Đứng trước vấn nạn của các môn đệ đang có những tư tưởng như thế vị Thầy Giêsu đã đưa ra một giáo huấn, một con đường nào để cho các môn đệ bước đi? Chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ điều đó?
Cuộc sống chung quanh chúng ta có biết bao con đường, nào là các tuyến đường giao thông phục vụ cho việc đi lại trao đổi buôn bán, nào là con đường học hành tìm kiếm kiến thức hay con đường danh vọng... Mỗi người chúng ta thường hay chú tâm tới con đường danh vọng của mình làm sao phải hơn người này người kia, nhiều khi cũng chỉ vì ham mê theo đuổi danh vọng mà làm cho ta đánh mất đi bản chất con người mình. Nhiều khi chỉ vì ghen tỵ, đố kỵ và quá đề cao chủ nghĩa cá nhân mà chính trong gia đình, làng xóm, xã hội mới có những chuyện tranh giành, chém giết lẫn nhau. Các Tông đồ là những con người theo sát chân Chúa Giêsu, được nghe rất nhiều giáo huấn của Thầy mình nhưng họ cũng là thân phận của con người luôn có những giới hạn và khuyết phạm, luôn có những ham muốn của con người. Khi nghe Thầy nói Con Người sẽ bị giết chết thì các Tông đồ cũng đã bàn tán xì xầm với nhau xem ai là người lớn, người có quyền lớn nhất nếu như Thầy mình chết. Đứng trước vấn nạn của các môn đệ đang có những tư tưởng như thế vị Thầy Giêsu đã đưa ra một giáo huấn, một con đường nào để cho các môn đệ bước đi? Chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ điều đó?
Các bài đọc và Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy có những thái độ đối nghịch nhau. Thái độ của những ai sống trong niềm tin và trung tín vào Thiên Chúa đối nghịch với thái độ của những kẻ thuộc về thế gian. Sách Khôn ngoan cho chúng ta thấy một viễn cảnh thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày chung quanh chúng ta đó là cảnh những kẻ gian ác luôn căm ghét, giận dữ đối với những người công chính. Người gian ác luôn tìm cách sách nhiễu, tìm cách làm hại những người công chính chỉ vì người công chính có một việc làm hay lời nói nhắc nhở thường xuyên về sự bất tuân của họ đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Tiếp đến thư của thánh Giacôbê nhắc nhở cho mỗi người chúng ta luôn phải cảnh giác với những tật xấu của mình như tính hay ghen tương, ích kỷ, đố kỵ, những đam mê khoái lạc,... Chính vì chúng ta sống trong sự ghen ghét, đố kỵ, xét đoán, chỉ trích nhau mà ta đã gây đau khổ và chết chóc cho người khác. Từ những cung cách sống đối nghịch với Thiên Chúa luôn làm cho cuộc sống chúng ta bị xáo trộn và đủ mọi sự xấu xa. Nhưng Chúa Giêsu đã chỉ cho các Tông đồ và mọi người chúng ta một con đường mới đó là chúng ta phải sống theo lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa. Chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ đem lại cho chúng ta hoa trái tốt lành được gieo vãi trong sự bình an. Trong chủ nhật trước chúng ta được giáo huấn của Đức Giêsu về cái chết và Phục sinh của Người. Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cho chúng ta về giáo huấn đó. Thánh Máccô cho thấy được rằng các môn đệ đã rất bối rối và không dám hỏi Thầy mình về chuyện này (x. Mc 9,32). Phải chăng các ông sợ bị Chúa quở trách như đã từng quở trách Phêrô: “Xatan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Hay họ chưa nắm rõ được những hậu quả của những điều Thầy mình nói. Khi Đức Giêsu nói con Người phải chịu đau khổ nhiều và bị giết chết thì trong các Tông đồ đã có một cuộc tranh luận để xem ai sẽ là người lãnh đạo nếu như Thầy bị giết chết. Nhưng Chúa biết mọi sự, hẳn Người cũng biết các học trò của mình đang tranh luận chuyện gì, nhưng họ e ngại không dám nói với Người. Đúng là một người thầy, không cần họ phải giải thích. Người cho họ biết nhưng bằng cách họ hoàn toàn không ngờ. Một giáo huấn về chức quyền địa vị trong cộng đoàn của Đức Giêsu là kết quả của người phục vụ người khác, đối nghịch với những người làm lớn bên ngoài là bắt người khác phải hầu hạ, phải phục tùng mình. Trong xã hội lúc bấy giờ, chuyện phân biệt màu da, phân biệt người giàu và kẻ nghèo, người tôn giáo và người ngoại và nhất là coi thường những người tội lỗi, trẻ em cũng bị xem thường và chẳng có quyền hành gì trong xã hội và cuộc sống. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì lại bế một em bé và cho ngồi đồng bàn với các môn đệ để dạy cho các môn đệ và mỗi người chúng ta là phải tôn trọng và tiếp đón những người hèn yếu bị bỏ rơi, vì “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng chính là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (x. Mc 9,37). Chúng ta thấy giữa cái nhìn và đường lối của Đức Giêsu thì thường đi ngược với cái nhìn và đường lối của thế gian. Giữa hai cái nhìn đó không bao giờ hòa trộn được với nhau giống như dầu với nước vậy. Chính vì thế mà Chúa muốn mỗi người chúng ta cần có một cái nhìn mới, cần được biến đổi hoàn toàn mới có thể đón nhận giáo huấn và đường lối của Người được. Chúng ta có thể gặp được Đức Giêsu và Cha của Người trong những con người bị xã hội coi thường, những người tội lỗi bị rẻ rúng, những đứa trẻ bị coi thường,... vì họ cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu trong cuộc sống chúng ta không có một cái nhìn tích cực, chỉ biết nhìn bề ngoài mà chỉ trích xét đoán người khác thì chúng ta cũng vẫn giữ quan điểm của thế gian chứ không như Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu nói: “đường lối của tôi không phải và sẽ không bao giờ là đường lối của thế gian”.
Như vậy, trong cuộc sống có rất nhiều đường lối để cho chúng ta chọn lựa cho mình một lối đi riêng cho mình. Nhưng Lời Chúa hôm nay Đức Giêsu chỉ cho mỗi người một con đường mới cho thái độ và trong cách phục vục tha nhân. Chúng ta phải luôn tự hỏi bản thân và xét mình mỗi ngày xem mình đã thực hiện điều này ra sao trong đời sống của mình? Những lúc gặp những thử thách, những thắc mắc ta có dám tới gần Chúa để hỏi Người không? Xin Chúa luôn ban cho mỗi người được sự khôn ngoan của Chúa để dù có gặp những khó khăn hay thất bại trong cuộc sống vẫn luôn đặt niềm tin tưởng vào sự khôn ngoan của Chúa, vì có Thiên Chúa phù trì, thân con đây có Chúa hằng thương nâng đỡ giữ gìn.
Tu sĩ Phanxicô Đức Nguyễn