Suy tư - Chia sẻ

Đạo hiếu theo tinh thần Công giáo

Cập nhật lúc 13:54 19/01/2014
Theo phong tục của nhiều vùng miền trên dải hình chữ S (Việt Nam), con cháu trong Gia đình hồ hởi sắm lễ để đến Tết ông bà cha mẹ và những người bề trên trong dòng tộc. Đây là nét văn hoá thật đẹp, nói lên tinh thần tôn trọng đạo hiếu của người Việt Nam. Vậy, đạo hiếu trong tinh thần của những người con cái Chúa thì sao ?
Trong tâm tình những ngày cuối năm Âm lịch Quý Tỵ 2013, chuẩn bị chào đón Năm Mới Giáp Ngọ 2014, theo phong tục của nhiều vùng miền, con cháu trong Gia đình hồ hởi sắm lễ để đến Tết ông bà cha mẹ và những người bề trên trong dòng tộc. Thiết nghĩ đây là nét văn hoá thật đẹp, nói lên tinh thần tôn trọng đạo hiếu của người Việt Nam, chúng ta cùng tìm hiểu một chút về đạo hiếu trong tinh thần của những người con cái Chúa.
Người Việt Nam chúng ta rất coi trọng tinh thần hiếu thảo. Lòng thảo hiếu đã trở nên một điều hết sức quan trọng và linh thiêng, trở nên một Đạo tron truyền thống: Đạo hiếu. Nói đến đạo hiếu là nói đến truyền thống quý báu của người dân Việt dược thể hiện muôn hình muôn vẻ trong cuộc sống đời thường mà chúng ta cần chiêm nghiệm. Dù chúng ta đang đứng trên quan điểm của ngành triết học nào đi nữa, thì ta cũng không thể đánh mất chất liệu hiếu trong đời sống tâm hồn. Bởi vì: “Hiếu là tâm địa pháp môn”.
Trong văn hóa Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo được xem là một di sản quí báu, một chất liệu sống tốt đẹp được dân tộc ta yêu chuộng và giữ gìn. Ở nước ta với nền văn minh phát triển từ rất lâu, văn hoá Nho, Phật, Lão đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ngay từ thời lập quốc. Đạo Nho giáo cho rằng: “Hiếu thảo hay sự phụng dưỡng cha mẹ là cội nguồn của Nhân”. Phật giáo Việt Nam thì dạy rằng: "con cái không chỉ hiếu thuận cha mẹ một ngày mà là cả đời mình". Người Việt Nam Công Giáo cũng luôn kính hiếu với cha mẹ, tổ tiên, ngày giỗ nhiều tín đồ đến nhà thờ cầu nguyện cho hương hồn người đã khuất, họ đi đắp mộ, đặt hoa tưởng nhớ tổ tiên. Tuy có nhiều quan điểm song tựu trung lại giáo lý của các tôn giáo Việt Nam đều khuyên dạy đề cao và hướng con người đến việc nhận thức, thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành.
Nhìn từ khía cạnh lịch sử, có thể thấy những đóng góp của Đạo Công giáo vào sự hình thành và phát triển Đạo hiếu ở Việt nam có vẻ như muộn nhất, vì Đạo Công giáo mới xuất hiện vào thế kỷ XVI. Nhưng nếu chiếu theo ánh sáng đức tin, ta có thể thấy điều bất ngờ là Đạo hiếu trong Đạo Công giáo lại có từ rất xa xưa.
a. Hiếu có từ xa xưa
Đạo Công giáo tin vào một Thiên Chúa, có từ thuở đời đời. Ngài chính là Đầu và là Cuối của lịch sử. Thiên Chúa ấy lại là Thiên Chúa có Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vậy Ngôi Con là chính Đức Giêsu đã hiện hữu từ trong cung lòng Thiên Chúa Cha từ đời đời. Ngài chính là Đấng mạc khải Thiên Chúa Cha, vì Ngài là khuôn mặt hữu hình nơi Thiên Chúa Cha, luôn làm theo, luôn vâng phục Thiên Chúa - hiếu thảo với Thiên Chúa Cha từ đời đời. Thế nên mới nói nguồn gốc hiếu đạo Công giáo có nền tảng Ba Ngôi. Hiếu thảo được Đức Giêsu thực hiện từ thuở đời đời. Hiếu thảo đã tồn tại trong cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tín điều Ba Ngôi là tín điều căn cốt của Giáo lý Công giáo, được ghi trong Kinh Tin Kính mà Hội Thánh tuyên xưng: "Tôi tin kính một Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngôi Cha nhân từ dựng nên trời đất muôn loài, và Ngôi Hai là Con Một Chúa Cha, nhờ Thánh Linh bởi lòng đồng trinh Maria…". Theo Balthazar: “trước khi có thánh giá cắm trên đồi Golgôtha năm 33 thì đã có thánh giá trong lòng Thiên Chúa Cha từ đời. Cũng vậy, Đạo hiếu Kitô giáo đã có trong cung lòng Thiên Chúa Cha từ đời đời”.
b. Hiếu là luật của Chúa
Nền tảng giáo thuyết về Đạo hiếu Kitô giáo rất rõ ràng trong Thánh Kinh. Luật Đạo hiếu trong Thánh Kinh có giá trị vĩnh cửu, thường tồn. Thánh vịnh ghi lại rằng: “Huấn lệnh Người ban đều chắc chắn, bền vững đến muôn đời muôn thuở - căn cứ vào sự thật lẽ ngay” (Tv 110, 7-8), hay trong Tv 18, 8: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bồi sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn”.
Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa đã không ngừng dạy cho con người biết sống hiếu thảo, thảo hiếu với Thiên Chúa, thảo hiếu với cha mẹ ông bà và thảo hiếu với đồng loại.
Hiếu thảo với Thiên Chúa: Đấng là Cha tất cả mọi người: “Đây là mệnh lệnh, là những thánh chỉ và quyết định mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã truyền phải dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành trong đất anh em sắp sang chiếm hữu. Như vậy anh (em) cũng như con cháu anh (em) sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh (em), và anh (em) sẽ được sống lâu” (Đnl 6,1-2).
Con người có bổn phận đền đáp phụng sự Người hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, và mọi nơi mọi lúc: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em, anh em phải ghi tạc vào lòng, anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7).
Hiếu thảo với cha mẹ: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi” (Xh 20,12; Đnl 5,16).
Hiếu với đồng loại: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18).Hiếu trong đạo Công giáo, đặt tâm tình biết ơn lên cao nhất và là trọng tâm của mọi thực hành trong các mối qua hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa và đồng loại. Trong đó, hiếu với cha mẹ, cũng là hiếu với Thiên Chúa, hiếu với người thân cận hay đồng loại cũng là hiếu với Thiên Chúa, vì họ cũng mang hình ảnh Thiên Chúa. Con người được mời gọi sống yêu thương, vì chính yêu thương là con người họa lại cuộc sống của Đấng Sáng Tạo và sống với Đấng Sáng Tạo.
Hiếu thảo là giới răn trọng yếu của đạo Công giáo. Trong đó ta thấy hiếu thảo với cha mẹ được đưa lên hàng đầu trong các giới răn về bổn phận với tha nhân, chỉ đứng sau ba giới răn về thờ phượng Thiên Chúa. Như vậy, hiếu thảo với cha mẹ là trung gian nối kết giữa Thiên Chúa và tha nhân. Đây cũng là giới răn duy nhất Thiên Chúa ban kèm theo một lời hứa: “để được sống lâu trên đất…
Qua các ngôn sứ và các hiền triết trong văn chương khôn ngoan Do thái, Thiên Chúa không ngừng giáo dục dân Chúa tinh thần hiếu hạnh, thảo kính. Trong hai sách Huấn ca và Khôn ngoan ta thấy những lời giáo huấn rất gần gũi với văn hóa Việt nam:
Cha con, con hãy hết lòng tôn kính
Và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau
 Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành
Công ơn ấy con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc 8,27-28).
Khác với văn hóa Việt, Kinh Thánh đã coi cha mẹ là hiện thân của Thiên Chúa, giúp đỡ cha mẹ là giúp đỡ Chúa, vâng lời cha mẹ là vâng lời Thiên Chúa:
Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm
Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu
Ai tôn kính cha sẽ được trường thọ
Ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cha mẹ an lòng” (Hc 3,3-6).
c. Chính Đức Giêsu đã sống hiếu thảo
Hiếu  trong Thánh Kinh có từ đời đời và có nền tảng vững chắc dựa trên chính gương mẫu hoàn hảo của Đức Giêsu. Ngài chính là Thiên Chúa đã nhập thể và mang thân phận con người, cũng có cha có mẹ, là con người lịch. Ngài đã nên giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Ngài là người con trọn tình chí hiếu với Thiên Chúa Cha và với cha mẹ trần gian là thánh Giuse và Đức Maria.
Hiếu với Chúa Cha: Đức Giêsu thi hành nhiệm vụ được Cha sai phái (Lc 2,49; Ga 3,16), Ngài luôn hướng về Thiên Chúa Cha, tôn thờ Chúa Cha (Ga 2,15-16), Ngài cũng luôn nói về tình thương của Cha (Lc 15; Ga 8,11) và đặc biệt là Ngài đã luôn kết hợp, luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha (Mt 11,25; Lc 3,21; Mc 6,41; Ga 14,16) và hoàn thành bổn phận Chúa Cha trao phó trong tinh thần vâng phục, hiếu thảo (Ga 8,29; Pl 2,6-11).
Hiếu với cha mẹ: trong khi thi hành bổn phận hiếu thảo với Thiên Chúa Cha, Ngài cũng không quên bổn phận phải hiếu thảo và vâng phục cha mẹ trần gian là thánh Giuse và Đức Mẹ Maria:
-                     Lo phụng dưỡng cha mẹ trong ba mươi năm
-                     Vâng phục cha mẹ (cf. Lc 2,51)
-                     Yêu mến, kính trọng cha mẹ (cf. Mt 15,4-5).
Đức Giêsu xuống trần gian cũng không dạy gì khác ngoài chữ “hiếu”. Hiếu thảo với Thiên Chúa, hiếu thảo với cha mẹ, hiếu thảo với tha nhân. Chính Ngài đã sống, đã thực hành Đạo hiếu. Vì thế, đạo Công giáo dạy con người sống và thực hành “Đạo hiếu”. Cách thức thực hành là làm theo gương mẫu sống động hoàn hảo như Đức Giêsu; “sống nhờ Người và hướng về Người”. Nhờ đó, chúng ta được trở nên người hơn và giống Chúa hơn. Đó chính là trọng tâm của đạo đức Kitô giáo (cf. Ga 13,15; 1 Cr 11,1).
Trong tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đến để kiện toàn lề luật. Chính Người đã tuyên bố: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Luật của Ngài là luật yêu thương. Yêu thương chính là thực hành thảo hiếu.
Trong cuộc tranh luận về truyền thống với người Pharisêu, Đức Giêsu lên án những thói giả hình, lấy bổn phận với Thiên Chúa để ngụy tạo trốn tránh trách nhiệm với cha mẹ: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ. Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ai nói với cha mẹ rằng: Những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa” (Mt 15,4-6). Ngài cho đó là giả hình, đạo đức giả, vì đã dựa vào truyền thống mà hủy bỏ lề luật của Thiên Chúa. Bất hiếu với cha mẹ thì có thờ phượng Thiên Chúa cũng vô ích. Hiếu trong Công giáo không có chỗ cho sự giả hình giả bộ. Hiếu với Thiên Chúa, thì cũng phải hiếu với cha mẹ và tha nhân, và tất cả đều phải xuất phát từ sự chân thành từ trái tim như Đức Giêsu đã làm. Con người chỉ có thể tôn thờ Thiên Chúa cách trọn vẹn khi họ sống hiếu thảo với cha mẹ cách chân thành.
Qua những lời dạy của Đức Giêsu và thái độ của Người đối với lề luật và truyền thống làm người ta rất “sửng sốt về những lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mc 1,22). Tại sao? Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã trả lời: “Người tự đặt mình bên cạch Đấng ban lề luật là Thiên Chúa; Người không phải là kẻ giải thích lề luật, nhưng là Chúa, là chủ lề luật” (theo ĐTC Bênêđicto XVI, Đức Giêsu Thành Nazarrett, Nxb. Tôn giáo 2008, p. 285)
d. Hiếu là hành động của tình yêu:
Đạo Công giáo là đạo của tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu, tên của Ngài là Tình Yêu, bản chất của Ngài là tình yêu. Thánh Gioan cảm nhận được điều đó cách sâu sắc khi ngài viết: “Ai không yêu thương, là không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4.8). Thiên Chúa đã thể hiện yêu thương bằng một tình yêu không có giới hạn là ban Con Một cho thế gian “để nhờ Con Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4.9). Đến lượt mình, Đức Giêsu đã thể hiện yêu thương bằng vâng phục Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự. Đó là tình yêu cho đi đến tận cùng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Như thế, khi chúng ta phải đáp đền được tình yêu bằng tình yêu, thì đó cũng là cách thực hành Đạo hiếu. Yêu mến Thiên Chúa là vâng nghe lời Người, và vâng nghe lời Người cũng là hành động của thảo hiếu.
Tóm lại, nhìn lại nguồn gốc và nền tảng hiếu đạo trong văn hóa và qua các tôn giáo ngoài Kitô, chúng ta không thấy có một sự đối nghịch với Đạo hiếu được thực hành trong Đạo Công giáo. Trái lại, ta thấy Đạo hiếu đã được chính Thiên Chúa ghi khắc trong sâu thẳm cõi lòng mỗi con người khi cho họ hiện hữu. Nhờ đó, con người dù theo tôn giáo nào cúng ý thức được có một Đấng nào đó trên họ và việc thi hành tấm lòng thảo hiếu với Đấng siêu việt, với cha mẹ với tha nhân là một bổn phận. Chính điều này đã làm cho con người luôn ý thức về lòng biết ơn cho dù họ ở cấp độ trong các nền văn hóa và trong các tôn giáo khác nhau.
Thiên Ân
Thông tin khác:
Chúa nhật II mùa Thường niên A: Lời chứng của vị Tiền Hô (17/01/2014)
Ngày 12-01-2014, Chúa nhật (năm A), Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa: Đây là Con ta yêu dấu. (11/01/2014)
Đức Giáo Hoàng kêu gọi hòa bình trong thông điệp Giáng Sinh (27/12/2013)
Ngày 25 tháng 12 – Đại lễ Giáng Sinh: Ngôi Lời là ánh sáng thật. (24/12/2013)
Chúa nhật IV Mùa Vọng, năm A: Thiên Chúa ở với Loài Người. (23/12/2013)
Tìm hiểu lịch sử và ý nghĩa ngày Đại lễ Chúa Giáng Sinh (21/12/2013)
Maranatha! Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến! (21/12/2013)
Chúa nhật III mùa Vọng, năm A: Sứ vụ của Gioan Tẩy giả (14/12/2013)
Chúa nhật II mùa vọng, năm A: Hãy sám hối ! (08/12/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log