Suy tư - Chia sẻ

Lời Chúa và Thánh thể, một bàn tiệc duy nhất

Cập nhật lúc 08:36 24/08/2015
Ai trong chúng ta có thể hiểu thấu được sự phong phú của Lời Chúa?
Trong cuộc lữ hành ngang qua sa mạc cuộc đời, với bao thách đố, ngờ vực, hiểm nguy, chúng ta cần được nuôi dưỡng, nâng đỡ để đi hết cuộc hành trình về quê thật. Có  ai tự nguyện mang cho ta bánh ăn, có thiên thần nào hiện ra đem bánh cho chúng ta không. Nhưng Chúa Cha đã muốn ban cho chúng ta tấm bánh từ trời, đó là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã trối lại cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hai điều: Lời và Bánh, Tin Mừng và Thánh Thể! Đó chính là nguồn lương thực dồi dào mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đó là hai nguồn của cùng một đức tin, là hai bàn tiệc của mỗi người Kitô hữu. Chỉ có ai lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ các điều răn của Người thì mới có thể ăn Bánh sự sống. Ai trong chúng ta có thể hiểu thấu được sự phong phú của Lời Chúa?
Chúng ta thấy ngay trong thời Cựu Ước, những trang đầu của Kinh Thánh đã minh chứng cho thấy Lời của Thiên Chúa có sự hiện hữu duy nhất. Thiên Chúa phán phải có ánh sáng liền có ánh sáng. Thiên Chúa phán... và xảy ra như vậy (x. St 1,3.7.9.11.15.24.30). Sau khi nguyên tổ chúng ta sa ngã, với lời hứa cứu độ, Lời Thiên Chúa trao ban lại hy vọng được cứu rỗi cho con người. Trong hiến chế “Lời Chúa” cũng khẳng định: “Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, được sai tới như “là người giữa con người”. Nhiều khi chúng ta nghe nói tới bánh hằng sống, bánh trường sinh thì chúng ta chỉ nghĩ ngay tới Bí tích Thánh Thể chứ ít ai nghĩ tới tấm bánh Lời Chúa. Nhưng Công đồng Vatican II khẳng định: khi chúng ta nghe đọc Lời Chúa trong phụng vụ thì Chúa Giêsu hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội. Còn chính Chúa Giêsu nói rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Lời Chúa trong sách Giôsuê thuật lại việc dân Ixraen được mời gọi chọn lựa phụng thờ Thiên Chúa hay theo thần khác. Và dân đã hồi tưởng lại bao việc Đức Chúa đã làm và nhất là cứu họ khỏi cảnh nô lệ của Ai Cập nên họ đã tái cam kết phụng thờ Thiên Chúa. Tiếp đến, trong thư của thánh Phaolô gửi cho Êphêxô, thánh nhân làm nổi bật lên một mầu nhiệm. Người so sánh tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh với hôn nhân. Cả hai đều dựa trên một tình yêu duy nhất. Còn trong Tin Mừng thánh Gioan lại tiếp tục bài giáo huấn của Người về chính Người là “bánh hằng sống”. Chúng ta thấy có nhiều môn đệ đang theo Người đã tới lúc phải chọn lựa và quyết định. Theo họ, giáo huấn của Người là không thể chấp nhận được nên đã có nhiều người rút lui. Sự kiện Lời của Chúa Giêsu có sức năng động và một sự thâm trầm mà những lời khác không có được. Các lời của Chúa là “lời ban sự sống”. Chúng chứa đựng, diễn tả và thông truyền một sự sống, đúng hơn là một “sự sống vĩnh cửu”, sự sống tràn đầy. Với việc mạc khải về Lời và Bánh hằng sống, con đường trở nên khó khăn hơn và điều đó được thể hiện qua việc nhiều môn đệ của người đã bỏ đi, chính các ông cũng cảm thấy “Lời ấy chói tai quá! Ai mà nghe cho nổi?” (x. Ga 6,60). Khi đó Ngài mới hỏi nhóm Mười hai Tông đồ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? Thánh Phêrô trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (x. Ga 6,67-68). Câu nói rất ngắn gọn nhưng diễn tả một niềm tin và niềm hy vọng vào tình yêu thương của Chúa, dẫu biết rằng con người chúng ta mang thân phận yếu đuối và mỏng dòn nhưng chúng ta thấy nơi Phêrô luôn mang một niềm hy vọng vào Lời và Bánh hằng sống. Nhiều khi chúng ta không biết làm cách nào để vượt qua chướng ngại của nội tâm, những chướng ngại đó có thể làm cản trở chúng ta trọn vẹn dấn thân theo Chúa Giêsu. Chính Đức Giêsu dạy cho chúng ta biết rằng: tự sức mình thì chúng ta không thể đi theo Người được, mà chúng ta cần có Chúa Thánh Thần là Đấng mặc khải về Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu được Lời Thiên Chúa và ban sức mạnh chúng ta sống đời sống làm con của Chúa Cha.
Như vậy, trong đời sống hằng ngày, mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng không thể để thiếu một trong hai bàn tiệc Lời và Bánh hằng sống, chính hai nguồn lương thực đó đem chúng ta tới một cuộc sống vĩnh cửu trong nước trời. Thánh Oirgene viết: “Chúng ta không chỉ uống Máu Chúa Kitô khi nhận lấy Máu Người theo lễ nghi của các mầu nhiệm, mà cả khi tiếp nhận các lời chứa đựng sự sống của Ngài nữa”. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã có bao giờ để câu trả lời của thánh Phêrô vang lên trong lòng, hay trên môi miệng chúng ta không? Mỗi người chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ, với một tấm lòng khao khát và yêu mến, hay nghiền ngẫm Lời Chúa đã nghe và thưởng thức của ăn quý giá là Mình Thánh Chúa Giêsu để được gặp Chúa và sống bằng sự sống của Chúa.
Tu sĩ Phanxicô Đức Nguyễn
 
Thông tin khác:
Đại họa (21/08/2015)
Bí tích Thánh thể trong sự liên thuộc với màu nhiệm Nhập thể (17/08/2015)
BƯỚC THEO mẹ TRÊN ĐƯỜNG LÊN TRỜI (14/08/2015)
Bánh ban Sự Sống Vĩnh Cửu (12/08/2015)
Hãy tiết độ và tỉnh thức (10/08/2015)
Sống ơn gọi Kitô hữu (04/08/2015)
Nghe lời Chúa trong tình hình hiện nay (30/07/2015)
Xin đừng chủ quan (23/07/2015)
Chút kinh nghiệm về LOAN BÁO TIN MỪNG (17/07/2015)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log