa theo dõi; ngay cả tông đồ cả Phêrô vừa mới thề sống chết với Thầy nhưng sau đó không lâu, chính ông lại chối bỏ Thầy cách công khai vì sợ hãi. Sau khi Chúa Giêsu chịu chết, các môn đệ của Người dường như lâm vào cảnh thất vọng hoàn toàn, mất hết phương hướng và lý tưởng. Họ lâm vào sự sợ hãi cùng cực. Tâm trạng tuyệt vọng, khắc khoải âu lo tràn ngập con người họ. Quả thật, biến cố chịu chết của Chúa Giêsu đã làm tất cả các môn đệ vấp ngã như Chúa Giêsu đã báo trước.
Chúa Giêsu Phục Sinh từ ngày thứ nhất trong tuần đã hiện ra với các môn đệ trong căn phòng kín mà các ông tụ họp. Lời đầu tiên của Đâng Phục Sinh là : “Bình an cho anh em” (Ga 20,19-21). Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ của Người. Đó là ân huệ lớn lao của Đấng Phục sinh. Bình an của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu Phục sinh, không như bình an của người đời. Đó là bình an xuyên qua cuộc khổ hình và Phục Sinh.
Khi được thấy Chúa Giêsu hiện ra, các môn đệ tuy hết sức sợ hãi nhưng rồi lại rất đỗi vui mừng. Thật vậy, bình an của Chúa luôn đem đến cho con người sự an tâm và quên mọi sợ hãi. Bình an của Chúa Giêsu là tuyệt đối và cần thiết vì Người đã chiến thắng sự chết, thắng được mọi thế lực của ma quỉ. Chính bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh khiến các môn đệ can đảm và hăng hái ra khỏi chính mình.
Các sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội họp trong nhà, cửa đóng then cài vì sợ người Do thái. Khi Chúa hiện diện, sự sợ hãi của các môn đệ tan biến và các ông có được niềm vui, bình an, can đảm.
Ta thấy sự khó khăn của các tông đồ khi phải chuyển từ nhận thức Chúa Giêsu vẫn như trước đây sang nhận thức về một Chúa Giêsu đã phục sinh từ cõi chết : một mặt Người đã hoàn toàn biến đổi vì đã phục sinh, nhưng mặt khác Người vẫn là Đấng đã chịu đóng đinh. Do đó, ban đầu các tông đồ ban đầu đã không tin, và chỉ dần dần về sau các ông mới tin được. Chúa Giêsu chủ động đến với các ông và ban bình an cho các ông. Phản ứng đầu tiên của các ông khi thấy Người là “kinh hồn bạt vía và tưởng là thấy ma”. Ta thấy sự phản ứng này rất trái ngược với điều mà chính họ đã vừa nói trước đây với hai môn đệ Emmau: “Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon”.
Có lúc tin, có lúc lại ngờ vực : đó là tâm trạng chưa ổn định của các tông đồ ban đầu. Để thuyết phục các ông, trước hết Chúa Giêsu nói và sau đó là làm một hành động thật gần gũi, quen thuộc với các ông. Việc cho các ông thấy và rờ chân tay Người nhằm chứng minh rằng Chúa Giêsu hôm nay vẫn là một với Chúa Giêsu hôm qua đã từng chịu nạn chịu chết ; và Người cũng là người bình thường, vì “ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Vậy mà dường như các ông vẫn chưa tin. Chúa Giêsu lại nói lời thứ hai và làm cử chỉ thứ hai: “Ở đây anh em có gì ăn không ?, các ông đưa cho người khúc cá nướng, và Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông”.
Để tin vào Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có sự hiện ra của Người chưa đủ, cần phải thuyết phục bằng lời Thánh Kinh nữa. Vì thế Chúa Giêsu bắt đầu chứng minh rằng những điều được nói trong Thánh Kinh nay đã ứng nghiệm nơi Người: Đấng Kitô phải chịu khổ, chịu chết rồi mới sống lại. Đấy cũng là cách mà Chúa Giêsu phục sinh đã dùng đối với hai môn đệ Emmau để giúp hai ông nhận ra Người đã Phục Sinh. Người còn cho họ biết rằng chương trình cứu độ của Thiên Chúa không chấm dứt với việc phục sinh của Người, nhưng còn phải kéo dài mãi : Giáo Hội phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân biết, tin và sám hối để được tha tội. Bắt đầu từ Giêrusalem là thành phố mà Chúa Giêsu hoàn thành kế hoạch Thiên Chúa, đây không phải là điểm tới mà chỉ là điểm khởi đầu cho một sứ vụ sẽ lan tới khắp muôn dân. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô là một thực tại căn bản; niềm tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh là mầm sống duy nhất, có thể bảo đảm sự thành công toàn vẹn của con người trong tâm trí và ngay cả trong thân xác.
Chúa Phục Sinh chính là nguồn bình an lớn lao cho các môn đệ. Khi tâm hồn của các ông đang chìm trong hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc bình an của Chúa Giêsu rất quan trọng và có ý nghĩa lớn lao. Đó là sức mạnh củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông. Sự bình an của Thiên Chúa cho chúng ta không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, chỉ có bình an nơi Thiên Chúa mời tròn đầy và vĩnh viễn. Chỉ có bình an của Thiên Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc đích thực. Đó là sự bình an của tâm hồn kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và luôn tin tưởng, phó thác nơi Ngài.
Thế giới hôm nay đang chìm đắm trong những khủng hoảng, chiến tranh và hận thù. Sự bình an thật thiếu vắng. Con người khắc khoải tìm cho mình sự bình an nhưng thật khó khăn. Biết bao lo lắng ngay trong cuộc sống thường nhật cũng khiến cho con người bất an. Cho tới mọi thời, sự bình an của Thiên Chúa ban tặng vẫn luôn có giá trị to lớn cho con người. Giữa cơn lo lắng, xao xuyến và sợ hãi, ta được mời gọi chạy đến với Thiên Chúa để lãnh nhận nguồn bình an của Ngài.
Khi đón nhận ơn bình an Thiên Chúa ban tặng cho ta, cũng mời gọi ta trở nên những khí cụ bình an của Thiên Chúa, để kiến tạo và vun đắp bình an ấy cho toàn thể nhân loại. Tâm hồn, con người và cuộc đời ta phải trở nên một phản chiếu ơn bình an của Thiên Chúa cho con người hôm nay.
Lạy Chúa, xin ban bình an cho chúng con. Amen.