“Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11)“. Ảnh: CTV |
Lương thực vật chất rất cần cho con người sống qua ngày. Thứ lương thực mà con người vẫn hằng tìm kiếm và phải vất vả mới làm ra để nuôi sống bản thân. Một thứ lương thực cần thiết hơn bao giờ hết đối với mỗi con người trong đời sống mai sau khi chúng ta được đón nhận một thứ bánh mà Chúa Giêsu ban cho ta không phải là vật chất mà là bánh có thể nuôi sống con người bằng sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Bài đọc sách Các Vua quyển thứ 2 của Chúa nhật XVII hôm nay phát xuất từ bản anh hùng ca về thầy trò Elia và Elisa, hai khuôn mặt chói chang của trào lưu ngôn sứ tại Ixraen, hai “vị thánh” mà các phép lạ không ngừng được kể lại để nuôi dưỡng và nâng đỡ lòng đạo đức của các tín hữu. Mặc dầu hơi ngắn, trình thuật hóa bánh do Elisa thực hiện chứa nhiều điểm trùng hợp với phép lạ của Chúa Giêsu; những chiếc bánh lúa mạch, cậu thiếu niên, nhận xét về sự chênh lệch giữa cung và cầu, sự no nê kỳ diệu, bằng ấy chi tiết chứng tỏ sự liên tục giữa Cựu ước và Tân ước, từ Elisa sang Chúa Giêsu. Các ngài là những chứng nhân của cùng một chương trình Thiên Chúa. Một Đấng là trạm tiếp vận, một Đấng là đích điểm sau cùng.
Qua đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, ta khám phá ra một sự ám chỉ thường xuyên đến cuộc Xuất hành: việc vượt qua biển Galilê (hồ Tibêria) nhắc đến lần vượt qua Biển Đỏ; bánh hóa nhiều gợi nhớ manna; những tiếng kêu ca của người Dothái nối tiếp những cuộc nổi loạn của người Hy bá chống lại Môisen trong hoang địa. Về phần ngọn núi, nó là phóng bản của núi Sinai. Sự nhấn mạnh rằng lễ vượt qua gần tới đánh dấu vị trí của biến cố này đối với quá khứ (Lễ Vượt qua kỷ niệm Xuất hành), đối với hiện tại (lễ Vượt qua này là một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Chúa Kitô, và đối với tương lai) trong dịp lễ Vượt qua Do thái này, Chúa Giêsu sửa soạn cho một lễ Vượt qua mới, cho việc thiết lập Thánh Thể tại nhà Tiệc ly và cho việc cử hành nó cách mới mẻ trong Giáo hội bằng thánh lễ.
Từ một hoàn cảnh cụ thể, Chúa Giêsu đòi hỏi các Tông đồ một sự vâng phục của đức tin. Lương tri tự nhiên khiến Người hỏi Philipphê: Ta mua được đâu bánh cho họ ăn? Rồi Người trả lời: Hãy cho họ ngồi xuống. Các Tông đồ thi hành lệnh của Thầy, và chắc hẳn họ cũng tự hỏi cái gì sắp xảy đến. Có lẽ họ nghĩ rằng: Với Thầy họ thì không nên tìm hiểu. Gioan viết: “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11). Nhưng chắc chắn Người đã nhờ các Tông đồ làm công việc phân phát ấy. Thánh Máccô thì bảo: “Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ bánh ra, trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng” (Mc 6,41). Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đồ, trước sự bất khả, đã chống lại ý Chúa Giêsu? Có thể họ đã không phải là những cộng tác viên với công việc thần linh của Người. Thành thử ta thấy sự vâng phục của đức tin dẫn ta đi đâu. Nó làm cho kẻ tin trở nên cộng tác viên của Thiên Chúa trong những công việc vô cùng vượt quá phương tiện loài người. Chúng ta có biết tuân hành những bổn phận mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta, nhất là khi những công việc ấy vượt quá khả năng chúng ta?
Dù không bàn đến tính cách kỳ diệu của việc hóa bánh, người ta tuy vậy cũng phải lưu ý rằng phép lạ đã chẳng xảy ra từ số không. Chúa Giêsu đã cần đến năm chiếc bánh và hai con cá do một em bé nhường lại như là chất liệu đầu tiên xét một cách nào đó. Ngày nay cũng vậy, tất cả mọi của cải dư dật, để có thể thấu đến nhiều người, thì trước tiên đòi buộc một sự để chung các tài nguyên đôi khi lúc đầu rất ít ỏi. Cái làm no nê thỏa mãn mỗi một người trong chúng ta, không phải là số lượng sản vật tích lũy mà mỗi người chiếm hữu cho mình, nhưng là ban phát và chia sẻ các sản vật đó cho tha nhân và chính việc ban phát chia sẻ này làm tăng giá trị và hương vị cho của cải, làm lộ ra cứu cánh đích thật của chúng: nuôi dưỡng sự thông hiệp của chúng ta với tất cả mọi người. Chúng ta kinh nghiệm điều này trong nhiệm tích Thánh Thể. Sẽ không có việc hóa bánh ra nhiều về phương diện phẩm cũng như không có bữa ăn thỏa mãn còn đói của chúng ta nếu chính chúng ta không mang tới bánh riêng của mình và chia sẻ nó một cách huynh đệ. Nhưng chỉ Lời Chúa trong Kinh Thánh mới có thể biểu dương và tạo ra những chiều kích vô biên của tình huynh đệ ấy...